DI CHỈ THÀNH ĐẤT ĐẮP HÌNH TRÒN DI SẢN QUÝ GIÁ CỦA BÌNH PHƯỚC VÀ QUỐC GIA

Bài 1: Quá trình phát hiện, nghiên cứu

Thành đất đắp hình tròn là loại hình di chỉ khảo cổ học được nghiên cứu phát hiện bởi nhà khảo cổ học người pháp có tên là Louis Malleret. Năm 1959, ông cho công bố những nghiên cứu bước đầu về loại hình di tích này với một bản đồ phân bố của 18 địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam và Campuchia, trong số đó có 12 địa điểm thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đặc điểm của các loại hình di chỉ này là thường phân bố ở trên đồi cao, bằng phẳng, hai bên sườn đồi thường có nguồn nước (suối hoặc bưng trũng thấp). Đa số các di chỉ đã phát hiện đều được phân bố ở vùng đất đỏ, chỉ có di chỉ Long Tân là phân bố ở vùng đất sỏi cơm.

Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), loại hình di chỉ này đã được các cơ quan nghiên cứu trong nước tiếp tục thực hiện. Giai đoạn 1980 – 2000, các hoạt động nghiên cứu được thực hiện, ngoài việc xác định 12 di chỉ do Mallerret phát hiện, các cơ quan nghiên cứu đã phát hiện thêm 7 di chỉ, nâng tổng số di chỉ này được phát hiện lên thành 19. Giai đoạn 2006-2010 phát hiện thêm 8 di chỉ, giai đoạn 2011-2012, Trung tâm Khảo cổ Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Phước tiến hành nghiên cứu phát hiện thêm 10 di chỉ, nâng tổng số phát hiện lên 37. Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan nghiên cứu tiếp tục sử dụng các phương pháp tiên tiến đã phát hiện thêm nhiều di chỉ mới.

Quá trình nghiên cứu phát hiện, ngoài sử dụng phương pháp xác định lại các di chỉ theo vị trí bản đồ do Mallerret để lại, các cơ quan nghiên cứu còn sử dụng các phương pháp khác để tìm kiếm, phát hiện thêm. Đó là phương pháp tìm kiếm thủ công dựa vào đặc điểm địa hình, dựa vào đặc điểm phân bố của di chỉ. Giai đoạn 2010-2012, Trung tâm Khảo cổ Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ sử dụng phương pháp nhận diện hình ảnh di chỉ thành tròn qua ảnh vệ tinh. Phương pháp này giúp cho việc phát hiện được nhiều di chỉ trong thời gian nhanh hơn, trong điều kiện ở những nơi có địa hình khó khăn, ở xa như Đăk Ơ (Bù Gia Mập), Long Bình (Phú Riềng), Thiện Hưng (Bù Đốp), Nghĩa Trung (Bù Đăng),… Đặc biệt, giai đoạn gần đây, việc phát hiện loại hình di chỉ này còn được cán bộ Bảo tàng thực hiện thông qua nghiên cứu mối liên hệ văn hóa tộc người. Đây là phương pháp mới nhưng cũng đã phát hiện được nhiều di chỉ ở xã Phú Nghĩa huyện Bù Gia Mập.

Theo số liệu thống kê của Bảo tàng tỉnh, đến tháng 11/2017, trên địa bàn tỉnh đã có 9 huyện thị phát hiện có di chỉ thành đất đắp hình tròn (Thị xã Đồng Xoài và huyện Chơn Thành chưa phát hiện có di chỉ) với tổng số là 52 di chỉ. Cụ thể: Huyện Lộc Ninh có 11 di chỉ, Huyện Hớn Quản có 8 di chỉ, Huyện Bù Gia Mập có 6 di chỉ, Huyện Phú Riềng có 11 di chỉ, Huyện Bù Đăng có 4 di chỉ, Huyện Đồng Phú có 5 di chỉ, Huyện Bù Đốp có 2 di chỉ, Thị xã Phước Long có 2 di chỉ, Thị xã Bình Long có 3 di chỉ. Việc phát hiện có di chỉ ở khu vực Bù Đăng, Đồng Phú cho thấy sự phân bố của di chỉ trên địa bàn khá rộng.

Song song với quá trình nghiên cứu phát hiện, công tác thám sát, khai quật cũng đã được thực hiện với quy mô khác nhau cũng đã được thực hiện. Kết quả các nghiên cứu khai quật, thám sát cũng đã phát lộ được nhiều thông tin quan trọng, có ý nghĩa về mặt khoa học lịch sử. Kết quả của các đợt khai quật đã cho thấy tầng văn hóa khác nhau phân bố trong các di chỉ. Trong đó, công trình nghiên cứu luận án Tiến sỹ của ông Nguyễn Trung Đỗ đã xác định được chức năng chủ yếu của di chỉ là cư trú có phòng thủ của người tiền sử. Các nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Trung Đỗ, của PGS.TS Bùi Chí Hoàng, của Tiến Sỹ Nguyễn Khánh Trung Kiên thông qua đánh giá đồng vị carbon (C14) đã xác định được niên đại của một số di chỉ là từ 3.800 đến 2.900 năm cách ngày nay (có +- 50 năm).

Như vậy có thể nói, với việc phát hiện số lượng di chỉ thành đất đắp hình tròn khá lớn (52 di chỉ), chứng tỏ thời kì tiền sử ở Bình Phước có sự phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi đang bỏ ngõ cần tiến hành nghiên cứu để khẳng định, đặc biệt là vấn đề chủ nhân củ di chỉ này.

2018.06.16 DI CHỈ THÀNH ĐẤT ĐẮP HÌNH TRÒN 01.PNG

Di chỉ thành đất đắp hình tròn qua hình ảnh 3D
ảnh Trung tập Khảo cổ Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ

Bài 2: Những kết quả nghiên cứu bước đầu

Cho đến nay, sau hơn gần 60 năm kể từ ngày Mallerret công bố đầu tiên và hơn 30 năm các nhà khoa học trong nước nghiên cứu về di chỉ này, kết quả thu được tương đối khả quan. Từ đó, đã phát lộ phần nào diện mạo của di chỉ, cung cấp cho khoa học nhiều thông tin có giá trị khoa học và lịch sử.

Các di chỉ như Lộc Tấn 2, An Khương, Long Hưng, Thiện Hưng, Thuận Lợi 1,… qua những hố thám sát cho thấy ở đây có tầng văn hóa khá dày, thường sâu hơn 1m. Tuy nhiên cũng có những di chỉ như Bù Nho, Long Hà 4, Long Tân, Lộc Quang 2, An Phú có tầng văn hóa khá mỏng, chỉ khoảng từ 30cm đến 50cm. Có phải chăng, sự dày mỏng của tầng văn hóa cho thấy thời gian cư trú của cư dân trên các di chỉ có sự dài ngắn khác nhau? Hoặc giữa các di chỉ sự hình thành có sự sớm muộn khác nhau?

Trên các di chỉ đã được nghiên cứu, thám sát, kết quả cho thấy chỉ có khu vực vòng thành trong là có tầng văn hóa, ở những nơi khác như vòng thành ngoài, hào, lối ra vào, khu vực mặt bằng trung tâm di chỉ,… chưa phát hiện hiện vật, tầng văn hóa. Điều này giúp các nhà nghiên cứu xác định vòng thành 2 là nơi cư trú của người tiền sử. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở để xác định hình thức cư trú như thế nào (có nhà ở hay không, cách phân bố các nhà ở như thế nào,…). Một phát hiện hết sức quan trọng là ở vòng thành trong, các đợt thám sát đã phát hiện nhiều dấu vết lỗ cột với kích thước lớn, đường kính từ 20cm đến 30cm. Ở hào của một số di chỉ còn phát hiện nhiều lỗ cọc phân bố theo hình thức cắm chéo, trong đó di chỉ thành tròn Lộc Tấn 2 có mật độ của lỗ cọc rất dày. Các nhà nghiên cứu đặt vấn đề đây có phải là cột nhà, lỗ cọc dùng để rào bảo vệ?

Một phát hiện quan trọng khác cũng rất đáng chú ý qua các đợt khai quật trong năm 2017 là trên vòng thành trong, các nhóm khai quật đã phát hiện nhiều dấu tích bếp lửa với tầng than, đất cháy đỏ khá dày. Điều đó chứng tỏ đã có quá trình sử dụng lửa rất dài trên vị trí này. Có thể kể đến như di chỉ Bù Nho, di chỉ Long Hưng, di chỉ Lộc Quang 2,…

Cho đến nay, qua các đợt đào thám sát, khai quật, số hiện vật thu được trong các tầng văn hóa là khá lớn, đa dạng. Bao gồm:

– Hiện vật bằng đá: Đã phát hiện gần 2.000 hiện vật, trong đó chủ yếu là công cụ lao động (Rìu đá, cuốc đá, bàn mài, lao đá, đục đá, hòn ghè,…); trang sức, chủ yếu là các mảnh vòng đeo đã vỡ. Ngoài ra còn có hàng ngàn hiện vật đá được phát hiện là mảnh tước, đá nguyên liệu cũng được phát hiện trong các di chỉ. Điều đặc biệt, ở nhiều di chỉ như Long Tân, An Khương, An Phú, Tân Lợi, Nghĩa Trung 2,… còn phát hiện nhiều mảnh đàn đá, đầu đàn đá với nhiều kích thước khác nhau. Điều này đặt ra câu hỏi, có mối liên hệ nào giữa đàn đá với cư dân tiền sử đã sinh sống ở trong các di chỉ thành đất đắp hình tròn hay không?

– Hiện vật bằng gốm: chủ yếu là các mảnh gốm vỡ từ các vật dụng với tổng số hơn 6.000 mảnh có kích thước khác nhau. Các mảnh gốm vỡ là đáy, thân, miệng của những vật dụng tương tự như bình, bát, cốc, nồi,… Kỹ thuật chế tác khá thô sơ, chưa tráng men, được nung với nhiệt độ thấp. Hoa văn trên các mảnh gốm chủ yếu là khắc vạch (kiểu hoa văn phổ biến thời kì tiền sử đã được phát hiện ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam). Trong số các hiện vật gốm thu được, có một hiện vật được phát hiện tại ấp vườn rau có thể phục chế gắn lại nguyên vẹn, qua đó cho thấy hiện vật này có hình dáng tương tự như chiếc nồi đất của người Xtiêng; và một hiện vật được phát hiện tại Long Hưng còn tương đối nguyên vẹn, là một chiếc cốc có đế.

Những kết quả nghiên cứu đạt được trong thời gian qua về các di chỉ thành đất đắp hình tròn ở Bình Phước đã phát lộ phần nào những thông tin quan trọng về lịch sử thời kì tiền sử ở Bình Phước. Trên cơ sở đó, đa số các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là công trình luận án Tiến sỹ của ông Nguyễn Trung Đỗ khẳng định đây là nơi cư trú có phòng thủ của người tiền sử.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Điều này làm cho việc nhận thức khoa học, lịch sử về loại hình di chỉ này còn những hạn chế nhất định. Còn nhiều vấn đề đặt ra để nghiên cứu luận giải về di chỉ này, đặc biệt là vấn đề chủ nhân của cư dân thời tiền sử ở Bình Phước. Trong thời gian gần đây, Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu phát hiện có mối liên hệ rất rõ giữa di chỉ thành đất đắp hình tròn ở Bình Phước và văn hóa của người Xtiêng. Tuy nhiên, để nghiên cứu làm rõ vấn đề này, cần nhiều thời gian và kinh  phí để thực hiện.

 2018.06.16 DI CHỈ THÀNH ĐẤT ĐẮP HÌNH TRÒN 02.PNG
Tầng văn hóa trong di chỉ thành đất đắp hình tròn – ảnh Bảo tàng tỉnh

2018.06.16 DI CHỈ THÀNH ĐẤT ĐẮP HÌNH TRÒN 03.PNG

Chân đế cốc – hiện vật thu được qua khai quật khảo cổ thành tròn
ảnh Trung tâm nghiên cứu khảo cổ – Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ

Bài 3: Quy mô, cấu trúc và sự phân bố của di chỉ thành đất đắp hình tròn ở Bình Phước

Các di chỉ thành đất đắp hình tròn đã được phát hiện ở Bình Phước có sự đa dạng về quy mô, cấu trúc và sự phân bố.

Về cấu trúc, các di chỉ thành đất đắp hình tròn có những đặc điểm chung. Đó là loại di chỉ có hình tròn, hai lối ra vào được phân bố ở hai hướng nơi có nguồn nước (suối hoặc bưng), kết cấu là đất đắp tại chỗ. Có ba loại hình chính là loại có một vòng thành, loại có hai vòng thành và mới đây nhất Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã phát hiện tại ấp Tân Phú xã Thuận Phú có một di chỉ có ba vòng thành – một phát hiện hết sức thú vị, đặc biệt bởi từ trước đến nay chưa phát hiện loại di chỉ này. Loại có một vòng thành có số lượng ít, quy mô nhỏ, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ mới phát hiện được 5 di chỉ. Về cơ bản, loại di chỉ có một vòng thành có cấu trúc đơn giản, vòng thành được đắp cao hơn so với mặt đất hiện hữu, tạo không gian bằng phẳng rộng khoảng 10m chạy vòng quanh mặt thành, lối ra vào được cấu trúc đơn giản. Loại có hai vòng thành hiện nay được phát hiện chiếm đa số trong các di chỉ. Cấu trúc cơ bản gồm một vòng thành ngoài đắp cao hơn mặt đất bình thường, tiếp đó là hào sâu ngăn cách giữa vòng thành ngoài và vòng thành trong, tiếp đến là vòng thành trong (thường rộng từ 10m đến 20m) và cuối cùng là vùng đất bằng phẳng ở giữa (hiện nay chưa ai xác định được chức năng của vùng đất này). Với cấu trúc như vậy, độ sâu của các hào thành phụ thuộc vào quy mô của thành. Hiện nay, di chỉ có hào và vòng thành ngoài có độ sâu lớn nhất là thành Lộc Tấn 2 (thành có diện tích lớn nhất được phát hiện cho đến nay), tính từ đỉnh thành ngoài đến mặt hào hiện tại nơi cao nhất là 11m. Do cấu trúc phức tạp (thành cao và hào sâu) nên lối ra vào cũng được đắp và “thiết kế” rất đa dạng. Mỗi lối ra vào ở phần tường thành ngoài thường được đắp thấp hơn tường thành (có lẽ để người dân dễ ra vào), có cụm đất phía giữa ngăn đôi tạo thành hai đường đi khá rõ. Tại đây, hai bên lối ra vào thường có hai ụ đất cao hơn các đoạn vòng thành khác. Một điều rất đặc biệt là ở các lối ra vào, cấu trúc của các ụ đất phân chia lối ra vào được đắp khá đa dạng, có nơi là một ụ tròn nhô cao, có nơi là một dải đất thấp dài thoai thoải, có nơi chỉ là một vệt đất nhô hơi cao mang tính ngăn chia tượng trưng. Điều đó thể hiện sự đa dạng trong tư duy kiến tạo của người tiền sử ở các khu vực nơi họ cư trú.

Về quy mô, các di chỉ thành tròn ở Bình Phước hiện nay khá đa dạng, có di chỉ diện tích nhỏ, chỉ khoảng từ 1ha  đến 3ha như di chỉ Bù Nho, di chỉ Phước Tín, di chỉ Lộc Điền 2. Nhưng có di chỉ có quy mô diện tích rất lớn như di chỉ Lộc Tấn 2 có diện tích hơn 11 ha, di chỉ Long Bình 1 có diện tích khoảng 9 ha, di chỉ An Khương có diện tích khoảng 8 ha, di chỉ Thuận Phú 2 đường kính gần 400m…. Nhiều giả thuyết của các nhà nghiên cứu cho rằng quy mô lớn nhỏ khác nhau của các di chỉ phản ánh quy mô dân cư và thời gian hình thành và quá trình cư trú của cộng đồng cư dân trong các di chỉ.

Sự phân bố của các di chỉ này là tương đối đều và xem xét trên bình diện khu vực dường như có sự liên kết nào đó. Trong một khu vực, các di chỉ phân bố theo từng cụm với khoảng cách không xa. Chẳng hạn, ở Lộc Ninh, có thể nhận diện một số nhóm, cụm di chỉ như: các di chỉ ở Lộc Tấn, Lộc Hiệp chỉ cách nhau khoảng 3km, Lộc Quang, Lộc Thành cũng tương tự. Ở Long Bình, các di chỉ cách nhau từ 1km đến 3km; Ở Bình Long, hai di chỉ Thanh Phú chỉ cách nhau khoảng 200m. Đặc biệt, có những trường hợp hai di chỉ ở rất gần nhau như: hai di chỉ Thuận Lợi 1 và Thuận Lợi 2 chỉ cách nhau hơn 100m, hai di chỉ Long Hà 4 và Long Hà 5 phân bố sát nhau; Trường hợp đặc biệt hơn là di chỉ Long Bình 2 và 3 liên kết với nhau tạo thành di chỉ thành đôi, hai di chỉ cùng chung vòng thành ngoài và hào, chỉ khác nhau vòng thành trong, hai vòng thành trong cách nhau bởi một đoạn hào. Cấu trúc đặc biệt này đã tạo thành di chỉ có hình dạng số 8. Sự đa dạng về cách phân bố, vị trí phân bố cho thấy giữa các di chỉ trong cùng khu vực có một liên hệ nhất định.

Có thể khẳng định sự phân bố, quy mô, cấu trúc của các di chỉ thành đất đắp hình tròn ở Bình Phước là rất đa dạng. Điều đó giúp cho cho chúng ta có thể nhận diện được sự đa dạng phong phú trong việc tổ chức cư trú của cư dân tiền sử ở Bình Phước.

2018.06.16 DI CHỈ THÀNH ĐẤT ĐẮP HÌNH TRÒN 04.PNG
Các nhà nghiên cứu khảo cổ học tham quan di chỉ thành đất đắp hình tròn Lộc Tấn 2.
(Từ trái sang phải: PGS.TS Bùi Văn Liêm, TS. Phạm Quốc Quân, PGS.TS Tổng Trung Tín.)

Bài 4: Giá trị lịch sử văn hóa của di chỉ thành tròn ở Bình Phước.

Cho đến hiện nay, qua hơn 60 năm nghiên cứu, với những kết quả đã đạt được có thể khẳng định các di chỉ thành đất đắp hình tròn ở Bình Phước chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của quốc gia và địa phương.

Trước hết, khẳng định rằng đây là loại hình di chỉ độc đáo riêng có của Bình Phước. Cho đến nay, trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ có tỉnh Bình Phước phát hiện được loại hình di chỉ này. Sự độc đáo thể hiện ở cấu trúc của di chỉ (có loại một vòng thành, có loại hai vòng thành và có loại có ba vòng thành), sự phân bố các cửa ra vào của di chỉ, các hào sâu với sự đa dạng khác nhau.

Một trong những điều độc đáo riêng có của loại hình di chỉ này theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng – nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, trong các công trình thời tiền sử ở Việt Nam và thế giới, rất ít công trình còn nguyên vẹn như các di chỉ thành đất đắp hình tròn, hay có thể nói là không còn. Do đó các di chỉ thành đất đắp hình tròn còn tồn tại khá nguyên vẹn sẽ giúp cho việc nghiên cứu thời kì tiền sử khoa học và thực tiễn hơn.

Đây có thể coi là một công trình vĩ đại của các cư dân thời tiền sử, bởi qua nghiên cứu cho thấy với các công cụ thô sơ hiện có lúc đó (công cụ bằng đá hoặc cây rừng) nhưng các cư dân tiền sử đã kiến tạo một công trình có quy mô lớn, có độ bền vững cao. Cho đến nay, di chỉ có diện tích lớn nhất là thành đất đắp hình tròn Thuận Phú 2 với đường kính gần 400m, di chỉ còn lại có độ sâu của hào và bờ thành cao nhất là Lộc Tấn 2 – nơi sâu nhất là 11m tính từ đỉnh bờ đến mặt hào. Để làm được những công trình này, có thể người tiền sử phải mất rất nhiều năm, nhiều công sức mới có thể thực hiện được. Trong buổi vào thăm và làm việc tại Bình Phước, các nhà nghiên cứu là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia như PGS.TS Tống Trung Tín, PGS.TS Bùi Văn Liêm, TS.Phạm Quốc Quân đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên và thán phục trước quy mô và cấu trúc độc đáo của thành Lộc Tấn 2. Các nhà nghiên cứu nói trên đều đánh giá rất cao những giá trị độc đáo của loại hình di chỉ này.

Với 52 di chỉ đã phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước, điều này cho thấy thời kì tiền sử, ở Bình Phước đã có một cộng đồng cư dân sinh sống lâu đời trên vùng đất này. Sự phân bố đều khắp trên nhiều vùng khác nhau của tỉnh cho thấy quy mô và phạm vi ảnh hưởng rất lớn của cộng đồng. Hơn nữa, với quy mô của các di chỉ cho thấy các cộng đồng cư dân này đã sinh sống lâu đời ở vùng đất này. Việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cư trú của cư dân tiền sử ở thành tròn với nghiên cứu văn hóa tộc người trên địa bàn sẽ có nhiều ý nghĩa đối với địa phương và quốc gia.

Từ những kết quả nghiên cứu và xác định giá trị của di chỉ thành đất đắp hình tròn ở Bình Phước, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát huy hiệu quả các di chỉ quý giá này. Thiết nghĩ, điều trước hết là cần thông tin rộng rãi thông qua nhiều hình thức để người dân, các cơ quan có di chỉ hiểu rõ giá trị của di chỉ, tuyên truyền để người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ di chỉ khỏi bị xâm hại. Ngoài việc bảo tồn thông qua hình thức xây dựng hồ sơ xin công nhận di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia, việc quy hoạch để phát triển du lịch đến di chỉ này là điều hết sức cần thiết. Những thông tin đã được nghiên cứu đủ để xây dựng hệ thống thông tin về lịch sử tiền sử liên quan đến di chỉ này, đủ để xây dựng những câu chuyện kể liên quan đến nó, qua đó thu hút du khách đến đây tham quan nghiên cứu. Hiện nay, có nhiều di chỉ thuận lợi cho việc phát triển du lịch có thể xây dựng thành điểm đến như: thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 huyện Lộc Ninh, di chỉ Long Hưng 1 huyện Phú Riềng, di chỉ Thanh Phú 2 huyện Đồng Phú,… Đưa di chỉ thành tròn vào khai thác du lịch, tỉnh Bình Phước sẽ có thêm điểm đến thú vị, độc đáo riêng có của địa phương, từ đó góp phần tạo sức hút cho du khách về với địa phương.

2018.06.16 DI CHỈ THÀNH ĐẤT ĐẮP HÌNH TRÒN 05.PNG

Một hố khai quật ở di chỉ thành đất đắp hình tròn Bù Nho phát hiện nền bếp lửa và lỗ cột
ảnh Bảo tàng tỉnh Bình Phước

Bài 5: Di chỉ thành đất đắp hình tròn và mối quan hệ văn hóa với người Xtiêng

Trong quá trình nghiên cứu về di chỉ đất đắp hình tròn ở Bình Phước, nhiều nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi: Chủ nhân của di chỉ này là ai? Và hơn 60 năm nay kể từ ngày Mallerrert công bố đầu tiên về loại hình di chỉ độc đáo này, câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Năm 2017, quá trình nghiên cứu, người viết đã nhận định có hay không sự liên hệ giữa văn hóa của các tộc người đang sinh sống ở Bình Phước với các di chỉ đất đắp hình tròn ở đây! Từ đó, chúng tôi đã đặt ra hướng nghiên cứu “Tìm mối liên hệ giữa văn hóa tộc người và di chỉ đất đắp hình tròn ở Bình Phước”, dự kiến sẽ công bố trong năm 2018. Trên cơ sở định hướng đó, vào tháng 12/2018, ông Đinh Nho Dương – thành viên nhóm nghiên cứu nội dung nói trên của Bảo tàng tỉnh trong một lần đi công tác tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập tình cờ phát hiện người Xtiêng ở đây biết về di chỉ thành đất đắp hình tròn, họ có những câu chuyện, những quan niệm liên quan đến di chỉ thành đất đắp hình tròn. Đây là phát hiện hết sức thú vị. Do đó, nhóm nghiên cứu tiến hành đẩy mạnh việc tiếp cận vấn đề và đã phát hiện ra nhiều điều thú vị, thể hiện mối liên hệ giữa di chỉ thành đất đắp hình tròn với văn hóa truyền thống của người Xtiêng ở Bình Phước.

Tiến hành khảo sát ở huyện Bù Gia Mập, chúng tôi tiếp cận với những vị cao niên như ông Điểu Kiêu ở thôn Bù Gia Phúc 1, ông Điểu Lan ở thôn Phú Nghĩa và nhiều người khác ở thôn Hai Căn, Đak U,…qua câu chuyện trao đổi người dân, chỉ trong 1 ngày, họ đã chỉ cho đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh và Trung tâm Khảo cổ Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ thêm 10 di chỉ Thành đất đắp hình tròn, trong đó có 9 di chỉ ở xã Phú Nghĩa, một di chỉ ở xã Đăk Ơ. Đây là lần đầu tiên, ở Phú Nghĩa phát hiện có nhiều di chỉ thành đất đắp hình tròn, đồng thời đây cũng là xã có nhiều di chỉ thành tròn được phát hiện.

Không dừng lại ở đó, tại những địa phương đã phát hiện di chỉ thành đất đắp hình tròn trước đây như ở Lộc Ninh, Bù Đốp, khi chúng tôi sử dụng phương pháp khảo sát dân tộc học, xã hội học, đoàn nghiên cứu của Bảo tàng tiếp tục phát hiện các di chỉ Thành đất đắp hình tròn, nơi trước đây chưa thể phát hiện được.

Quá trình khảo sát điền dã dân tộc học và xã hội học ở các huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bình Long, thị xã Phước Long,… chúng tôi ghi nhận được nhiều câu chuyện kể dân gian của người Xtiêng nói về di chỉ thành đất đắp hình tròn ở Bình Phước. Có những câu chuyện ở nhiều di chỉ đều có, nhưng cũng có những câu chuyện chỉ có ở một số di chỉ. Đó là câu chuyện giữa người với con cheo, câu chuyện giữa người với con trăn thần, câu chuyện giữa thủ lĩnh với các loài thú… Riêng ở thị xã Bình Long, người dân còn hát kể cho đoàn khảo sát và nghiên cứu câu chuyện sự tích liên quan đến thành đất đắp hình tròn ở Sóc Bưng và núi Bà Rá, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của người Xtiêng ở Bình Phước. Riêng ở vùng Lộc Ninh, chúng tôi ghi nhận được câu chuyện liên quan đến các nghi thức nghi lễ tổ chức ngay tại di chỉ. Tuy nhiên, do chưa phải là các ngày lễ nên các nghi thức nghi lễ chưa được thực hiện, vì người dân cho biết phải có lễ cúng trên di chỉ thì mới dám kể câu chuyện về nó. Đồng thời họ cho biết thêm, trước đây, các di chỉ thành đất đắp hình tròn là nơi họ tiến hành các nghi lễ, lễ hội truyền thống của cộng đồng. Mặc dù chưa ghi nhận được câu chuyện nhưng với việc phát hiện người dân có tổ chức các nghi lễ, lễ hội trên di chỉ là một điều rất đặc biệt.

Như vậy, qua khảo sát sơ bộ, đoàn nghiên cứu của Bảo tàng và Trung tâm khảo cổ (Viện khoa học xã hội Vùng Nam Bộ) đã phát hiện ra mối liên hệ nhất định giữa di chỉ thành đất đắp hình tròn với văn hóa truyền thống của người Xtiêng. Đây là một phát hiện hết sức đặc biệt, điều mà các nhà nghiên cứu từ trước đến nay chưa phát hiện được.Vấn đề mới này không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di chỉ khảo cổ học ở địa phương mà còn có nhiều giá trị to lớn về khoa học và thực tiễn khác. Tuy nhiên, để có cơ sở công bố một cách khoa học, đầy đủ và toàn diện, cần phải tiến hành nghiên cứu vấn đề với quy mô lớn, đòi hỏi nhiều kinh phí để thực hiện. Một điều chúng tôi hết sức lo lắng và băn khoăn là hiện nay những người biết kể chuyện xưa, biết về di chỉ thành đất đắp hình tròn và những vấn đề liên quan giữa văn hóa tộc người Xtiêng với di chỉ thành đất đắp hình tròn còn rất ít, đa số đều lớn tuổi. Do đó, nếu không có phương án tổ chức phỏng vấn, ghi âm, khảo sát kịp thời thì trong thời gian ngắn nữa việc nghiên cứu vấn đề này sẽ gặp nhiều khó khăn./.

2018.06.16 DI CHỈ THÀNH ĐẤT ĐẮP HÌNH TRÒN 06.PNG

Già làng Điểu Khớp xã Thanh Phú (thị xã Bình Long)
chỉ dẫn đoàn cán bộ Bảo tàng đi khảo sát di chỉ thành đất đắp hình tròn

Tác giả: Nguyễn Khánh Trung Kiên;

Phạm Hữu Hiến;

Đinh Nho Dương.

Print Friendly, PDF & Email