Di sản văn hóa không chỉ là viên ngọc quý của dân tộc mà còn là tài sản chung của nhân loại. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa là nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Ngày 18/4/1982, Hội nghị chuyên đề do Hội đồng Quốc tế về di tích và di chỉ (gọi tắt là ICOMOS) được tổ chức tại Tunisia, tại Hội nghị “Ngày Quốc tế về di chỉ và di tích” đã được Ban điều hành ICOMOS đề xuất tổ chức đồng thời trên toàn thế giới. Ý tưởng này được Hội nghị toàn thể lần thứ 22 của UNESCO thông qua vào tháng 11/1983, trong đó, khuyến khích các nước thành viên tự xem xét khả năng của mình để lấy ngày 18/4 hàng năm là “Ngày Quốc tế về di chỉ và di tích”. Theo cách gọi truyền thống thì đây là “Ngày Di sản thế giới”.
Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, Việt Nam có một kho tàng vô cùng phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kho tàng đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa.
Tại tỉnh Bình Phước, trong thời gian qua được quan tâm đầu tư kinh phí bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, nhiều di sản văn hóa được “đánh thức”. Trong đó, Bảo tàng tỉnh với chức năng, nhiệm vụ của mình đã đóng góp sự nghiệp gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh nhà. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 42 di tích được xếp hạng, gồm: 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh với các loại hình: Di tích lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh; có 45 di tích có giá trị được đưa vào danh mục kiểm kê. Các di tích trên địa bàn tỉnh đã trở thành địa chỉ đỏ, hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập.
(Hội trường Bộ Chỉ huy Miền tại di tích Căn cứ Tà Thiết)
Bảo tàng tỉnh Bình Phước hiện lưu giữ hơn 13 ngàn hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, mỹ thuật, có liên quan đến lịch sử kháng chiến, dân tộc học, khảo cổ học… Trong đó, Đàn đá Lộc Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, hiện nay đang được bảo vệ đặc biệt, trưng bày và phát huy giá trị. Công tác bảo quản luôn đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ, an ninh, an toàn, với các trang thiết bị thiết yếu để bảo vệ như hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống camera quan sát, giám sát thường xuyên.
(Học sinh tham quan phòng trung bày Bảo tàng tỉnh)
Công tác trưng bày cũng ghi dấu ấn đặc biệt đối với Bảo tàng tỉnh. Hàng năm, đón tiếp và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách tham quan, tìm hiểu. Không gian trưng bày là điều kiện để Bảo tàng tỉnh đưa các di sản văn hóa của địa phương và quốc gia ra giới thiệu với công chúng, góp phần phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng, đến nay, tỉnh Bình Phước có 04 di sản văn hóa phi vật thể về lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; Lễ hội Miếu Bà Rá phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước; Lễ hội Cầu Bông của người Kinh Bình Phước; Nghề thủ công truyền thống kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước. Bảo tàng tỉnh tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 841/QĐ-UBND ngày 19/4/2018 về phê duyệt danh mục 25 di sản văn hóa phi vật thể trong đó có nhiều lễ hội đặc trưng của các dân tộc đã được vào danh mục, từ đó có cơ sở để hằng năm lựa chọn các di sản lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đã chủ trì và giao Bảo tàng tỉnh thực hiện các đề tài dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như: Dự án Phục dựng Lễ hội lên nhà lúa (Hao-trôl-Va) của người S’Tiêng Bình Phước năm 2007; Dự án Tổng điều tra di sản văn hóa của người S’Tiêng Bình Phước năm 2009; Dự án phục dựng Lễ hội Phá bàu của người Khmer Bình Phước năm 2011; Dự án Văn hóa ứng xử của người S’Tiêng Bình Phước – truyền thống và hiện tại năm 2011; Dự án Phục dựng Lễ hội lập làng mới của người S’Tiêng Bình Phước năm 2012; Dự án Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer Bình Phước năm 2012; Phục dựng Lễ hội Xuống đồng của đồng bào Khmer trên địa bàn xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; Công tác Nghiên cứu, khảo sát và định dạng âm nhạc của người S’tiêng Bình Phước năm 2013.
(Lễ Công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng tỉnh Bình Phước)
Các di sản văn hóa được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và tạo nên các sản phẩm văn hóa – du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tỉnh Bình Phước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và góp phần thực hiện tốt Công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa.
Tác giả: Lâm Hồng – Lê Năm