Sáng nay 28-4, tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bù Đăng tổ chức phục dựng lễ hội Mừng lúa mới của người S’tiêng với đầy đủ nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động ý nghĩa.
Ngay từ sáng sớm, đồng bào thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã cùng chuẩn bị lễ vật cho lễ hội, như: cơm lam, thịt heo nướng, canh thụt… Ngoài ra, sân khấu của lễ hội với cây nêu, gian cúng thần lúa cũng được chuẩn bị chu đáo, đẹp mắt.
Lễ hội Mừng lúa mới là hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào S’tiêng, với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã mang đến mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu cho năm mới mạnh khỏe, ấm no. Đồng thời cũng là dịp để dân làng tề tựu, cùng chia sẻ niềm vui được mùa.
Đây là năm đầu tiên lễ hội Mừng lúa mới được phục dựng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo theo nghi thức, phong tục của đồng bào S’tiêng. Trong đó ấn tượng nhất là lễ gọi thần lúa và tạ ơn thần lúa được thực hiện bởi 2 vị già làng có uy tín.
Các già làng cầu khấn tạ ơn thần lúa
Sau khi nghi thức cúng tạ thần lúa kết thúc, các già làng, chàng trai, cô gái S’tiêng trong trang phục truyền thống hòa nhịp cùng cồng, chiêng tạ ơn thần lúa… đồng bào mong thần lúa sẽ ban cho họ mạnh cái tay, khỏe cái chân để làm ra nhiều lúa, dân làng giàu có, yên vui, no ấm.
Trong khuôn khổ lễ hội, các hoạt động trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, như: cõng nước về làng, nấu cơm lam, giã gạo… đã thu hút đông thanh niên tham gia. Qua đó thể hiện tinh thần thi đấu nhiệt tình, hào hứng tạo nên một sân chơi sôi nổi và vui tươi.
Tiết mục múa chào mừng lễ hội
Các già làng thực hiện nghi thức cúng mừng lúa mới
Tiết mục thi giã gạo
Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng trao giải cho các thí sinh đoạt giải
Ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Việc phục dựng lễ hội Mừng lúa mới nhằm bảo tồn và phát huy sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của du khách. Qua đó tạo nguồn tư liệu hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho các nhà khoa học trong tỉnh, từng bước hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo sâu rộng tới du khách trong và ngoài nước”.
Nguồn tin: Báo Bình Phước