Chú trọng tôn tạo di tích, khai thác di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa

(Chinhphu.vn) – Song song với công tác tu bổ, tôn tạo các di tích theo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội đang đẩy mạnh khai thác các di tích, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch văn hoá.

Chú trọng tôn tạo di tích, khai thác di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa - Ảnh 1.

Hà Nội là địa phương có thế mạnh trong khai thác các di sản trở thành các điểm du lịch văn hóa – Ảnh: VGP/GH

Xếp hạng, tôn tạo, khai thác các di tích để phát triển du lịch văn hoá

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025, nút thắt trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích được, Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được Hà Nội chú trọng.

Với 5.922 di tích các loại, Hà Nội là địa phương có thế mạnh trong khai thác các di sản trở thành các điểm du lịch văn hóa. Sau 2 năm triển khai Chương trình 06, công tác xếp hạng di tích tiếp tục được Hà Nội chú trọng như xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho: Cụm di tích Thăng Long Tứ Trấn (đền Kim Liên, đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Quán Thánh); xây dựng hồ sơ nâng cấp di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai). Nâng cấp xếp hạng di tích cấp Quốc gia cho 3 di tích; xếp hạng di tích cấp Thành phố cho 52 di tích. Tính đến nay đạt 50% chỉ tiêu Chương trình 06.

Trong công tác tu bổ di tích, theo kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025, Hà Nội có tổng số 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích với kinh phí trên 14.000 tỷ đồng. Đến nay, việc triển khai đã đạt được kết quả bước đầu, với dự án do Thành phố đầu tư có14/49 dự án đã phê duyệt chủ trương, 9 dự án đã thẩm định dự án, 6 dự án đã phê duyệt dự án, 2 dự án đang thi công, 4 dự án đã hoàn thành. Với dự án do Thành phố hỗ trợ đầu tư, đã có hơn 166 dự án đã được thẩm định, 150 dự án đã được phê duyệt và 100 dự án đang thi công tu bổ, tôn tạo.

Bên cạnh công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, Hà Nội đẩy mạnh khai thác các di tích để phát triển du lịch văn hoá. Thời gian qua, cá đơn đơn vị quản lý các di tích trọng điểm như: Đền Ngọc Sơn, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… đã chủ động xây dựng các sản phẩm đa dạng, phong phú nhằm thu hút khách thăm quan du lịch, nghiên cứu học tập. Thành phố đang tiếp tục thi công công trình phục dựng tòa Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn, khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Với Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội triển khai thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban di sản thế giới về thống nhất quản lý di sản về di tích và di vật, triển khai Chương trình giáo dục di sản và nâng cao chất lượng điểm đến khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Triển khai dự án xây dựng Đền thờ Ngô Quyền, nghiên cứu kịch bản tổng thể lễ hội Ngô Quyền xưng vương, xây dựng nội dung phương án bài trí nội, ngoại thất đền Ngô Quyền tại khu di tích Cổ Loa.

Đề án Mã hóa dữ liệu Địa chỉ đỏ trên địa bàn Hà Nội cũng được triển khai để phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, sinh hoạt chuyên đề tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử; triển khai mã hóa, đặt điểm QR code tuyên truyền tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ; ra quân các đội hình tuyên truyền Hỗ trợ du lịch Thăng Long – Hà Nội nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô.

Chú trọng tôn tạo di tích, khai thác di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa - Ảnh 2.

Một trong các hoạt động trải nghiệm nghề kim hoàn của Thăng Long – Hà Nội – Ảnh: VGP

Bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong hơn 2 năm, công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa Phi vật thể được Ban chỉ đạo Chương trình 06 rất chú trọng, các quận, huyện đã triển khai thực hiện góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Đến nay, Thành phố có thêm 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 27 di sản. Đã có 10 lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể đã tổ chức Hội thảo để án phục dựng lại lễ hội truyền thống như: Lễ hội Chùa Láng, Đền Quán Thánh, Đền Voi phục … là lễ hội tổ chức rước sau 70-80 năm, thu hút được đông đảo du khách và nhân dân tham dự.

Công tác truyền dạy và phát huy giá di sản văn hoá phi vật thể được các cấp, các ngành triển khai thực hiện, tiến hành hỗ trợ nhiều lớp truyền dạy cho các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình trình diễn dân gian tại cộng đồng, như: hát ca trù, hát xẩm, múa rối, hát chèo… Các di sản sau khi được hỗ trợ truyền dạy đã nhân cấy được người thực hành di sản. Chính quyền và cộng đồng người di sản có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Đối với công tác Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, đến nay công tác quản lý, bảo vệ phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được tăng cường, nhiều tọa đàm, tập huấn được triển khai góp phần định hướng hoạt động thực hành của chủ thể và cộng đồng theo đúng quy định pháp luật.

Công tác truyền dạy, giao lưu trình diễn thực hành, Liên hoan Ca trù được tổ chức hàng năm đã góp phần giúp nghệ thuật Ca trù Hà Nội được bảo tồn và nâng cao về chất lượng với số lượng Câu lạc bộ đang hoạt động là 14 câu lạc bộ với hàng trăm nghệ nhân thực hành đồng thời thực hiện trẻ hóa về độ tuổi.

Chú trọng tôn tạo di tích, khai thác di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa - Ảnh 3.

Thị xã Sơn Tây vừa khai trương năm du lịch Sơn Tây – Xứ Đoài 2023 – Ảnh: VGP/GH

Phát huy văn hóa xứ Đoài gắn với phát triển du lịch

Từ góc độ địa phương, Bí thư thị xã Sơn Tây Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa – lịch sử và du lịch, nghỉ dưỡng

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thời gian vừa qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác và phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người cho phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch, trong đó chú trọng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với du lịch tâm linh, văn hóa và trải nghiệm.

Thị xã Sơn Tây hiện có nhiều di sản, di tích được xếp hạng. Trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Có những di tích được xếp hạng từ rất sớm. Đền Và (Trung Hưng), đền Phùng Hưng (Đường Lâm), đền và lăng Ngô Quyền (Đường Lâm), Chùa Mía (Đường Lâm), được xếp hạng cấp Quốc gia ngay từ năm 1964…

Để có thể biến văn hoá thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Thị xã Sơn Tây xác định tiếp tục duy trì và tổ chức các chuỗi sự kiện, không gian văn hoá: Tuyến phố đi bộ, Tết Việt, Trung thu Thành cổ, giải vật cúp Phùng Hưng… Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học: Bảo tồn và phát huy các giá trị Thành cổ, Làng cổ Đường Lâm…

Theo Bí thư thị xã Sơn Tây Nguyễn Anh Tuấn, đối với thị xã Sơn Tây, hiểu cô đọng là vùng đất “địa văn hóa”, nơi có một “trữ lượng” tài nguyên văn hoá rất dồi dào, dù công tác bảo tồn và phát huy đã rất được lãnh đạo địa phương quan tâm, đã có những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên này phục vụ phát triển, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, như địa phương cần quy hoạch tổng thể để quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử – văn hoá gắn với phát triển kinh tế.

Nguồn: www.chinhphu.vn

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan