CHIẾN DỊCH ĐỒNG XOÀI NĂM 1965
Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Bình Phước
Đồng Xoài là vùng đất giàu tryền thống cách mạng, địa danh Đồng Xoài đã đi vào lịch sử dân tộc với mốc son chói lọi “Đồng Xoài rực lửa chiến công”, là biểu hiện tinh thần anh dũng, ý chí quyết thắng của nhân dân Đồng Xoài nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Đồng Xoài đã một lòng một dạ sắt son theo Đảng, đoàn kết đấu tranh chống áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân, đế quốc và tay sai, sát cánh cùng toàn đảng, toàn quân và toàn dân cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đồng Xoài nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch, từ đây có thể khống chế các trục đường giao thông huyết mạch nối liền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia. Là vùng đất Mỹ – ngụy xem là “bất khả xâm phạm”, vì vậy địch đã cho xây dựng ở đây hệ thống sân bay, kho tàng hiện đại, hệ thống đồn bót dày đặc; tổ chức các lực lượng tuần tra 24/24 giờ nhằm thực hiện ý đồ chia cắt và từng bước tiến tới tiêu diệt hết các căn cứ kháng chiến của ta ở miền Nam.
Để ngăn chặn âm mưu thâm độc của địch, thực hiện Nghị quyết 11 của BCH TƯ Đảng tháng 3/1965 về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt của cách mạng Việt Nam, mùa hè năm 1965 TƯ Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đã hạ quyết tâm mở chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài, trong đó then chốt là trận đánh vào chi khu Đồng Xoài nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, phá hủy hệ thống ấp chiến lược, mở rộng căn cứ và hành lang vận tải chiến lược từ miền Bắc vào đến miền Đông Nam Bộ.
Ngược dòng lịch sử, sau thắng lợi đợt 1, Quân ủy Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định khu vực chủ yếu địch còn cố giữ là khu vực Chơn Thành, Đồng Xoài, thị xã Phước Long, Bình Long, Bù Đốp. Trong đó, chi khu Đồng Xoài là một mắt xích, có vị trí chiến lược quan trọng. Chi khu này (địch gọi là Đôn Luân) nằm ở giao điểm hai con đường (liên tỉnh lộ 2, quốc lộ 14), là cứ điểm chính trong tứ giác Đồng Xoài – Phước Long – Chơn Thành – Bình Long, làm chủ Đồng Xoài có thể khống chế được cả khu vực Phước Long, Bình Long, Chơn Thành, Phú Giáo. Từ đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định khu vực quyết chiến sẽ diễn ra xung quanh chi khu Đồng Xoài, lấy tiêu diệt chi khu Đồng Xoài làm trận then chốt trong đợt 2 chiến dịch. Trung đoàn 2 chủ lực được tăng cường thêm Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 3 có hỏa lực pháo binh chi viện, được giao nhiệm vụ đánh trận then chốt, các lực lượng khác tập trung chuẩn bị đánh quân địch tiếp viện. Sau khi tăng cường lực lượng, quân số địch ở đây đến 2.000 tên thuộc nhiều đơn vị thiện chiến, có đầy đủ pháo binh, cơ giới yểm trợ.
Đúng 16 giờ ngày 9 tháng 6 năm 1965, từ vị trí tập kết các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Lúc 22 giờ 15 phút đêm ngày 9 tháng 6 năm 1965, trong khi ta đang triển khai đội hình chiếm lĩnh trận địa, bất ngờ địch nổ súng trước, Tiểu đoàn 2 đang bí mật “mở cửa” tưởng bị lộ liền nổ súng. Trước tình huống ngoài dự kiến, Ban chỉ huy Trung đoàn 2 lập tức ra lệnh cho mũi chính bắt đầu tiến công sớm hơn dự định 70 phút, đồng thời phân công nhau xuống đơn vị chỉ đạo khắc phục khó khăn, tổ chức lại lực lượng, động viên cán bộ chiến sĩ tiếp tục tấn công.
Chi khu Đồng Xoài có 2 đồn Bảo An và Biệt động quân, ngăn cách bằng nhiều lớp rào kẽm gai, chúng chi viện cho nhau rất đắc lực. Ta bị thương vong nhiều, các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 phải đối phó gay go với lưới lửa dày đặc của địch trong gần 2 tiếng đồng hồ mới khai thông được cửa mở. Ở hướng Tiểu đoàn 1, lợi dụng thời cơ địch đang lo đối phó với Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 1 nhanh chóng áp sát khu biệt động quân.
Trận đánh trở nên ác liệt. Trước tình huống gay go, đồng chí tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Trương Văn Đàng ra lệnh cho đại đội trưởng Đại đội 1 là đồng chí Tạ Quang Tỷ được lệnh bí mật ra cửa mở thay đồng chí Trần Ngọc Thế đã hy sinh, trợ lý chính trị Tiểu đoàn 4 đồng chí Hà Văn Cheo điều một khẩu 12 ly 7 còn 200 viên đạn và một khẩu ĐKZ 75 ly chỉ còn 01 quả đạn áp sát hàng rào dùng hỏa lực áp chế yểm trợ bộ binh đột phá.
Đến 4 giờ sáng ngày 10 tháng 6 năm 1965, lực lượng ta hoàn toàn làm chủ chi khu Đồng Xoài và khu biệt động quân, bảo an và khu hành chính. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch, các đơn vị khống chế không cho máy bay địch đổ quân xuống chi khu Đồng Xoài, cầu Sông bé cũng bị công binh của ta đánh sập trong đêm. Địch buộc phải dùng máy bay đổ Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 7 Sư đoàn 5 ngụy xuống Thuận Lợi với ý định hành quân bộ xuống cứu viện cho chi khu Đồng Xoài. Tại đây, Trung đoàn 1 đã bố trí sẵn sàng đợi quân cứu viện của địch. Khi trời sáng, địch huy động máy bay đến bắn phá, ném bom napan xuống các khu vực nghi bị ta chiếm giữ. Sau hai đợt chiến đấu, các chiến sĩ Trung đoàn 1 bắn rơi 20 máy bay lên thẳng và tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Khoảng 15 giờ ngày 10 tháng 6 năm 1965, địch đổ Tiểu đoàn 52 biệt động quân xuống khu vực cách Đồng Xoài 2 km về phía Đông, tiến về Đồng Xoài. Đại đội 3 Tiểu đoàn 4 tổ chức lực lượng phối hợp cùng các đơn vị của Trung đoàn 1 chặn đánh, nổ súng chia cắt đội hình địch, diệt gọn đại đội đi đầu, các đại đội còn lại tháo chạy vào rừng.
Sáng ngày 11 tháng 6 năm 1965 địch tăng cường đổ quân xuống Đồng Xoài, Tiểu đoàn 7 nhảy dù và Tiểu đoàn 46 biệt động quân của Sư đoàn 5, cùng một đại đội pháo binh 105 ly xuống tiếp ứng cho Đồng Xoài. Sáng ngày 12/6/1965, Tiểu đoàn 7 nhảy dù tiến lên Thuận Lợi để thu gom tàn binh và xác chết. Tại đây, Trung đoàn 1 bố trí sẵn, bất ngờ nổ súng tiến công quyết liệt, chia cắt đội hình địch thành nhiều mảng, địch chống trả rất quyết liệt. Sau 1 giờ 40 phút chiến đấu, Trung đoàn 1 tiêu diệt toàn bộ quân địch, bắt sống 34 tên.
Đến ngày 12 tháng 6 năm 1965, nhiệm vụ đánh diệt chi khu Đồng Xoài và diệt viện binh địch xung quanh chi khu Đồng Xoài đã hoàn thành, đợt 2 của chiến dịch kết thúc.
Xác định đợt 2 là trận then chốt, với khẩu hiệu “Quyết tử giải phóng Đồng Xoài”, “Bị thương nặng không kêu la, bị thương nhẹ không rời trận địa”, “Quyết tâm dứt điểm Đồng Xoài, không dứt điểm Đồng Xoài không về”, quân và dân Đồng Xoài không một ai nao núng, không một ai rời trận địa. Tất cả đều dũng cảm, đột phá, kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang trên chiến trường vượt qua khó khăn gian khổ, quyết chiến với kẻ thù giành lại Đồng Xoài bằng mọi giá để cùng làm nên một Đồng Xoài rực lửa chiến công.
Sau gần 3 ngày đêm chiến đấu, trận then chốt Đồng Xoài kết thúc.
Trong khu vực quyết chiến, ta đã diệt 608 tên địch, trong đó có 42 cố vấn Mỹ; về đơn vị bị diệt gồm có 4 đại đội biệt kích, 1 đại đội Bảo An, 1 đội dân vệ, 1 trung đội pháo 105 ly, 1 trung đội cảnh sát, 1 chi đội cơ giới; thu 148 khẩu súng, 2 vạn viên đạn, bắn rơi 7 máy bay, phá tan nhiều ấp chiến lược, dinh điền của địch. Trung đoàn 2 bộ binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng bị tổn thất khá nặng: 134 cán bộ chiến sỹ hy sinh và 290 đồng chí khác bị thương.
Có thể khẳng định, cùng với chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, thắng lợi của chiến dịch Đồng Xoài góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ – ngụy ở miền Nam. Thắng lợi này đã đánh dấu sự phát triển của chiến tranh nhân dân địa phương, sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang ở miền Đông Nam Bộ, nhất là bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương.
Tác giả: Tô Thị Huê
*Bài viết có sử dụng tư liệu trong Lý lịch di tích địa điểm ghi dấu chiến thắng Đồng Xoài, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước 1930-1975 (sơ thảo), Ban thường vụ Tỉnh ủy ấn hành, 2000 và Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị xã Đồng Xoài (1930-1975), Chịu trách nhiệm xuất bản: Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Đồng Xoài, 2003.