(Chinhphu.vn) – Kỷ niệm 30 năm (1993 – 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 – 2023) Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh Di sản thế giới là sự kiện đặc biệt trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2023
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững – Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Ngày 15/6, ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tròn 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, tỉnh sẽ tổ chức chương trình kỷ niệm với nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 16-18/6).
Theo đó, Chương trình kỷ niệm gồm các hoạt động nổi bật như: Khai mạc triển lãm giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh (lúc 8h ngày 16/6 tại Hiển Lâm Các, Đại Nội – Huế); khai mạc triển lãm mỹ thuật và di sản chủ đề “Di sản diễn xướng cung đình và cảm hứng hội họa” (lúc 16h30 ngày 16/6 tại Trường lang Tử Cấm Thành, Đại Nội – Huế ); khai mạc triển lãm “Thần Kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị” qua thư pháp truyền thừa của Đài Loan (lúc 08h ngày 17/6 tại vườn Thiệu Phương, Đại Nội – Huế)…
Đặc biệt, Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các di sản được vinh danh với chủ đề “Di sản Cố đô, ký ức và trao truyền” sẽ diễn ra vào 20h ngày 17/6 tại quảng trường Ngọ Môn với sự tham gia của 9 đoàn nghệ thuật, gần 450 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, khán đài rộng lớn với sức chứa khoảng 6.000 người.
Cũng trong dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ra mắt “Quỹ bảo tồn di sản Huế”. Tôn chỉ của Quỹ bảo tồn di sản Huế là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hoá Huế theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước; đưa các giá trị văn hóa, lịch sử đến với nhân dân, du khách và cộng đồng trong và ngoài nước một cách sâu sắc hơn; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cách đây tròn 30 năm, ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO, đây là di sản thứ 410 trong danh mục di sản thế giới và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh.
Tiếp đến, ngày 07/11/2003, Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng được UNESCO ghi tên vào Danh mục các Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận.
Cho đến nay, Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế (Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 – Di sản vật thể), Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 – Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 – Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 – Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 – Di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).
Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, sự giúp đỡ tích cực của UNESCO cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào: Quần thể Di tích Cố đô Huế – kinh đô của triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam đang từng bước được hồi sinh. Đối với Nhã nhạc, nhiều giá trị cơ bản cốt lõi đã được nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ và gắn với định hướng về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54-NQ/TW ban hành ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.
Trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có những bước đi chiến lược với việc triển khai Đề án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 – 2010 theo Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 12/12/1996 của Thủ tướng Chính phủ); Dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 – 2020 theo Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 7/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trước ảnh hưởng của thời gian, thiên tai và con người.
Ngày nay, Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia và thế giới. Bảo tồn toàn vẹn di sản văn hóa Cố đô Huế là bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc, góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại.
Nguồn: baochinhphu.vn