NGƯỜI KHMER Ở LỘC THÀNH TỔ CHỨC LỄ HỘI PHÁ BÀU SAU HƠN 50 NĂM BỊ LÃNG QUÊN

          Trong hai ngày 11 và 12/4/2025, tại Bàu nước ở ấp Kliêu xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước dưới sự ủng hộ của chính quyền, người Khmer ở Lộc Thành đã tổ chức lễ hội Phá Bàu truyền thống.

Lễ hội Phá Bàu hay còn gọi là lễ hội Dua Tpeng là lễ hội truyền thống của người Khmer ở Bình Phước. Lễ hội thường được tổ chức tại những khu vực người Khmer cư trú có những bàu nước tự nhiên để các loài thủy sản nước ngọt sinh sống. Người dân sẽ tự giác bảo vệ bàu nước, không cho bất kỳ một ai khai thác (đánh bắt thủy sản) khi chưa được phép của cộng đồng.

Trước đây, người Khmer ở Lộc Thành cũng như ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh đều duy trì lễ hội này hằng năm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh cũng như nhiều yếu tố khách quan khác, lễ hội Phá bàu của người Khmer nhiều nơi bị gián đoạn, mai một, và địa bàn Lộc Thành cũng vậy.

Thấu hiểu được nguyện vọng, mong ước của người Khmer nơi đây, sau khi hoàn thành tôn tạo cảnh quan và phục hồi hồ nước tự nhiên tại ấp Kliêu từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngày 11/4 và 12/4/2025 lễ hội Phá Bàu của người Khmer ở Lộc Thành được tổ chức trở lại. Điều này đã mang lại niềm vui rất lớn cho đồng bào Khmer nơi đây.

Lễ hội được tổ chức theo hình thức xã hội hóa hoàn toàn, từ nguồn kinh phí vận động (không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước) đến công tác tổ chức đều do người dân đứng ra thực hiện. UBND xã Lộc Thành chỉ cử lực lượng công an tham gia bảo vệ an ninh trật tự. Như cơn nắng hạn gặp mưa rào, người dân rất hân hoan, phấn khởi khi được tổ chức lễ hội. Họ tham gia các công việc rất nhiệt tình, chu đáo, để lại nhiều ấn tượng cho du khách và những người tham dự lễ hội.

Ở chính giữa không gian sân lễ, đập vào mặt người dự lễ là một chiếc nơm đường kính 3m, cao 4m làm từ 40 thanh tre tượng trưng cho dụng cụ bắt cá phổ biến của người Khmer, một cách làm rất sáng tạo. Xung quanh sân lễ có những cái chòi làm bằng lá buông lấy tự rừng tự nhiên. Lễ vật là những món phổ biến của người Khmer, đồng bào còn gói bánh từ lá cây dứa dại và cây rừng. Trên mâm lễ, những cây cắm nhang bằng cây chuối được làm rất công phu, đẹp mắt. Bên bàn lễ, người dân chuẩn bị sẵn hai chiếc thang bằng tre với mục đích để làm phương tiện cho người dân lên xuống bàu được an toàn, thuận lợi, đây cũng là một điều mới lạ nữa của lễ hội.

Ấn tượng nhất có thể kể đến là tinh thần của người dân đi dự lễ hội. Như đã nói ở trên, do đã hơn 50 năm chưa được tổ chức, nên ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi khi đi dự lễ hội này. Có lẽ cũng vì vậy mà số lượng người đi dự lễ hội rất đông, ước lượng có gần 2.000 người có mặt tại lễ hội. Người cầm nơm, người cầm đồ xúc cá, đủ loại vật dụng; người già, trẻ em,… ai nấy toát lên trên nét mặt niềm hân hoan khó tả. Ông Lâm Nâm, người Khmer tham dự lễ hội cho biết: “Trước đây người Khmer nơi đây có lễ hội Phá Bàu nhưng đã lâu rồi không còn tổ chức, hôm nay được chính quyền xã Lộc Thành tạo điều kiện để chúng tôi được tổ chức lễ hội là điều chúng tôi rất vui mừng”.

Sau những nghi lễ cúng thần linh, ba hồi mõ tre vang lên vừa dứt, người dân đồng loạt reo hò rồi ào xuống hồ bắt cá. Hơn 90 phút dưới bàu, người dân thực sự vui với lễ hội. Họ không chỉ bắt cá mà còn trêu đùa nhau bằng những hành động rất dễ thương. Ở trên bờ, không ai nói với ai nhưng những người không xuống bắt cá đã bắt đầu trình diễn các điệu múa truyền thống, mời du khách cùng tham gia mùa hát cùng nhau, không khí lễ hội càng thêm rộn rã.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có hai địa điểm duy trì lễ hội Phá Bàu, một là tại xã Lộc Khánh huyện Lộc Ninh (của người Khmer) và một là lễ Bào vàng – bản chất cũng là lễ hội Phá bàu của người S’tiêng tại xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành. Việc khôi phục lễ hội Phá Bàu của người Khmer ở xã Lộc Thành là một điều hết sức ý nghĩa. Điều này vừa cho thấy lễ hội này rất phổ biến ở Bình Phước, từng được các dân tộc tổ chức. Sự xuất hiện một số nội dung khác biệt ở các càng cho thấy sự phong phú, đa dạng của lễ hội này.

Qua tìm hiểu, ông Nguyễn Cao Thanh Sang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Thành cho biết, “toàn bộ công tác tổ chức đều do người dân thực hiện, chính quyền không tham gia bất kỳ nội dung nào”. Có thể đâu đó còn một số vấn đề, nội dung chưa hoàn thiện nhưng với một lễ hội quy mô lớn, chỉ được khôi phục sau một thời gian dài nhưng rất thành công, là một điều đáng mừng. Hy vọng, lễ hội sẽ được duy trì hằng năm để góp phần bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng, hướng tới tạo một điểm đến du lịch hấp dẫn ở địa phương.

Một số hình ảnh lễ hội

Cổng vào lễ hội

Không gian lễ khai mạc

Bàn lễ cúng trước khi xuống bàu bắt cá

Đồng bào tham gia băt cá tại bàu

Thành quả của đồng bào đã bắt được cá

Tác giả: Thái Bình

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan