Ngày 06/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 479/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Nghề thủ công truyền thống Nghề đan gùi của người S’tiêng huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện nay, đời sống kinh tế – xã hội đã có nhiều đổi thay, nhiều loại vật dụng mới đa dạng về chất liệu, loại hình cũng như chức năng sử dụng nhưng người S’tiêng Bình Phước vẫn gắn bó thân thiết với chiếc gùi. Trong mỗi gia đình người S’tiêng ở Bình Phước chiếc gùi vẫn là vật dụng được sử dụng thường xuyên trong lao động sản xuất, đồng thời trong văn hóa truyền thống chiếc gùi vẫn còn được sử dụng để làm vật trao tặng hoặc làm sính lễ trong hôn nhân. Vì vậy ở nhiều địa phương, người S’tiêng vẫn luôn tự giác lưu giữ, bảo tồn và duy trì nghề đan gùi truyền thống trong cộng đồng, trong đó tiêu biểu tại huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có 06 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội truyền thống Lễ hội Miếu Bà Rá thị xã Phước Long, Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Lễ hội truyền thống Lễ hội Cầu bông của người Kinh (huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, huyện Bù Đăng, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước), Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông Nghề thủ công truyền thống Nghề Đan gùi của S’tiêng huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh.
Bên cạnh đó, có 25 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, ban hành kèm theo Quyết định số 841/QĐ-UBND ngày 19/4/2018 của UBND tỉnh Bình Phước.
Theo: vhttdlbinhphuoc.gov.vn