Sau hơn 20 năm sưu tầm nhạc cụ cồng, chiêng và các vật dụng của đồng bào DTTS trong và ngoài tỉnh, ông Hảo đã có bộ sưu tập ấn tượng với khoảng 100 hiện vật quý hiếm. Những hiện vật này có nguồn gốc, chủng loại và niên đại khác nhau, phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa của các DTTS. Trong số đó, ông đặc biệt sưu tầm nhiều hiện vật bằng đồng, như cồng chiêng, nồi đồng, khay đồng… cùng các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày của đồng bào DTTS.
Vợ chồng ông Đậu Đình Hảo tại không gian trưng bày các hiện vật cổ của đồng bào do ông sưu tầm
Ông Hảo chia sẻ, nhận thấy văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương ngày càng mai một, ông lo ngại rằng nếu tình trạng này tiếp tục, thế hệ trẻ sẽ không còn được nghe tiếng cồng, chiêng, tiếng đàn, cũng như những bài ca, câu hát truyền thống của ông cha mình. Vì vậy, ông bắt đầu sưu tầm nhạc cụ truyền thống của các DTTS tại chỗ nơi mình sinh sống. Ban đầu, ông chỉ sưu tầm nhạc cụ cồng, chiêng, chum, ché và vật dụng sinh hoạt của dân tộc S’tiêng, M’nông tại xã Bù Gia Mập, sau đó mở rộng việc sưu tầm trong tỉnh và các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Đoàn viên thanh niên S’tiêng tập đánh cồng chiêng để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc – Ảnh: Ngọc Quế
Hiện tất cả hiện vật được ông trưng bày trong ngôi nhà của mình, tạo nên một bức tranh sinh động, phong phú về văn hóa dân tộc. Và căn nhà của ông cũng đã trở thành điểm đến thường xuyên của các bạn trẻ muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống các DTTS, đồng thời đây cũng là điểm tham quan yêu thích của nhiều đoàn khách du lịch khi đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Những chiếc chum sành, ché cổ, nồi đồng, khay đồng, cồng chiêng… có tuổi đời hàng trăm năm với họa tiết tinh xảo và sắc nét được ông sưu tầm đều gắn với những kỷ niệm, chuyến đi của ông. Ông Hảo mong ước có thể xây dựng được một bảo tàng riêng để giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến du khách trong và ngoài nước.
Ông Đậu Đình Hảo giới thiệu cách đánh cồng với phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước
Bộ chiêng các dân tộc Tây Nguyên được trưng bày trong ngôi nhà ông Hảo
Bà Thị Dum cùng các nghệ nhân làm rượu cần truyền thống của dân tộc M’nông
Ông Hảo tâm sự, cả cuộc đời ông đã dồn hết thời gian, công sức và tiền bạc cho niềm đam mê văn hóa các DTTS. Sự nỗ lực không ngừng đã giúp ông có được bộ sưu tập đồ sộ như ngày nay. Đặc biệt, mối duyên lớn nhất kết nối ông với văn hóa DTTS chính là vợ ông – bà Thị Dum, dân tộc M’nông, người luôn ủng hộ và đồng hành với ông trong suốt hành trình này. Bộ sưu tập của ông không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, góp phần quan trọng vào gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của các DTTS.
Từ tuổi thanh xuân đến lúc bạc mái đầu, ông Hảo vẫn miệt mài sưu tầm nhạc cụ và vật dụng của đồng bào các DTTS để giữ gìn tinh hoa văn hóa truyền thống. Và niềm đam mê của ông đã góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, nối dài tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tôi mong rằng, thế hệ con cháu sau này sẽ tìm đến “bảo tàng” của tôi để hiểu thêm về giá trị văn hóa đặc sắc của ông cha. Và để văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS mãi được lưu giữ, sắp tới tôi sẽ mời những nghệ nhân lớn tuổi mở lớp dạy cho các bạn trẻ đánh cồng chiêng, làm rượu cần, dệt thổ cẩm… |
Ông ĐẬU ĐÌNH HẢO, thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập |
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn