Trưng bày hiện vật trong Bảo tàng là một trong những công việc đặc biệt quan trọng trong thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Bảo tàng. Nó không chỉ thể hiện tính khoa học, mà còn là nghệ thuật trưng bày. Trưng bày không chỉ phản ánh nội dung khoa học, thuận tiện cho việc khai thác sử dụng, mà còn phải có tính thẩm mỹ, tính giáo dục, tính hấp dẫn. Trưng bày Bảo tàng là việc trình bày các hiện vật một cách có tổ chức, có giải thích, có sự phân bổ chung phù hợp với ý đồ tư tưởng và các nội dung được xác định. Trưng bày có thể xem như là ngôn ngữ hay hình thức thông tin cơ bản của Bảo tàng, là cầu nối giữa hiện vật Bảo tàng và đông đảo quần chúng nhân dân.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ khi tái lập tỉnh năm 1997, trải qua rất nhiều lần thay đổi địa điểm làm việc, năm 2015 Bảo tàng tỉnh được di dời về khuôn viên khu Trung tâm Văn hóa tỉnh tọa lạc tại bờ hồ Suối Cam, thuộc trung tâm thị xã Đồng Xoài. Mặc dù chưa phải là một trụ sở Bảo tàng đúng nghĩa, nhưng bằng sự nổ lực của các thế hệ lãnh đạo Bảo tàng và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, năm 2020 Bảo tàng đã tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng 02 phòng trưng bày cố định gồm: phòng trưng bày Kháng chiến và văn hóa tộc người Bình Phước; phòng trưng bày Bình Phước tiềm năng, quá trình hình thành và phát triển với tổng diện tích trưng bày hơn 500m2, trưng bày hơn 475 hiện vật, 400 hình ảnh và hàng chục tài liệu có giá trị.
Sau gần 3 năm đưa vào sử dụng, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch chỉnh lý trưng bày không gian Di sản văn hóa Bình Phước năm 2023, thời gian thực hiện chỉnh lý từ tháng 8/2023 đến hết tháng 9 năm 2023. Công tác chỉnh lý trưng bày bao gồm các nội dung sau:
Về nội dung: Dựa trên nội dung đề cương cũ và tiến hành cập nhật bổ sung thêm hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày về Trống đồng Thọ Sơn, hình ảnh về chiến tranh biên giới Tây Nam, hình ảnh về các dân tộc S’tiêng, Mnông, Khmer; điều chỉnh một số hình ảnh theo góp ý của khách tham quan.
Về cơ sở vật chất: Bổ sung thêm hệ thống camera an ninh, quạt thông gió, nâng cấp thiết bị điện, cửa bảo vệ, cây inox bảo vệ, nắp kính…
Về sửa chữa: thực hiện vệ sinh kính, vệ sinh các hiện vật đang trưng bày trong các mô hình, hộp hình; thực hiện tu sửa 05 tượng lớn (gồm tượng 2 tượng tại mô hình nghề rèn của người Mnông, 1 tượng tại mô hình nghề đan gùi của người S’tiêng, 1 tượng tại hộp hình khai thác cao su thời Pháp thuộc, 1 tượng tại hộp hình xe đạp thồ) bị hư hỏng và bảo quản 01 hộp hình mô hình Lễ hội Cầu mưa của người S’tiêng.
Việc chỉnh lý trưng bày đã kịp thời điều chỉnh một số nội dung góp ý của khách tham quan, cập nhật những tài liệu, hiện vật, hình ảnh mới trong quá trình sưu tầm hàng năm, kèm theo đó là áp dụng vật liệu, thiết bị, công nghệ trưng bày mới để tăng thêm hiệu quả, thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng ngày một đông hơn…,cũng như khắc phục một số hư hỏng trong quá trình sử dụng tại 02 phòng trưng bày nêu trên.
Tác giả: Quốc Dũng