Đồng bào S’tiêng có truyền thống sinh sống quần cư ở từng thôn, ấp, đa dạng và phong phú về văn hóa nói chung, ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, nghệ thuật… nói riêng. Đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm của đồng bào rất đặc sắc cả về cách dệt và sản phẩm là những tấm thổ cẩm giá trị. Khố, áo, váy và các loại thổ cẩm đó mang lại trang phục truyền thống của đồng bào S’tiêng có nét đẹp riêng biệt, cho thấy sự tài hoa và khéo léo của người thợ dệt, phạm vi rộng hơn đã góp phần tô điểm thêm nét đẹp trong văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào S’tiêng.
Những năm qua, sự nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nước ta đã góp phần tích cực nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí đang đối mặt với nhiều nguy cơ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cuộc sống hiện đại cùng với quá trình giao lưu, hội nhập, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc có nguy cơ bị mờ nhạt, mất bản sắc, thậm chí không còn lưu giữ được. Văn hóa đồng bào S’tiêng cũng trong bối cảnh chung đó.
Việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang đặt ra những vấn đề mang tính sống còn đối với các cộng đồng dân tộc. Một trong những vấn đề dễ nhận diện nhất là giá trị, tiềm năng của di sản văn hóa phi vật thể chưa được phát huy đúng mức. Việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thậm chí bị lãng quên.
Những năm gần đây, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam liên tiếp nhận tin vui được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhiều địa phương trong cả nước cũng có các nghề truyền thống, hoạt động văn hóa… được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Bên cạnh các di sản văn hóa phi vật thể đã phát huy được giá trị, ngày một được bồi đắp phong phú hơn, đẹp hơn, thực tế ở một số nơi, không ít di sản văn hóa phi vật thể sau khi được công nhận đã bị rơi vào lãng quên vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó lý do được nhắc đến nhiều nhất là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng, đầu tư không đúng mức, truyền thông kém hiệu quả, thậm chí có trường hợp còn bỏ qua ý nghĩa lớn nhất là giá trị cộng đồng, thay vào đó là trục lợi cá nhân từ giá trị của di sản.
Làm thế nào để phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh nói chung, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng tỉnh Bình Phước” nói riêng là một bài toán không đơn giản và trách nhiệm không chỉ của một nhóm người hay một tổ chức, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Văn hóa là cái đẹp. Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hay giá trị văn hóa nào cũng vậy, là phát huy giá trị của cái đẹp, nếu trách nhiệm không đủ, đầu tư không đúng mức thì di sản văn hóa, giá trị văn hóa ấy sẽ dần mất đi, còn trục lợi hay chỉ nhằm làm đẹp cho bản thân, người thân mình… mà ngó lơ người khác, ngó lơ cộng đồng, văn hóa đó trở thành phi văn hóa mất rồi!
Nguồn: Bình Phước Online