Bình Phước: Lễ hội Phá Bàu – Nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer

Bình Phước: Lễ hội Phá Bàu – Nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer

Lễ hội Dua Tpeng (hay còn gọi là lễ hội Phá Bàu) của đồng bào dân tộc Khmer tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của lễ hội, sự đa dạng văn hóa ở Bình Phước, đồng thời ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc.

Những giá trị văn hóa sống động

Phá Bàu của đồng bào dân tộc Khmer ở xã Lộc Khánh là lễ hội truyền thống. Đây là loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo riêng, nội dung phong phú, đa dạng của người Khmer ở Lộc Khánh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Lễ hội Phá Bàu phản ánh rõ đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Thông qua lễ hội, người Khmer ở Lộc Khánh cầu mong sự bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Không gian lễ hội được tổ chức ở 2 địa điểm là miếu Ông Tà (nơi thực hiện nghi lễ cầu xin bình an của người dân) và bàu nước (nơi thực hiện các nghi lễ chính, phần hội của hội bắt tôm cá). Già làng Lâm Bắc, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh cho biết: Bản thân già và người Khmer rất vui mừng khi lễ hội Phá Bàu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Già mong muốn di sản này sẽ được gìn giữ cho muôn đời sau.

Theo lời kể lại của các vị cao niên ở các sóc tại xã Lộc Khánh, lễ hội Phá Bàu đã có từ lâu đời và được duy trì. Mặc dù có thời gian gián đoạn do chiến tranh nhưng sau ngày đất nước thống nhất thì lễ hội được tổ chức thường xuyên. Quy mô của lễ hội có lúc khác nhau nhưng nội dung, chương trình không có nhiều thay đổi. Những năm gần đây, lễ hội còn nhận được sự quan tâm của các cộng đồng đồng bào dân tộc S’tiêng, Kinh… Để chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội Dua Tpeng, trước đó già làng cùng các thành viên trong cộng đồng sẽ họp và phân công nhiệm vụ cho từng người. Chuẩn bị lễ vật để cúng thần linh sẽ được già làng và một số thành viên lớn tuổi, có uy tín trong cộng đồng trực tiếp làm.

Ông Lâm Uynh, ấp Sóc Lớn cho biết: Các lễ vật sẽ được chuẩn bị thành 2 phần, một phần cúng tại miếu Ông Tà và một phần dùng cúng thần linh tại bàu nước nơi diễn ra lễ hội. Lễ vật dâng lên Ông Tà là gà luộc, trầu cau, rượu, cây bông trầu, đèn cầy (nến). Vật cúng tại bàu nước gồm thủ cấp heo, chuối chín, đèn cầy, nhang, xôi, thịt luộc, rượu trắng, cây bông, chiếu lùng, nước trắng, mâm đồng, khay gỗ đựng trầu cau.

Để di sản trở thành tài sản

Để tham gia lễ hội Phá Bàu, các gia đình chuẩn bị những vật dụng như nơm, gùi, đồ xúc cá, giỏ đựng, cơm ống, nước uống, trầu cau, canh thụt, cá nướng và rượu trắng. Sau khi thực hiện xong các nghi thức phần lễ là lúc tổ chức các trò chơi truyền thống như ném khăn, dấu khăn và thuốc cá. Những người chơi vừa thực hiện các động tác của trò chơi vừa hát các bài có liên quan để cổ vũ, làm cho không khí lễ hội vui tươi, rộn ràng hơn.

Trên bờ là vậy, còn dưới bàu nước, phụ nữ và trẻ em nhanh tay dùng các vật dụng như nơm, đồ xúc để bắt cá. Theo ông Lâm Rơi ở xã Lộc Khánh, khi tham gia lễ hội Phá bàu, ai bắt được con cá to trước là có phúc, họ sẽ dâng cho già làng để thể hiện sự tôn kính và cảm ơn công lao những người lớn tuổi. Ngoài ra, cá bắt được dùng chế biến nhiều món ăn để thưởng thức và giao lưu trong ngày hội. Vì vậy, lễ hội Phá Bàu không chỉ là nơi bắt cá mà còn để mọi người trong, ngoài srok có dịp gặp gỡ, chia sẻ tình cảm, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, thể hiện tinh thần đoàn kết, các quy tắc ứng xử cộng đồng và giá trị văn hóa truyền thống. Chị Trần Mỹ Tiên, xã Lộc Điền cho biết: Tôi ấn tượng với các món ăn tại lễ hội vì mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Khmer. Đó là các món ăn truyền thống như mắm chua cá hấp lá chuối, cá, cua nướng. Ngoài ra, tôi còn được thưởng thức lời ca, tiếng hát, trò chơi, giá trị văn hóa rất thú vị, độc đáo, riêng có của bà con nơi này.

Xã Lộc Khánh là nơi duy trì lễ hội từ trước cho đến nay. Vì vậy để bảo tồn, phát huy di sản, chính quyền và nhân dân đã có các giải pháp bảo vệ. Hiện nay, huyện Lộc Ninh đã có phương án giữ lại 2 bàu nước để duy trì lễ hội. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ các bàu nước, ngăn chặn trường hợp xâm hại, đánh bắt cá trái phép trong các bàu nước. Thường xuyên bổ sung cá giống để phục vụ tốt hơn các hoạt động của lễ hội. Ngoài ra, tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh hiện có dự án phát triển du lịch cộng đồng do Ngân hàng châu Á tài trợ với nguồn vốn khoảng 14 tỷ đồng. Trong dự án này, bảo tồn lễ hội Phá Bàu là một trong những hạng mục được đưa vào triển khai thực hiện. Vì vậy, xây dựng di sản này thành điểm đến tham quan du lịch thì đây là lợi thế rất lớn trong việc thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Ninh cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ triển khai giới thiệu, quảng bá di sản một cách đồng bộ, gắn hoạt động lễ hội với các loại hình phát triển du lịch ở địa phương. Hoạt động này vừa nhằm tạo điều kiện để di sản văn hóa biến thành tài sản góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương thông qua các loại hình dịch vụ nhằm thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Tương lai, đây cũng là nguồn lực đảm bảo để di sản văn hóa lễ hội được bảo tồn và duy trì thường xuyên.

Nguồn: Báo Bình Phước

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan