Cộng đồng người S’tiêng Bình Phước hiện có hơn 97 ngàn người, cư trú trên 11 huyện, thị của tỉnh Bình Phước, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, và huyện Hớn Quản. Người S’tiêng là cộng đồng cư dân đã có lịch sử cư trú lâu đời ở vùng đất Bình Phước. Như bao cộng đồng dân tộc khác, người S’tiêng Bình Phước trong quá trình lao động sản xuất và tích lũy tri thức qua nhiều thế hệ đã sáng tạo nên những ngành nghề thủ công truyền thống mang sắc thái đặc trưng của cộng đồng như nghề mộc, nghề làm rượu cần, nghề dệt thổ cẩm, nghề đan gùi,…
Người S’tiêng gọi hoạt động đan gùi là “Tanh”, hình thức trao truyền nghề đan gùi được thực hiện theo cách thức truyền miệng. Nghề đan được thực hành và trao truyền cho những người đàn ông trong cộng đồng người S’tiêng. Trong mỗi gia đình những bé trai đến độ tuổi từ 13 tuổi trở lên sẽ được những người đàn ông trong gia đình, cộng đồng biết thực hành nghề đan trao truyền lại những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật của nghề đan. Trong quan niệm của người S’tiêng, người đàn ông biết thực hành thành thạo nghề đan là thước đo của sự khéo léo và tài hoa.
Để đan được những sản phẩm gùi đẹp, người S’tiêng phải tiến hành qua nhiều công đoạn với những tri thức kỹ năng, kỹ thuật khác nhau. Nguồn nguyên liệu chính sử dụng để đan gùi là dùng cây lồ ô (một loại cây thuộc họ tre), cây mây và một số cây nguyên liệu khác dùng để nhuộm màu. Các nguyên liệu này thường được người S’tiêng khai thác từ rừng tự nhiên.
Quá trình chuẩn bị nguyên vật liệu
Với cây nguyên liệu cây lồ ô, người S’tiêng thường chọn những cây có độ tuổi là một năm tuổi, những cây này có độ dẻo dai phù hợp cho việc đan gùi. Về kích thước, thường thì người S’tiêng chọn những cây lồ ô có lóng cây từ hai “hắc” trở lên, hắc là độ dài được quy ước cách đo bằng tay của người S’tiêng, hắc được tích bằng độ dài từ chỏ tay đến đầu ngón tay giữa, như vậy một hắc thường có độ dài trung bình từ 40cm trở lên tuỳ thuộc vào cánh tay của mỗi người. |
Người S’tiêng khai thác nguyên liệu để đan gùi |
Đối với cây mây, độ tuổi từ hai năm trở lên là thích hợp cho việc dùng làm nguyên liệu đan gùi. Người S’tiêng thường sử dụng hai loại mây để đan gùi, đó là mây nếp và mây nước, mây nếp có thân tròn, mắt và lóng thon dài, vỏ của cây mây thường có những gai nhọn. Cây mây nước có thân tròn như mây nếp nhưng về kích thước thì lớn hơn mây nếp, vì vậy mây nước thường được sử dụng để làm đế gùi.
Cây lồ ô và cây mây sau khi được khai thác về, sẽ được người S’tiêng sơ chế, với những lóng cây lồ ô sẽ được cạo đi lớp vỏ xanh bên ngoài, cây mây sẽ được tách bỏ lớp vỏ và được cắt thành nhiều đoạn có kích thước phù hợp để chẻ thành những sợi dây nhỏ. Trước đây người S’tiêng thường dùng lá, vỏ cây và nhựa cây để nhuộm màu cho những lóng cây lồ ô để tạo nên những ống cây nguyên liệu có màu đen. Những lóng cây có màu đen sẽ được sử dụng để chẻ thành những thanh nan dùng vào việc đan gùi để tạo nên những hoa văn trên các sản phẩm. Các loại cây dùng để nhuộm màu thường được sử dụng là nhựa cây dầu và lá cây trâm, tùy vào nguyên liệu nhuộm mà cách thức nhuộm màu cũng khác nhau.
Sau khi nguyên liệu đã được sơ chế, người S’tiêng sẽ tiến hành chẻ và vót những thanh nan lồ ô cũng như những sợi dây mây để làm nguyên liệu đan gùi. Cây lồ ô thường được chẻ và vót thành ba loại nan khác nhau với kích thước khác nhau, loại thanh nhan nhỏ nhất được chẻ và vót công phu và tỷ mỹ nhất được sử dụng để đan thân các sản phẩm gùi. Loại nan thứ hai có kích thước lớn hơn được dùng để tạo phần đế và thân khung của sản phẩm, loại thanh nan lớn nhất dùng để làm đế và miệng gùi. |
Chẻ và vót nan làm nguyên liệu đan gùi |
Thực hành nghề đan gùi
Nghề đan gùi của người S’tiêng tạo nên các sản phẩm với những tên gọi khác nhau gồm: Xá, Khiêu, Woai, Dung, Xor, với những sản phẩm khác nhau thì có những cách đan khác nhau. Nhưng về cơ bản để đan hoàn chỉnh một sản phẩm, người S’tiêng thường đan theo quy trình từng bước đó là đan phần đế trước sau đó đến phần thân, phần miệng, làm chân đế, đan quai và lắp quai cho sản phẩm.
Đan Xá: Xá là sản phẩm tiêu biểu và có kỹ thuật đan khó nhất trong các sản phẩm của nghề đan gùi. Đế xá được đan theo kiểu đan nong mốt, sau khi đế xá được hoàn thiện, các thanh nan khung tạo đế xá được uốn cong để tạo thành phần khung nan của thân xá, phần thân xá là sự kết hợp giữa các thanh nan nhỏ đan vòng quanh thân xá, khi thân xá được đan đến gần hết các thanh nan tạo khung, người thợ sẽ chuyển sang làm phần miệng xá. Miệng xá được sử dụng hai thanh nan lồ ô lớn để tạo thành hình tròn, một vòng khung tròn được đặt bên trong và một vòng khung tròn bên ngoài ôm sát lấy miệng xá, tiếp đó dùng những sợi dây mây nhỏ để đan cố định nẹp miệng xá, người S’tiêng gọi là “Gáp xa”. Phần chân đế thường có hai cách thực hiện, một là làm chân xá không có trụ đế và chân xá có trụ đế. Với chân đế không có trụ đế, người S’tiêng dùng thanh cây mây nước để uốn cong thành hình vuông sao cho kích thước phù hợp với sản phẩm xá sau đó lắp vào đế xá và dùng dây mây cố định chắc chắn, với cách làm chân đế có trụ đế, người S’tiêng dùng bốn thanh tre gồm cả phần mắt và thân ống tre có độ dài khoảng 10cm, mỗi thanh trụ đế được chẻ vót tạo thành hai thanh nan không tách rời tại mắt tre. Bốn thanh trụ đế chân xá được lồng vào bốn góc của đế xá và ngược lên thân xá, hai thanh nan của trụ đế xá được nêm chặt vào phần thân và đế xá với độ dài từ 5cm đến 7cm, phần còn lại sẽ được dùng để tạo trụ chân đế xá. Sau khi đã tạo xong phần trụ chân đế xá, dùng dây mây nước để uốn quang bốn trụ chân đế xá, thanh nan mây được đặt tiếp giáp bên trong của bốn trụ chân đế. Tiếp đó dùng dây mây buộc thắt phần thanh nan mây với bốn trụ chân đế và đế xá để tạo thành chân và trụ chân đế xá. Quai xá, nguyên liệu dùng để đan quai xá là những sợi dây mây, quai xá là bộ phận khó đan nhất trong quy trình đan gùi, vì vậy để đan được
quai xá, người thợ phải có kỹ thuật cao. Các sợi dây mây được vót nhỏ và mềm, quai xá được đan theo kiểu đan nong đôi, chiều dài của quai xá phụ thuộc vào kích thước của từng chiếc xá. Quai xá gồm có hai phần, phần dây quai được làm từ một sợi dây mây dài, sợi dây mây này được lồng vào phần quai đan, với người đan có tay nghề cao, phần đầu quai xá thường được đan tạo các hình |
Người thợ thực hành đan sản phẩm xá |
“To lờ”, hình con giun “Câu giun”, hình tượng đầu con chim cu “Vút tức”. Quai xá được lắp cố định vào xá, hai đầu quai được gắn trên phần miệng xá, sợi dây mây quai xá được luồn qua phần đế chân xá, trong quá trình sử dụng nếu quai xá bị hư hỏng sẽ được thay bằng chiếc quai khác.
Về kích thước, sản phẩm xá có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau tùy vào độ dài của các thanh nan nguyên liệu cũng như mục đích sử dụng của xá, thông thường xá có chiều cao từ 50cm đến 60cm, đường kính miệng tờ 40cm đến 50cm.
Đan Khiêu: Nguyên liệu nan dùng để đan khiêu thường được chẻ và vót có
kích thước to bản hơn so với nan dùng để đan xá. Phần đế khiêu được đan giống với đan xá, nhưng kích thước của khiêu thường nhỏ hơn xá. Phần thân dưới của khiêu được đan theo kiểu nong đôi, các thanh nan được đan kéo từ dưới hướng lên trên, khi đan gần đến phần miệng khiêu, người thợ sẽ chuyển cách đan nong đôi theo chiều dọc, tại nơi chuyển tiếp sẽ được đan theo kiểu đan nong ba để uốn các thanh nan chuyển chiều đan, sau đó tiếp |
Sản phẩm Khiêu của người S’tiêng |
tục đan kiểu đan nong đôi. Phần miệng và đế khiêu được đan và hoàn thiện tương tự như đan xá, đế của khiêu chỉ được làm theo kiểu đế không có chân trụ. Khiêu
thường có kích thước cao từ 35 cm đến 40 cm, đường kính miệng khoảng 30 cm.
Đan Dung: Phần đế dung được đan theo hình vuông với kiểu đan nong mốt, khoảng cách các thanh nan được đan thưa tạo thành đáy có những ô trống hình vuôn có kích thước từ 3cm2 đến 5cm2 tùy thuộc vào kích thước lớn nhỏ của vật dụng dung. Sau khi phần đế |
Sản phẩm Dung của người S’tiêng |
được đan xong, các thanh nan được uốn cong để tạo thành phần thân khung của thân dung. Thân dung được đan theo kiểu đan nong mốt, các thanh nan thân khung được đan chéo với khoảng cách thưa tạo thành các hình thoi quả trám. Để bắt đầu đan phần thân dung, người thợ dùng một số các thanh nan nhỏ để đan phần thân dưới của dung theo kiểu nong mốt, tiếp đó cứ cách một ô hình thoi, lại tiếp tục dùng các thanh nan nhỏ đan quanh thân tạo thành đường đan vòng quanh thân dung, thường thì mỗi vòng đan quanh thân gồm có ba đường thanh nan. Tùy vào kích thước của vật dụng dung mà các đường đan vòng quanh thân dung nhiều hay ít, khi đan đến phần gần miệng dung, người thợ sẽ đan các thanh nan theo kiểu đan nong mốt tạo thành một phân khúc liền mạch, các thanh nan khung của dung sẽ không được cắt bỏ ngay như cách đan xá mà được xoắn và đan kéo sang bên phải, chạy quanh phần miệng dung theo chiều thuận tay đan của người thợ, các phần thừa của các thanh nan sẽ được cắt bỏ. Tiếp đó dùng một nẹp vành để nẹp và cố định vào miệng dung bằng những sợi dây mây nhỏ. Cách cố định miệng và nẹp vành của dung khá đơn giản, chỉ dùng những sợi dây mây buộc xoắn chạy quanh vành miệng dung. Hình dáng của miệng dung thường được làm loe rộng nhằm phù hợp với mục đích sử dụng của dung. Đế và quai của dung được làm tương tự như khiêu, đó là loại đế không có chân trụ. Với cách đan này, dung là vật dụng đan nhanh và dễ đan nhất trong các loại gùi của người S’tiêng.
Đan Woai:Vật dụng woai có dạng hình và cách đan tương tự như cách đan vật dụng dung, nhưng về kích thước thì woai có kích thước nhỏ hơn, chiều cao của vật dụng woai khoảng 30cm đến 40cm, đường kính miệng từ 25cm đến 30cm. Về hình dáng, miệng của woai thường được đan tạo dáng miệng tròn thon tương đối với phần thân của vật dụng. |
Sản phẩm Woai của người S’tiêng |
Đan Xor:Vật dụng xor có kích thước chiều cao khoảng từ 40cm trở lên, đường kính miệng từ 30cm trở lên, các bước đan xor được thực hiện tương tự như đan xá, khiêu, phần đế của vật dụng được đan thành hình vuông, điểm khác so với các vật dụng khác, đó là mỗi mối đan ở phần đế dùng hai thanh nan ghép đôi để đan phần đế, cách đan theo kiểu đan nong mốt, khoảng cách các thanh nan được đan thưa tạo thành đáy có những ô trống hình vuôn có kích thước từ 1cm2 đến 2cm2. Sau khi đã đan phần đế xong, các thanh nan của đế vật dụng sẽ được uốn cong để tạo thành phần nan khung của thân xor. Phần thân của vật dụng xor được đan và uốn thành hình tròn theo kiểu đan nong mốt, các thanh nan nguyên liệu được đan vòng quanh các thanh nan khung thân của xor. Khi đã đan hoàn chỉnh phần thân của vật dụng, những phần thừa của các thanh nan khung thân từ đế uốn cong để tạo khung nan của thân sẽ được cắt bỏ. Tiếp đó dùng hai nẹp vành tròn,
một nẹp đặt mặt trong và một nẹp đặt tiếp giáp mặt ngoài của miệng xor, dùng các dây mây để đan cố định hai nẹp vào miệng của vật dụng xor. Vật dụng xor không được trang trí hoa văn trên thân hiện vật. Phần đế và quai đeo được thực hiện tương tự như cách đan của khiêu và dung. Để làm ra một sản phẩm, tùy thuộc vào kích thước, độ khó của sản phẩm, tay nghề của mỗi người |
Sản phẩm Xor của người S’tiêng |
thợ mà lượng thời gian dùng để làm ra một sản phẩm có khác nhau. Thời gian dùng để đan xá thường lâu nhất, để hoàn thiện một sản phẩm xá thường phải mất từ 5 đến 7 ngày, nếu sản phẩm xá được làm công phu, sắc xảo thì có thể phải từ 10 đến 13 ngày mới hoàn thiện một sản phẩm. Các sản phẩm khiêu, xor, woai, dung thì cần ít thời gian hơn, trong đó dung và woai là hai vật dụng đan ít thời gian nhất, người thợ có tay nghề giỏi đan một sản phẩm dung hoặc woai chỉ trong thời gian một ngày là hoàn thiện một sản phẩm.
Tác giả: Phạm Đức Ngự