BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU, KHẢO SÁT VỀ TƯ LIỆU BẰNG CHỮ HÁN, CHỮ NÔM Ở BÌNH PHƯỚC

Chữ Hán, Chữ Nôm là chữ viết của người Việt Nam tồn tại trong một thời gian dài. Đây là nguồn tư liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa, thông tin tư liệu đối với mỗi địa phương và Quốc gia, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của một vấn đề, một hiện tượng xã hội, những quan niệm của các cộng đồng cư dân trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

01.png

Bức hoành phi tại chùa Bảo Quang, Bù Đốp – Chế tác năm mậu tuất, 1958 (ảnh: Quốc Dũng)

Bình Phước là địa phương có quá trình cư dân Việt (Kinh) và các cộng đồng cư dân khác (Tày, Nùng) có sử dụng chữ Hán, chữ Nôm di cư đến Bình Phước khá muộn. Do đó những dấu tích để lại bằng chữ Hán và chữ Nôm của các cộng đồng cư dân này trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng khá muộn. Đa số đều có thời gian từ thế kỉ XIX trở về giai đoạn sau này. Tuy nhiên, nguồn tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm ở Bình Phước chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử trong một giai đoạn phát triển của địa phương.

Tư liệu chữ Hán và chữ Nôm ở Bình Phước chủ yếu được thể hiện và lưu giữ qua các vật dụng trang trí và thờ cúng trong các cơ sở thờ cúng tôn giáo tín ngưỡng, tập trung nhiều nhất là ở các đình, đền chùa và miếu thờ mẫu. Trong đó, chủ yếu là các bức hoành phi, bức liễn, câu đối dùng để ghi tên các cơ sở thờ cúng, các không gian thời cúng; hoặc để trang trí trên các bàn thờ, ngai thờ, treo trên các cột nhà. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, khảo sát được tiến hành vào năm 2014 ở 22 cơ sở thờ tự trên địa bàn toàn tỉnh, Bình Phước hiện nay có khoảng 50 câu đối có niên đại từ 60 năm trở lên, có 30 bức hoành phi ghi tên các chùa cũng có niên đại từ 60 năm trở lên. Về Liễn, cho đến nay, mới chỉ tìm thấy được một bức liễn (ở Chùa Linh Thông xã Lộc Tấn huyện Lộc Ninh). Đây là bức Liễn có giá trị thông tin về mặt lịch sử, văn hóa, thể hiện quá trình ra đời của Chùa Linh Thông, ca ngợi vùng đất, con người nơi đây.

Về Phương pháp thể hiện, khảo sát các cơ sở có tư liệu Hán – Nôm, nhóm nghiên cứu nhận thấy có ba hình thức thể hiện khác nhau. Một là chạm, khắc trên gỗ, hình thức này khá phổ biến; hai là viết trực tiếp lên các cột bê tông. Đặc biệt ở Bình Phước có hình thức thể hiện khá lạ là dùng mực viết lên một loại giấy sau đó ép vào một tấm có chất liệu vải hoặc cotton.

Nội dung của các hoành phi, câu đối và liễn nhìn chung là ca ngợi công đức của các vị anh hùng dân tộc, những vị được thờ cúng trong các cơ sở thờ cúng. Thể hiện sự kính trọng các anh hùng dân tộc được thờ cúng tại đây, tôn kính những người có công lao che chở cho các cộng đồng cư dân sinh sống làm ăn, ca ngợi vùng đất, con người. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như:

+ Bảng tên của các cơ sở thờ cúng tôn giáo, tín ngưỡng, ghi tên các khu vực thờ cúng. Chẳng hạn như: Bảo Quang Tự, Linh Sơn Thánh Mẫu, Trần Triều Hiển Thánh (trước bàn thờ Trần Hưng Đạo), Thiên Tiên Thánh Mẫu (trước bàn thờ Mẫu).

+ Câu đối ca ngợi công đức của các vị thần, thánh, mẫu được thờ cúng, ghi về sự kiện thành lập các cơ sở thờ cúng, ca ngợi vùng đất, con người nơi có cơ sở thờ cúng. Chẳng hạn như câu “Đại phá nguyên binh thần vũ chí kim truyền quốc sử, Trần triều Hưng Đạo anh hùng cái thế trướng nam thiên” ca ngợi công lao của Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong lịch sử. Các câu đối này được bố trí ở các đền thờ Trần Hưng Đạo; hay câu “Vũ vô tương thành thiên giáng phước, Phong thanh phù khởi địa hưng long” ở chùa Bảo Quang huyện Bù Đốp ngụ ý nói lên việc vùng đất Phước Long (tức Phủ Phước Long xưa) được trời đất che chở, là vùng đất giàu có, hưng thịnh; hay câu “Vạn thuở đào hoa chiêu thánh nữ, thiên thu xuân sắc tập thần tiên” ở Miếu Bà Rá,….

+ Liễn: Cho đến nay, chỉ có một bức liễn được phát hiện ở Bình Phước ở chùa Linh Thông (xã Lộc Tấn huyện Lộc Ninh). Nội dung nói về vùng đất Lộc Ninh, nói về sự ra đời của đền thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ. Nội dung thể hiện khá phong phú, súc tích, giàu ý nghĩa và có giá trị lịch sử. Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay bức liễn này đã bị hỏng hoàn toàn.

Về thời gian chế tác, có nhiều câu đối, hoành phi có thể hiện thời gian chế tác khá rõ ràng, trong đó có nhiều tư liệu hán nôm có thời gian xuất hiện khá sớm. Chẳng hạn: Ở chùa Bảo Quang, có câu đối ghi niên đại khá sớm như câu đối ghi thời gian là tháng 6 năm Kỷ mùi (1919); chùa Linh Thông xã Lộc Tấn huyện Lộc Ninh có thời gian chế tác là năm Kỷ tỵ (1929). Các mốc thời gian ghi trên các nguồn tư liệu này thể hiện được hai vấn đề: Một là ít nhất cho thấy sự ra đời hoặc tồn tại của cơ sở thờ cúng; hai là ghi dấu ấn lịch sử về quá trình hình thành phát triển của các nhóm cư dân Kinh ở Bình Phước.

Về xuất xứ: các tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm nói trên đều do những người dân đi làm phu cao su ở các đồn điền thực hiện. Có trường hợp chính họ chế tác và cúng tiến nhưng phổ biến là những người giỏi chữ Hán, chữ Nôm viết ra sau đó một người khác thực hiện việc chạm khắc lên gỗ hoặc viết lên giấy. Điều này thể hiện qua việc ghi thời gian, mục đích và xuất xứ của các bức Liễn, Hoành phi, Câu đối. Có những tư liệu Hán – Nôm là thông tin, nội dung thờ cúng ở các địa phương khác (chủ yếu ở miền bắc, miền trung đưa vào), có những tư liệu là sản phẩm được các cư dân sáng tác tại chỗ và chế tác để thờ cúng.

Về mặt giá trị, có thể khẳng định, các tư liệu Hán – Nôm ở Bình Phước chứa đựng những giá trị văn hóa của địa phương, ghi dấu ấn một giai đoạn lịch sử của người Kinh (Việt) ở Bình Phước, đặc biệt là lịch sử giai đoạn thực dân Pháp khai hoang mở đồn điền ở vùng đất này. Các tư liệu Hán – Nôm còn thể hiện sự tài hoa của các cộng đồng cư dân, trong đó có tài hoa về văn học, văn hóa, tài hoa của người viết, khắc và thể hiện tài nghệ của những nghệ nhân nghề thủ công để chế tác ra các sản phẩm thể hiện tư liệu Hán – Nôm.

Một thực trạng khá phổ biến hiện nay do nhiều tác động khác nhau, một số lượng lớn các di sản tư liệu, tài liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm ở địa phương đã bị mai một, biến mất. Số lượng còn lại cũng có nguy cơ mai một rất cao. Nguyên nhân xuất phát từ hoàn cảnh chiến tranh làm cho các cơ sở thờ cúng bị hủy diệt, do biến động xã hội dẫn tời việc thờ cúng không liên tục, dẫn tới việc trao truyền bị hạn chế (trong đó có vấn đề số lượng người biết đọc, dịch chữ Hán – Nôm ở địa phương ngày càng ít đi). Đặc biệt, vấn đề nhận thức của nhiều người về giá trị của các tư liệu Hán – Nôm ở các cơ sở thờ cúng còn nhiều hạn chế dẫn đến việc bảo vệ, bảo quản và gìn giữ không tốt. Do đó, các vật thể truyền tải tư liệu Hán – Nôm bị hư hỏng, kéo theo sự mai một nguồn tư liệu Hán – Nôm nơi đây.

Nhìn chung, các tư liệu, tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm ở Bình Phước chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cần thiết cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghiên cứu lịch sử Bình Phước thời Pháp thuộc. Những thông tin có được của nhóm nghiên cứu chỉ mang tính khảo sát bước đầu. Vấn đề đọc và dịch nghĩa từ chữ Hán – Nôm sang chữ quốc ngữ đòi hỏi phải có sự chuyên sâu và phải có thời gian, có sự đầu tư nhiều mặt. Những vấn đề chúng tôi nêu ra trên cơ sở hiểu biết của cá nhân nên chưa dám bàn sâu vấn đề ngữ nghĩa của các tư liệu Hán – Nôm đã được khảo sát. Để hiểu rõ vấn đề này, thiết nghĩ cần có những nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá sâu sắc và toàn diện về loại hình di sản này, từ đó có giải pháp bảo tồn và phát huy phù hợp, hiệu quả./.

Tác giả: Phạm  Hữu Hiến, Hoàng Minh Quốc Dũng

Phạm Hữu Hiến - Hoàng Minh Quốc Dũng 02.PNG

Câu đối tại chùa Bảo Quang, Bù Đốp – Chế tác năm Kỷ mùi, 1919 (ảnh: Quốc Dũng)

壻 除 區 叩 纍 能 滕 千 經 萬 百 山 南 人 四 祿 麥 龍

有 邪 國 除 披 山 水 秋 歷 民 姓 溪 北 又 海 寧   啟 龜

阮 剎 濟 彊 元 百 無 顯 紀 瞻 就 船 中 壽 歐 印   文 庚

文 鬼 民 賊 六 谷 波 赫 朝    之 海 析 域 敬 望   明 午

恭 道 永 安 意 各 顯 傳 震 扶 若 如 震 同 享 咸 億   今 年

進 文 流 百 南    神 聖 靈 社 尼 日 威 奉 太 聖 年   有 仲

方 姓 邦 地 公 跡 聲 稷 雷 月 靈 事    平 德 春 庙 秋

(Toàn văn Bức Liễn treo trên chánh điện của chùa Linh Thông)

Dịch lời

Long Quy Canh ngọ niên trọng thu

Mạch khải văn minh kim hữu miếu

Lộc Ninh (địa danh) ấn vọng ức niên xuân

Tứ hải âu kính hàm thánh đức

Nhân hựu thọ vực hưởng thái bình

Nam bắc trung tích (phiên âm là kỳ) đồng phụng sự

Sơn khê thuyền hải chấn uy linh

Bá tính tựu chi như nhật nguyệt

Vạn dân chiêm bái nhất chi lôi

Kinh lịch kỷ triều phò xã tắc

Thiên thu hiển hách chấn linh thanh

Thằng thủy vô ba truyền thánh tích

Năng sơn bá cốc hiển thần công

Lũy phi nguyên lục các …..địa

Khấu trừ cường tặc ý nam bang

Khu quốc tế dân an bá tính

Trừ tà sát quỷ vĩnh lưu phương

Tế hữu Nguyễn Văn đạo văn

Cung tiến

Print Friendly, PDF & Email