Gìn giữ, phát huy giá trị di tích lịch sử tại Chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu

Nhiều địa danh gắn với quá trình xây dựng lực lượng, đấu tranh cách mạng của quân và dân ta đã đi vào những trang vàng lịch sử vẻ vang của dân tộc, đã được công nhận, xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đền Sầy- Di tích lịch sử cấp Quốc gia nằm trong vùng chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu, huyện Nho QuanSơn Thành, huyện Nho Quan là một trong các xã nằm trong vùng chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu, hiện có đền Sầy, đình Ác là những di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây từng diễn ra nhiều hoạt động cách mạng trong thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền từ năm 1930-1945. 

Từ kháng Nhật, chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, người dân Sơn Thành một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ, cùng với nhân dân trong tỉnh lập nên bao chiến công. Hiện nay, tại các di tích lịch sử này luôn có người trông coi, bảo quản, giữ gìn nguyên trạng giá trị của di tích, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương.  

Năm 1938, tại ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Xiển, thôn Đồi Dâu, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình họp Đại hội đại biểu lần thứ nhất, với sự tham dự của đại biểu cơ sở Đảng ở các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Gia Khánh và Yên Mô. 

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 uỷ viên, đồng chí Đinh Tất Miễn được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình. Hiện nay ngôi nhà vẫn được con cháu trong gia đình và người dân địa phương gìn giữ nguyên vẹn. 

Tự hào khi được sống trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thôn Đồi Dâu đã luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua trên nhiều lĩnh vực để có những thành quả xứng đáng, phấn đấu đến cuối năm nay được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. 

Các địa phương nằm trong khu vực chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu, nơi có các di tích lịch sử cách mạng đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhằm giữ gìn nguyên trạng, hoặc cho dựng bia ghi dấu di tích, khoanh vùng bảo vệ. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích được triển khai, thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. 

Mỗi di tích lịch sử tại khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu đều in đậm dấu ấn về chặng đường cách mạng đầy hào hùng của dân tộc, đang tiếp tục được gìn giữ, bảo vệ và phát huy, trở thành địa chỉ đỏ để khách du lịch, cán bộ và nhân dân nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu về truyền thống cách mạng từ đó nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp./.

Nguồn: NBTV.VN

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan