Tự hào và biết ơn thế hệ đi trước

Tự hào và biết ơn thế hệ đi trước

Qua hơn 1 tuần trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật theo chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh – liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2022), Bảo tàng tỉnh đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn, trân trọng giá trị lịch sử, những cống hiến và hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước.

Bồi đắp lòng biết ơn và yêu nước 

Hơn 250 hình ảnh, tư liệu và hiện vật trong chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” được trưng bày đợt này. Hoạt động trưng bày chuyên đề chia làm 4 phần, gồm: Giới thiệu lịch sử ra đời, ý nghĩa của Ngày thương binh – liệt sĩ và công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước với các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng… Hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Đội quy tập mộ liệt sĩ (Đội K72, Bộ CHQS tỉnh). Và những tấm gương tiêu biểu của các thương, bệnh binh trong xây dựng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Các bạn trẻ ở TP. Đồng Xoài đến tham quan trưng bày chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” tại Bảo tàng tỉnh

Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh giúp khách tham quan hiểu hơn về sự hy sinh lớn lao của những người con yêu nước đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc. Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng tuổi xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước; để thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực hơn, nhiệt huyết hơn trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước mơ của các anh hùng, liệt sĩ.

Em Phạm Phương Ngọc ở phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài cho biết: Em rất ấn tượng với những hình ảnh về các hoạt động của Đội quy tập mộ liệt sĩ (Đội K72, Bộ CHQS tỉnh) trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia và trên địa bàn tỉnh. Nhìn những hiện vật là kỷ vật của các liệt sĩ khiến em rất xúc động và tự hào, từ đó có thêm động lực để cố gắng học tập, rèn luyện, sống xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước.

Tài sản vô giá của dân tộc

Đợt trưng bày chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” lần này có nhiều hình ảnh về sự kiện, hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh của lãnh đạo Trung ương và tỉnh Bình Phước.

Chuỗi hình ảnh đã cho thấy: Độc lập, tự do hôm nay được dựng xây từ những đau thương, mất mát. Do vậy, tri ân và đền ơn đáp nghĩa các thương binh, liệt sĩ chính là đạo lý, nghĩa cử, cũng là trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, trên địa bàn tỉnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, quỹ đền ơn đáp nghĩa, tu sửa, nâng cấp các đài tưởng niệm liệt sĩ… ngày càng thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Đội K72 đã giúp thân nhân liệt sĩ vơi bớt nỗi đau mất người thân trong chiến tranh, đưa những người con đã hy sinh về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Qua các đợt tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Đội K72 đã tiếp nhận hơn 2.000 thông tin, trong đó 905 thông tin có giá trị và tổ chức tìm kiếm, quy tập từ năm 2013-2020 được 751 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Trong đó, trên địa bàn tỉnh quy tập được 139 hài cốt liệt sĩ, qua xác minh đã xác định danh tính của 10 liệt sĩ. Ban chỉ đạo đã tổ chức 14 đợt quy tập tại nước bạn Campuchia được 612 hài cốt liệt sĩ, xác định được danh tính 2 liệt sĩ.

Cùng với các hình ảnh là câu chuyện của chính những người thương binh khi rời quân ngũ trở về cuộc sống thường nhật với những khó khăn, vất vả của cuộc sống mưu sinh. Em Trần Nguyễn Hà My ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài chia sẻ: Nhìn những hình ảnh các bác cựu chiến binh trong cuộc sống đời thường, em rất khâm phục tinh thần lao động, ý chí vươn lên của các bác. Bên trong những bộ quân phục, có thể đó là những vết thương, là sự cố gắng vươn lên để xây dựng và nâng cao đời sống, đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Những tấm gương tiêu biểu thương binh vượt khó vươn lên, đi đầu trong làm kinh tế giỏi, tham gia tích cực xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp đã khiến em cảm thấy rất tự hào về người lính Cụ Hồ và lấy đó để soi mình học tập.

Hoạt động trưng bày chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” đợt này sử dụng 50 hiện vật là các kỷ vật của liệt sĩ do Đội K72, Bộ CHQS tỉnh sưu tầm; 6 tài liệu về bút tích của Bác Hồ và Pháp lệnh liên quan đến thương binh, liệt sĩ. Hình ảnh và tài liệu liên quan đến thương binh, liệt sĩ được xử lý và bổ sung nội dung phù hợp. Kỹ thuật ánh sáng trưng bày chủ yếu sử dụng ánh sáng nhân tạo đã qua lọc các tia sáng có hại để hiện vật, hình ảnh trưng bày được an toàn. Đồng thời, có bố trí đèn chiếu sáng phù hợp để làm nổi bật được hình ảnh, hiện vật trưng bày và ý đồ truyền tải nội dung.

Phương Dung
Theo Báo Bình Phước
Print Friendly, PDF & Email