Theo nhiều đại biểu Quốc hội, Cơ quan soạn thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) – chủ trì là Bộ VHTTDL đã có nhiều cố gắng để bao quát những vấn đề mới, xử lý những điểm nghẽn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, để di sản góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009, trước yêu cầu của cuộc sống, việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện nay là rất cần thiết để điều chỉnh bao quát những vấn đề mới như: Di sản tư liệu, di sản đô thị, di sản công nghiệp, di sản số, vai trò của di sản như nguồn lực, tài sản cho sự phát triển bền vững đất nước; thống nhất với những luật mới đã được ban hành nhưng có sự khác biệt, chưa phù hợp với Luật Di sản văn hóa hiện nay như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường…; cũng như tương thích và thực hiện đúng cam kết với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian vừa qua.
Luật Di sản văn hóa lần này được sửa đổi toàn diện là nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn, góp phần bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh mới.
Để hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này, Cơ quan soạn thảo – chủ trì là Bộ VHTTDL, đã tiếp thu ý kiến rộng rãi của nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp xã hội… để có dự thảo Luật tương đối toàn diện.
“Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng để bao quát những vấn đề mới, xử lý những điểm nghẽn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, để di sản góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước” – nhiều đại biểu Quốc hội đều chung nhận định này khi nói về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Cần có quy định riêng cho những di sản sống
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật này, ĐBQH Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần chú ý nhiều hơn đến di sản đô thị và di sản công nghiệp, nhất là các đô thị như Hà Nội, nơi có các địa điểm đáng chú ý như: Làng cổ Đường Lâm, khu phố cổ, Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm…
Theo đại biểu, nếu chúng ta không cân bằng được bảo tồn và phát triển, làng cổ Đường Lâm sẽ trả lại danh hiệu, khu phố cổ sẽ không mong muốn được công nhận di sản…Vì vậy, cần có quy định riêng cho những di sản sống, để đặt con người vào trung tâm trong mọi kế hoạch bảo vệ di sản, từ đó đất nước mới phát triển bền vững được.
Góp ý về vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên không gian mạng, đại biểu cho rằng, di sản số, bảo tàng số hay vấn đề số hóa di sản cũng cần được quan tâm nhiều hơn, bởi sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với thế giới số, công dân số sẽ không loại trừ những vấn đề liên quan đến di sản. Nếu không bao quát và xử lý những vấn đề này bằng luật pháp thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ lại tiếp tục bị thực tiễn cuộc sống bỏ qua.
Băn khoăn những vấn đề về bảo tàng ở Chương 5, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, bảo tàng công lập hay ngoài công lập đều có ích cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Theo đại biểu, Nhà nước nhiều khi không nhất thiết phải xây dựng, quản lý, tổ chức hoạt động của các bảo tàng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã hợp tác với khu vực ngoài Nhà nước trong việc xây dựng, vận hành thiết chế văn hóa quan trọng này.
“Trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều cá nhân tâm huyết, mong muốn đầu tư cho bảo tàng, Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi để tư nhân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động bảo tàng. Việc sửa đổi Luật lần này nên có thêm các quy định động viên về cơ chế, chính sách, thủ tục cho bảo tàng tư nhân hơn nữa” – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Để hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến rộng rãi của nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp xã hội… để có dự thảo Luật tương đối toàn diện. Tôi nhận thấy Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng để bao quát những vấn đề mới, xử lý những điểm nghẽn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, để di sản góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Hạn chế rủi ro từ việc phát sinh tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa
Góp ý vào dự thảo Luật cụ thể là quy định về quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích tại Điều 33, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, qua nghiên cứu thì điều luật mới chỉ đề cập đến trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan chủ trì thẩm định phê duyệt quy hoạch mà chưa xác định nội hàm của quy hoạch.
Theo đại biểu, đây là một nội dung cần được quan tâm đặc biệt, bởi trong thực tế triển khai thực hiện còn tồn tại nhiều bất cập, cần phải phân định rõ nội hàm của quy hoạch là bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là đối với những quy hoạch có hoạt động xây dựng, bởi hiện đã có quy hoạch xây dựng.
Đại biểu đề nghị nên lồng ghép quy hoạch này trong đồ án quy hoạch xây dựng trong trường hợp để thực hiện quy hoạch đó mà cần có hoạt động xây dựng. Nếu chỉ có quy hoạch về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì chưa thể triển khai các công trình mà vẫn phải có quy hoạch xây dựng. Còn đối với trường hợp trong đồ án quy hoạch không phát sinh hoạt động xây dựng thì có thể thực hiện theo hướng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
“Quy định theo hướng trên sẽ hạn chế được sự lãng phí về thời gian, nguồn lực, đồng thời tránh phát sinh thêm các thủ tục, tạo thuận lợi cho quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện” – đại biểu Nguyễn Quốc Luận nêu quan điểm.
Về quy định sở hữu văn hóa, đại biểu cho rằng, tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa có sự mâu thuẫn về sở hữu toàn dân và không tách bạch được với sở hữu chung hoặc sở hữu riêng. Cụ thể, tại khoản 3 quy định mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất đều thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, khoản 2 lại quy định di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân bao gồm hiện vật thuộc bảo tàng công lập, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản tư liệu thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu không thuộc sở hữu chung hoặc sở hữu riêng.
Do vậy, nhằm hạn chế rủi ro từ việc phát sinh tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét kết cấu lại nội dung theo hướng khoản 2 quy định về sở hữu toàn dân, khoản 3 quy định về sở hữu chung hoặc riêng, đồng thời quy định cụ thể về thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; bổ sung vào Điều 3 giải thích từ ngữ về sở hữu di sản văn hóa.
Được biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 có bố cục gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật bỏ 2 chương: Chương II về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa, Chương VI về khen thưởng và xử lý vi phạm; bổ sung 4 chương: Chương IV về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, Chương V về bảo tàng, Chương VI về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa, Chương VII về điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hồ sơ dự án Luật cũng kèm theo 7 dự thảo Nghị định và 7 dự thảo Thông tư quy định chi tiết.
Về tổng thể, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh (di sản tư liệu) và bổ sung đối tượng áp dụng (cộng đồng); bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; các điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…; kế thừa có bổ sung các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã lựa chọn luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật như điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật./.