Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Ngọn nguồn và ý nghĩa

Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn, phải chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Điều này cho thấy nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về tầm quan trọng của các di sản văn hóa Việt Nam. Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như: Khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”; Đông Phương Bác cổ Học Viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ; Giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây; Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn; Chính phủ công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông Phương Bác cổ Học viện.

Có thể nói, Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Theo thời gian, hàng loạt văn bản của Đảng, Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã được ban hành và triển khai.  Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 14/6/2001, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002 là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.

Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Theo đó, Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong những năm qua, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước và của tỉnh Bình Phước, lĩnh vực di sản văn hóa đã phát huy vị thế, vai trò của mình và luôn khẳng định là một ngành có sức hấp dẫn, giàu sức lan tỏa; đồng thời gây dựng được vị trí, vai trò quan trọng trong lòng nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và du khách trong và ngoài nước nói chung. Bình Phước đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Di sản Văn hóa với hệ thống văn bản chỉ đạo, như: Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Chỉ thị 26-CT/TU ngày 14/8/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-UBND ngày 08/9/2021 quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 14/02/2020 về việc phê duyệt, công bố Danh mục kiểm kê di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 15/05/2023 thực hiện Chương trình Bảo tồn và Phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2021 – 2025. 

Hưởng ứng Ngày “Di sản văn hoá Việt Nam, 23/11”, những năm gần đây, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi “Hành trình di sản văn hóa” tỉnh Bình Phước, thu hút hàng nghìn lượt học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh tham gia và cổ động. Qua đó, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tỉnh Bình Phước nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung đến Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là các em học sinh, giúp các em nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương; khơi dậy, củng cố, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh và cả nước.

Di tích lịch sử- danh lam thắng cảnh Núi Bà Rá – Thác Mơ (Di tích cấp quốc gia) đang được Bảo tàng tỉnh chỉnh lý hồ sơ khoa học nhằm thục hiện tốt hơn việc bảo tồn và phát huy giá tri di tích này.

Ông Tô Văn Hoàng (bìa phải), Giám đóc Bảo tàng tỉnh trao thưởng cho đội đạt giải nhất Cuộc thi “Hành trình di sản văn hóa” tỉnh Bình Phước lần thứ IV, năm 2022

Bài: Lò Văn Dinh

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan