Một số giải pháp bảo tồn phát huy các loại hình di sản văn hóa ở Bình Phước (Bài cuối)           

Một số giải pháp bảo tồn phát huy

các loại hình di sản văn hóa ở Bình Phước

(Bài cuối)

Thực tại và thách thức

Hiện nay, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân cũng không ngừng được nâng lên. Vì vậy nhiều cá nhân, tổ chức, cộng đồng đã tham gia tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, các hoạt động, sinh hoạt văn hóa thường xuyên được tổ chức trong đời sống đã góp phần làm phong phú và đa dạng về hình thức bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa cộng đồng. Các phong tục, tập quán mang tính hủ tục, trái với thuần phong, mỹ tục dần được loại bỏ, các di sản văn hóa mang tính truyền thống tốt đẹp được đề cao và lưu giữ. Các chủ trương, chính sách với nhiều chương trình, đề án, dự án, các hoạt động có liên quan từ các cấp chính quyền và các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội đã và đang tạo nên nguồn lực mạnh mẽ cùng với ý thức, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong việc chung tay, góp sức giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên.

Lễ hội mừng lúa mới của người S’tiêng được phục dựng năm 2023

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn trong việc thực hiện bảo tồn các loại hình di sản văn hóa truyền thống, trong bối cảnh hiện nay trước sức tác động của quá trình phát triển và hội nhập kinh tế, xã hội đang gây nhiều tác động có áp lực lớn làm mai một nhiều di sản văn hóa. Cùng với đó là nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay có nhiều loại hình di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, bị lãng quên do môi trường, không gian và tinh thần gìn giữ, bảo tồn của chủ thể văn hóa đang có nhiều thay đổi. Loại hình di sản văn hóa về tri thức dân gian trong nhận biết và khai thác tự nhiên, các phong tục, tập quán, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, trang phục truyền thống trong cưới, hỏi và đời sống đang dần “vắng bóng” trong đời sống các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Bình Phước. Ý thức trong việc tiếp nhận, tiếp thu và lưu giữ văn hóa truyền thống ít được quan tâm của một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay, xu hướng “lai hóa” hướng ngoại văn hóa đang diễn ra nhanh chóng. Các tri thức, kỹ năng, kỹ thuật trình diễn, thực hành di sản văn hóa nhất là loại hình di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ trong trí nhớ của các nghệ nhân không được truyền dạy đang dần bị thất truyền, mai một. Các loại hình văn hóa vật chất như kiến trúc, nhà ở truyền thống của các dân tộc đang có sự thay đổi đáng kể, các di tích đang có nguy cơ xuống cấp do nguồn lực đầu tư, tu bổ, tôn tạo hạn chế, sự thay đổi, biến đổi của khí hậu, môi trường đã và đang làm cho cảnh quan các lanh lam thắng cảnh bị biến đổi làm cho di tích thiếu sức hút khách tham quan…

 Một số giải pháp thực hiện bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Để bảo tồn, phát huy đa dạng các loại hình di sản văn hóa của địa phương, cần phải thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó cần chú trọng đến một số biện pháp như:

– Thứ nhất, phát huy sức mạnh tổng thể các nguồn lực: Trong đó cần tập trung chú trọng các nguồn lực đầu tư; chính sách quản lý và nguồn nhân lực quản lý; nguồn lực từ cộng đồng chủ thể văn hóa; các nguồn lực xã hội… có như vậy mới tạo nên sức mạnh tổng thể để thực hiện có hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của địa phương.

 – Thứ hai, bảo tồn di sản văn hóa ở góc độ đa chiều: Bên cạnh hình thức bảo tồn di sản văn hóa theo hướng “bảo tồn nguyên vẹn” đồng thời cũng phải thực hiện những biện pháp bảo tồn di sản văn hóa theo hướng “bảo tồn trên cơ sở kế thừa”. Trong bối cảnh hiện nay, di sản văn hóa không chỉ mang tính chất truyền thống lâu đời, một số di sản văn hóa đang có xu hướng tiếp biến để phù hợp với sự phát triển của xã hội và nhu cầu của con người. Chính vì vậy, bên cạnh công tác bảo tồn những giá trị di sản nguyên bản, mang tính gốc cũng đồng thời cần xem xét, ghi nhận những yếu tố mới phù hợp với yêu cầu khách quan.

– Thứ ba, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vừa mang tính đa dạng nhưng đồng thời phải có tính chọn lọc, định hướng: Đa dạng, phong phú về các loại hình di sản văn hóa là một lợi thế của địa phương, tuy nhiên công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cũng cần phải được cân nhắc, lựa chọn để đối tượng di là di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy phải phù hợp với mỗi địa phương và mỗi cộng đồng dân tộc.

– Thứ tư, hạn chế “hành chính và số lượng hóa” trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, quan tâm đúng mức cho các di sản văn hóa đã được công nhận, vinh danh. Cần tham khảo, khảo sát có tính khách quan về nhu cầu và sự cần thiết của cộng đồng, nhất là đối với chủ thể di sản văn hóa trong việc thực hiện bảo tồn di sản văn hóa. Không nên lạm dụng “hành chính hóa” cũng như chạy theo “số lượng” trong việc thực hiện bảo tồn di sản văn hóa. Đối với các loại hình di sản văn hóa đã được công nhận, vinh danh trên địa bàn tỉnh cần phải được chú trọng thực hiện các nguồn lực đầu tư để phát huy nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.

– Thứ năm, cân bằng trong “tâm lý” chú trọng nguồn lực đầu tư cho các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất trực tiếp tạo ra giá trị vật chất, kinh tế mà bỏ rơi, hời hợt, nhỏ dọt trong đầu tư nguồn lực cho văn hóa.

– Thứ sáu, Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ, chuyện môn đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, tạo cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp, tương xứng nhằm phát huy tính tích cực, chủ động trong công tác bảo tồn di sản văn hóa ngay tại cơ sở.

– Thứ bảy, Công tác tôn vinh và công nhận nghệ nhân văn hóa dân gian cần được quan tâm thực hiện. Một số nội dung yêu cầu khó đạt được trong việc công nhận nghệ nhân văn hóa dân gian, nhất là các loại hình thuộc di sản văn hóa phi vật thể cần có chính sách hỗ trợ, định hướng từ các cấp quản lý để các nghệ nhân là chủ thể của di sản văn hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa của dân tộc mình.

Thứ tám, tạo cơ chế, chính sách trong việc thành lập và xây dựng các đội, nhóm, câu lạc bộ nhằm thu hút và khuyến khích các cá nhân, tổ chức xã hội tham gia, góp phần thực hiện tốt công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương.

 Tác giả:  Đức Ngự

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan