Tối ngày 01/5/2024, tại di tích Đền thờ Lê Khắc Cẩn, xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, Huyện ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện An Lão đã tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn.
Tham dự buổi Lễ, có ông Nguyễn Hoàng Anh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Hoàng Giang – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thiếu tướng Bùi Công Chức – Phó Chính ủy Quân khu 3, ông Lê Tiến Châu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, đại diện các quận, huyện, sở, ban, ngành của thành phố Hải Phòng, Ủy ban nhân dân huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định và con cháu của Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn cùng nhân dân địa phương.
Lê Khắc Cẩn, sinh năm 1833, tại làng Hạnh Thị, tổng Đại Phương Lang (nay là thôn Hạnh Thị, xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng). Từ nhỏ, Lê Khắc Cẩn đã nổi tiếng hiếu học. Ông hai lần đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) và thi Hội (Hội nguyên), khi thi Đình đã đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp). Khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), ông được vua đổi tên là Lê Khắc Nghị. Dưới triều Nguyễn, Lê Khắc Cẩn không chỉ là vị Tiến sĩ Nho học, mà còn là song nguyên Hoàng Giáp duy nhất của thành phố Hải Phòng (ngày nay) trong hơn 100 năm khoa cử của triều đình Huế…Cuộc đời, sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều vị trí, chức vụ quan trọng từ triều đình đến địa phương như: Tập Hiền viện tu soạn tại kinh đô Huế; Tri phủ Xuân Trường; Thị giảng học sĩ, Tham biện nội các sự vụ; Phó Chủ khảo Trường thi Hương Nghệ An; Bố chánh tỉnh Nam Định… Khi Thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, ông dâng sớ xin vào Biên Hòa đánh Pháp, rồi trở lại làm quan và mất tại đây.
Lê Khắc Cẩn còn là nhà văn hóa, nhà thơ yêu nước của dân tộc thế kỷ XIX. Ông đã để lại nhiều tập thơ, điếu văn, biểu, văn tế, câu đối như: Hải Hạnh văn phái, Hải Hạnh thi tập, Hải Hạnh thi văn tập và Miễn Tai văn tập…
Lê Khắc Cẩn mất năm 1869, mộ của ông được Huấn đạo huyện Nam Trực cùng con cháu an táng tại Mả Cả, thôn Trung, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Để tri ân công đức của Tiến sĩ, nhà thơ Lê Khắc Cẩn, năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cùng với con cháu trong gia đình đã đầu tư, xây dựng Đền thờ Lê Khắc Cẩn. Đến năm 2010, đền thờ đã được khánh thành gồm các hạng mục kiến trúc như: đền thờ chính, nhà bia, nhà khách, nghi môn, lầu bát giác…
Với những giá tiêu biểu nêu trên, Đền thờ Lê Khắc Cẩn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 606/QĐ-BVHTTDL ngày 12/3/2024./.
Khánh Chi
Một số hình ảnh tại buổi lễ. Ảnh: Khánh Chi
Nguồn: dsvh.gov.vn