Bộ sưu tập hiện vật vật dụng truyền thống của người S’TIÊNG Bình Phước tại Bảo tàng
Bình Phước được biết đến là vùng đất định cư của cộng đồng các dân tộc. Một trong những dân tộc cư trú lâu đời ở Bình Phước có nhiều nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc mình đó là cộng đồng dân tộc S’tiêng.
Ảnh: Hiện vật gùi
Trong hơn 42 dân tộc anh em cùng sinh sống, người S’tiêng là dân tộc thiểu số chiếm đa số. Họ cư trú hầu hết ở các huyện thị của tỉnh. Trong đời sống hằng ngày, người S’tiêng gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên. Với kinh nghiệm tích lũy từ bao đời, họ biết cách vận dụng tri thức dân gian tạo ra những vật dụng truyền thống sử dụng trong lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày…được chế tác từ nguyên liệu tự nhiên như tre, nứa…Sau nhiều năm sưu tầm Bảo tàng Bình Phước đã sở hữu nhiều hiện vật về vật dụng của người S’tiêng. Do đó năm 2021, Bảo tàng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện xây dựng Bộ sưu tập hiện vật là “ Vật dụng truyền thống người S’tiêng Bình Phước tại Bảo tàng”.
- Tổng quan về bộ sưu tập
Bộ sưu tập gồm 117 hiện vật dân tộc S’tiêng được Hội đồng khoa học giám định chia thành 03 chủ đề chính:
– Chủ đềDụng cụ săn bắn, đánh bắtđược chia nhỏ thành hai nhóm: Công cụ săn bắn gồm: Lao, ná, ống tên, bẫy thú rừng, bẫy chuột, bẫy chim…và nhóm Công cụ đánh bắt gồm:Nơm, đồ xúc cá, vó bắt cá, cây xỉa ếch, cây xăm lươn, cần câu cắm…Theo nhận định của các nhà chuyên môn, nhóm dụng cụ săn bắn, đánh bắt được cư dân người S’tiêng tự làm từ những thứ có sẵn trong tự nhiên như các loại gỗ, tre, nứa, lồ ô hay các loại dây mây…trong quá trình lao động nên có giá trị văn hóa cao. Đây là những công cụ tự chế tác nên có phong cách chế tác tiết giản với chi tiết thanh thoát và trang trí họa tiết mang màu sắc núi rừng Bình Phước.
– Chủ đề hiện vật sinh hoạt sản xuất được chia làm 04 nhóm nhỏ: Vật dụng canh tác lúa nước và canh tác nương rẫy: Xà gạc, Dao phát, Xà bất, Liềm gặt lúa; Vật dụng sử dụng trong chăn nuôi như: Lồng nhốt gà, dây buộc trâu…;Vật dụng sử dụng trong thực hành nghề thủ công truyền thống: Sản phẩm đan lát chủ yếu do người đàn ông thực hiện cũng được làm rất đa dang, phong phú như: Đồ xúc cá, Giỏ đựng cá, Nơm… Bên cạnh đó, người S’tiêng còn có Nghề Dệt với những vật dụng như Khung dệt, Dụng cụ quay sợi, Dụng cụ bật bông; Vật dụng sinh hoạt hàng ngày: Vỏ bầu khô, gùi, ố, nong, nia, Chày và cối.
Từ những nhu cầu cuộc sống hàng ngày và quá trình lịch sử sinh sống lâu đời nhận biết vận dụng tri thức dân gian mà người S’tiêng đã biết chế tạo ra những vật dụng sinh hoạt hàng ngày để phục vụ nhu cầu cuộc sống của họ. Bằng đôi bàn tay khéo léo đã tạo những vật dụng sinh hoạt,sản xuất rất đa dang, phong phúnhưng lại mang tính thẩm mỹ và độ bền cao và phục vụ cho gia đình hoặc làm vật trao đổi, mua bán trong cộng đồng người S’tiêng.
– Chủ đề hiện vật Nhạc cụ: Trong kho tàng âm nhạc của người S’tiêng, nghệ thuật cồng chiêng nổi lên như một viên ngọc sáng. Nghệ thuật cồng chiêng S’tiêng mang nhiều nét chung của cồng chiêng Tây Nguyên nhưng vẫn đậm nét vốn văn hóa cổ truyền, độc đáo, tinh tế và hấp dẫn mang bản sắc đặc thù của dân tộc S’tiêng.
Cồng chiêng luôn có mặt trong lễ hội, lễ nghi, sinh hoạt văn nghệ của đồng bào vì thế nó gắn chặt với mọi luật tục, hay nói rộng hơn là nó gắn với đời sống con người. Một thành viên trong gia đình người S’tiêng, khi mới chào đời đã làm quen với âm thanh cồng chiêng và không khí sinh hoạt cồng chiêng.
Bên cạnh cồng, chiêng, người S’tiêng còn sáng tạo nhiều nhạc cụ truyền thống vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ hoạt động tinh thần trong các lễ hội liên quan đến vòng đời cây trồng, vòng đời người. Nhạc cụ của người S’tiêng được chế tác từ những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên, qua đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo họ tự mình làm ra rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: Khèn bầu, đàn tre, đàn gió, sáo, trống…là những nhạc cụ có giá trị văn hóa cao.“Các nhạc cụ dân gian của Bình Phước tạo nên một mảng âm nhạc vô cùng độc đáo. Nhạc cụ dân gian S’tiêng với nguyên lý cấu tạo mang bản sắc rất riêng từ chất liệu như tre, nứa, vỏ bầu, sừng trâu…nhưng lại gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như thế giới tâm linh của cộng đồng”[1]
- Một số nhận định
Bộ sưu tập hiện vật Vật dụng truyền thống người S’tiêng Bình Phước tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước có những đặc điểm chung, đó là: tất cả đều là vật dụng dùng trong đời sống hằng ngày, gắn bó với người S’tiêng. Những vật dụng này đều được người S’tiêng vận dụng tri thức dân gian một cách linh hoạt và sáng tạo để chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa mang đậm nét truyền thống của người S’tiêng Bình Phước.
Qua các nhóm hiện vật của Bộ sưu tập có thể thấy sự khác nhau về phong cách và kỹ thuật chế tác và công dụng của từng hiện vật. Dễ dàng nhận thấy nhóm Dụng cụ săn bắn, đánh bắt và nhóm dụng cụ sinh hoạt, sản xuấtcó phong cách chế tác tiết giản, đa dạng chủng loại.Đặc biệt 1 số vật dụng còn được trang trí các họa tiết hoa văn tạo cho vật dụng thêm phần thẩm mỹ “Bình dị, đơn sơ nhưng chiếc gùi lại gắn với đồng bào S’tiêng mọi lúc, mọi nơi. Gùi không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống thường nhật mà còn là biểu tượng văn hóa. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, gùi được trang trí nhiều hoa văn, trở thành “tác phẩm mỹ thuật”, là niềm tự hào của người S’tiêng ở Bình Phước”[2]. Trong khi đó, nhóm nhạc cụ có phong cách chế tác độc đáo, đa dạng chẳng hạn: kèn bầu; khèn môi, sáo bầu…
Về giá trị lịch sử và văn hóa, bên cạnh chức năng là những công cụ phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, nơi người S’tiêng gửi gắm niềm tin, tâm linh thì Bộ sưu tập Vật dụng truyền thống còn có 1 số hiện vật phản ánh một phần tín ngưỡng của người S’tiêng Bình Phước.
Nhìn chung, Bộ sưu tập Vật dụng truyền thống người S’tiêng Bình Phước tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước tuy số lượng chưa nhiều nhưng đã phản ánh được một phần trong nét văn hóa của người S’tiêng trên địa bàn tỉnh, thể hiện được sự phong phú, đa dạng về phong cách, kỹ thuật chế tác và tín ngưỡng dân tộc, văn hóa, thể hiện cái tâm hướng đến chân – thiện – mỹ của mỗi con người khi sống môi trường gắn với thiên nhiên trong cả cư trú cũng như lao động sản xuất, khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có mà thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây. Là cơ sở để phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc với nhiều chủ đề, loại hình phong phú, đa dạng. Bộ sưu tập vặt dụng truyền thống người S’tiêng Bình Phước có giá trị lịch sử, văn hóa có thể xây dựng thành nhiều sưu tập nhỏ[3].Bộ sưu tập góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân gian, đồng thời là tư liệu quý góp phần nghiên cứu về nguồn gốc dân cư, đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, nghệ thuật chế tác của cộng đồng người S’tiêng Bình Phước. Với những giá trị văn hóa, lịch sử đã được khẳng định, bộ sưu tập sẽ được bảo quản tốt, phục vụ trưng bày giới thiệu đến công chúng, góp phần quảng bá văn hóa đa dạng của cộng đồng người S’tiêng Bình Phước./.
Kim Thư – Vũ Nguyệt