BP – Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Ông đã để lại cho hậu thế một di sản vô giá về y đức, y lý, y thuật, dược, di dưỡng. Đồng thời, ông cũng để lại cho đời một mối tình tuyệt đẹp của thời trai trẻ.
Năm 1782, ông nhận được lệnh chúa triệu về kinh. Lúc này, ông đã 62 tuổi, sức yếu lại quyết chí xa lánh công danh, nhưng do theo đuổi nghiệp y đã mấy chục năm mà bộ “Tâm lĩnh” chưa in được, “không dám truyền thụ riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết, nhưng việc thì nặng sức lại mỏng, khó mà làm được” – ông viết trong tác phẩm “Thượng kinh ký sự” và ông hy vọng lần đi ra kinh đô có thể thực hiện việc in bộ sách. Vì vậy, ông nhận chiếu chỉ của chúa Trịnh, từ giã gia đình, học trò rời Hương Sơn lên đường.
Ra kinh vào phủ chúa xem mạch và kê đơn cho thế tử Trịnh Cán, ông được Trịnh Sâm khen “hiểu sâu y lý” ban thưởng cho ông 20 xuất lính hầu và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại. Nhưng ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài. Bọn ngự y ghen tỵ với Lãn Ông không chịu chữa theo đơn của ông nên thế tử không khỏi, ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này.
Thời gian ở kinh đô, ông nhiều lần xin về thăm cố hương ở Hải Dương, nhưng mãi đến tháng 9-1782, chúa Trịnh mới cho phép ông về. Sau hơn 40 năm xa cách, được trở về mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, ông đã thực sự bồi hồi. Đặc biệt hơn, lần về lại này ông đã xúc động khi biết rằng, người vợ năm xưa mình đã từ hôn vẫn còn đây, vẫn nồng nàn chung thủy bằng cách xuống tóc đi tu, nguyện một đời nhớ thương người chồng chưa cưới đã vì nước, vì trăm họ mà lãng quên mình.
Câu chuyện tình cảm với người con gái quê xưa ở chốn cũ có lẽ sẽ không được vị danh y lỗi lạc này nhớ đến bởi lúc nào ông cũng bận bịu giữa hàng tá công việc. Thứ nữa, người con gái ấy tuy đã hứa hôn với ông nhưng trước lúc về quê mẹ ở ẩn cách 40 năm về trước, mặc dù ngày ấy ông rất yêu thương nhưng biết chắc về quê sẽ khó có ngày tái ngộ nên đã tạ tội với cô gái và hai gia đình để xin được từ hôn. Chuyện xưa và người xưa những tưởng đã vùi chôn vào năm tháng thì bất ngờ, mọi chuyện được gợi nhắc và sống dậy khi ông trở lại kinh thành chữa bệnh cho chúa Trịnh và câu chuyện “thượng kinh ký sự” của vị đại thần y lần này không đơn thuần chỉ là chữa bệnh, đó còn là cuộc trở về quê cũ, thăm lại người xưa để tạ lỗi với hương xưa, người đã vì ông mà để lỡ mất một thời hương sắc thanh xuân.
Chuyện bắt đầu trong “Thượng kinh ký sự”, một ngày nọ có hai lão ni cô đến chỗ Hải Thượng Lãn Ông và cho biết, ở chùa Huê Cầu đang đúc chuông lớn nhưng công quả chưa thành nên họ lên kinh thành để quyên góp ủng hộ. Thậm chí, một trong hai vị ni cô để tạo lòng tin với ông còn tiết lộ, bà chính là con gái của quan tả thừa ty tỉnh Sơn Nam, quê ở Huê Cầu. Nghe nói đến quan tả thừa ty tỉnh Sơn Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bất chợt giật mình, bởi ngày xưa chính ông đã đem lòng yêu thương rồi cầu hôn, đã nộp lễ vấn danh và lễ hỏi với cô con gái rượu của vị quan này. Có điều, sau đó lưu lạc nhau nên hai người đã không đến được với nhau. Sau đó thì ông về Hà Tĩnh lấy vợ, sinh con và cũng nghĩ đơn giản là người xưa cũng đã yên bề gia thất với một công tử hào hoa nào đó nên đã cố tình lãng quên.
Lời bàn:
Từ những tư liệu lịch sử cho thấy, gia đình Lê Hữu Trác vốn là một danh gia vọng tộc, nổi tiếng khoa bảng. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động vì nạn tranh giành quyền lực dưới thời vua Lê – chúa Trịnh và ông đã thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân lao động nghèo khổ trong cảnh loạn lạc, đói rét, bệnh tật. Vì vậy, suốt đời Hải Thượng Lãn Ông tận tụy với người bệnh, không quản đêm hôm, mưa gió, đường sá xa xôi cách trở hay khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau…, ông đều đến tận nơi, khám bệnh rồi mới cho thuốc. Ông tôn trọng nhân cách của người bệnh và luôn nghiêm khắc với bản thân, giữ tâm hồn luôn trong sáng. Ông viết: Khi thăm người bệnh phụ nữ hoặc ni cô, gái góa phải có người khác bên cạnh… để ngăn ngừa sự ngờ vực. Dù đến hạng người buôn son, bán phấn cũng phải giữ cho lòng người ngay thẳng, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt, chớt nhả mà mang tiếng bất chính và chuốc lấy tà dâm.
Là một người thầy thuốc, trước hết ông đề cao y đức. Ông luôn tâm niệm: Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công. Thế nhưng, ngoài việc đề cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Đặc biệt, ông là người có tấm lòng thủy chung sâu sắc và giai thoại trên đây là một minh chứng. Tất cả điều này đã đưa ông trở thành hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang và tấm lòng thủy chung son sắt mà người đời nay và mãi mãi về sau phải học tập.
Nguồn: Bình Phước Online