Thổ cẩm truyền thống của đồng bào M’nông Bình Phước

Thổ cẩm truyền thống của đồng bào M’nông Bình Phước (Bài 1)

Đồng bào M’nông sinh sống ở Bình Phước hiện có hơn 10 ngàn người, chiếm khoảng 1,1%  dân số toản tỉnh, là cộng đồng dân tộc có lịch sử sinh cư lâu đời tại Bình Phước, cùng với quá trình sinh cư đồng bào M’nông đã sáng tạo và tích lũy qua nhiều thế hệ một số loại hình nghề thủ công truyền thống mang sắc thái đặc trưng của cộng đồng. Trong số những nghề thủ công tuyền thống được truyền lại qua các thế hệ đến ngày nay đó là nghề dệt thổ cẩm. Tiếng phiên âm của đồng bào M’nông gọi nghề dệt thổ cẩm là Kan Tanh Zar. Đồng bào M’nông lưu truyền nghề dệt thổ cẩm theo hình thức truyền miệng, những người phụ nữ trong bon, sóc sẽ truyền dạy lại cho các thế hệ kế tiếp những kỹ năng, tri thức trong việc thực hành nghề dệt thổ cẩm. Để có một sản phẩm thổ cẩm hoàn thiện, đồng bào M’nông phải thực hiện nhiều công đoạn cùng với những kỹ năng, tri thức và sức sáng tạo của riêng mỗi người nghệ nhân thực hành dệt thổ cẩm.

 Quy trình dệt thổ cẩm 

Theo lời kể của những người phụ nữ M’nông lớn tuổi, trước đây khi sợi bông vải còn ít, đồng bào M’nông thường dùng vỏ cây rừng để làm sợi dùng để dệt vải. Loại vỏ cây rừng này có tên gọi theo tiếng M’nông là C’ra Bau. Đây là một loại cây thân dây leo, thường mọc tự nhiên trong rừng. Thân cây C’ra Bau sau khi được khai thác về sẽ được lột vỏ ngân vào nước gạo sau đó tách thành những sợi

nhỏ như sợi chỉ. Những sợi này sẽ được dùng để dệt nên những tấm thổ cẩm, sản phẩm thổ cẩm được làm từ loại vỏ cây C’ra Bau thường rất bền lâu nhưng thô và nặng hơn sơ với những sản phẩm được làm từ sợi bông vải.

Phụ nữ người M’nông khai thác nguyên liệu tự nhiên để làm chất nhuộm màu sợi vải.

 Khi bông vải được trồng nhiều, sợi bông vải đã được sử dụng phổ biến để thay thế cho sợi vỏ cây C’ra Bau. Sau khi bông vải được khai thác và tách hạt, sợi bông sẽ được se thành những cuộn sợi làm nguyên liệu dệt nên thổ cẩm. Để tạo nên những màu sắc khác nhau cho sợi vải và những sản phẩm thổ cẩm, đồng bào M’nông đã tích lũy nên kỹ thuật nhuộm màu vải bằng những nguồn nguyên liệu có từ tự nhiên. Kỹ thuật và tri thức sử dụng màu nhuộm đã được đồng bào M’nông tích lũy qua nhiều thế hệ và trở thành tri thức dân gian truyền thống của cộng đồng.

  Các motip màu sắc thường xuất hiện trên các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào M’nông bao gồm có các màu như màu vàng, màu đen, màu đỏ, màu tím, màu trắng và màu xanh. Để tạo nên màu vàng, đồng bào M’nông sử dụng lá cây rừng được gọi là cây “Ria”  hoặc phần thân và rễ cây “Tăng War” để làm nguyên liệu nhuộm màu. Để nhuộm màu đen, đồng bào M’nông sử dụng cây lá cây “La-Tum” có nơi gọi là “La-Rum” để nhuộm màu. Màu đỏ sử dụng trái của cây “Kon- Đơi” hoặc dùng lá và trái cây “Pây-Nhau”, màu nâu sử dụng cây “La-Zol” để nhuộm màu. Về cách thức để nhuộm các màu sắc được đồng bào M’nông thực hiện có phần gần tương đồng đó là ngân nước hoặc đun sôi để tạo nên phần nước nhuộm, sau đó sợi vải được đem phơi khô để tạo nên màu sắc.

  Sau khi nguyên liệu dệt đã được chuẩn bị xong, người M’nông sẽ tiến hành công đoạn dệt vải. Để dệt nên các sản phẩm thổ cẩm, đồng bào M’nông sử dụng bộ khung dệt được gọi là “Tay-Kho-Ao”. Bộ khung dệt được tạo thành từ các bộ phận khác nhau có chất liệu được làm từ tre, gỗ. Tùy vào kích thước của sản phẩm thổ cẩm mà đồng bào M’nông sẽ sử dụng những bộ khung dệt có kích thước lớn nhỏ khác nhau.

   Bước đầu tiên để thực hiện công việc dệt vải đó là tạo khuôn, công việc này được thực hiện bằng cách se và luồn các sợi vải theo chiều dọc của bộ khung dệt để tạo khuôn cho các sản phẩm đồng thời để liên kết các bộ phận của khung dệt thành một bộ máy hoàn chỉnh. Bước tiêp theo đó là thực hiện đan, dệt các sợi vải theo phương ngang của khung dệt. Tùy thuộc vào tư duy, kỹ năng và sự sáng tạo của mỗi người trong cách tạo hình các hoa văn, đường nét trang trí trên sản phẩm mà việc sử dụng các sợi vải có những màu sắc khác nhau sẽ được thực hiện trong quá trình dệt vải. Sau khi quá trình dệt vải hoàn thành, người nghệ nhân sẽ thực hiện việc hoàn thiện sản phẩm bằng công việc may các đường viền hoặc đính khuy, cúc cho các sản phẩm. Tùy thuộc vào trình độ, kỹ năng của mỗi người cũng như kích thước lớn, nhỏ và “độ khó” trong các thao tác tạo hình hoa văn mà mỗi sản phẩm thổ cẩm sẽ có những thời gian nhất định để hoàn thành. Với hình thức dệt thủ công, do vậy để hoàn thiện một sản phẩm thổ cẩm thường phải tốn nhiều thời gian và công sức.

          Sản phảm và hình thức sử dụng thổ cẩm

 Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào M’nông gồm có các loại hình như: Quầy – Phuộc Lai, Khố -Troi Von Vút, Chăn – Ôi Zoong, Khăn, Túi xách – Thong, Áo – Ao Lách…  Đây đều là những sản phẩm truyền thống được sử dụng trong đời sống thường nhật của người M’nông Bình Phước trước đây.