Canh bồi – món ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc S’tiêng và Mnông tỉnh Bình Phước

Canh bồi là một trong những món ăn truyền thống của nhiều dân tộc sinh sống ở vùng Trường Sơn Tây nguyên. Đây là một món ăn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi dân tộc, tùy thuộc vào các giá trị văn hóa, họ có cách chế biến món ăn này với nguyên liệu và kỹ thuật có sự khác nhau ở một số loại nguyên liệu. Điều này góp phần thể hiện sự khác biệt trong văn hóa của mỗi cộng đồng. Người S’tiêng và Mnông đều có  món canh bồi như một số dân tộc khác. Tuy nhiên, trong nguyên liệu, cách chế biến có sự độc đáo, khác biệt.

Đối với sgười S’tiêng và Mnông, canh bồi là món ăn rất phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày. Nguyên liệu nguyên liệu chính của món canh này đều là những thực phẩm có sẵn, gần gũi với thiên nhiên, trong đời sống hằng như lá nhíp, đọt mây, măng rừng, cà nút áo, da trâu, cà đắng (một loại cà mọc hoang trên rừng, quả nhỏ, có vị đắng khi chín, còn xanh thì ngọt),… Ngoài ra có hai nguyên liệu không thể thiếu là bột gạo và lá nhao. Đây là loại lá tạo nên hương vị đặc biệt cho món canh bồi, nó tạo mùi vị ngọt thanh, riêng có. Người S’tiêng, Mnông cho rằng nếu nấu canh bồi không có lá nhao thì món này sẽ không ngon. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt trong món canh bồi của người Stiêng và Mnông ở Bình Phước.

Để chế biến món ăn này, khâu đầu tiên là khai thác về chế biến nguyên liệu. Đọt mây sau khi chặt từ rừng về sẽ tước vỏ và ngắt thành từng đoạn ngắn từ 3cm đến 5cm để chung với rau nhíp. Gạo đem ngâm cùng nước lạnh trong thời gian khoảng 15 phút cho gạo mềm, sau đó cho gạo và lá nhao vào cối giã cho đến khi nhuyễn thành bột. Các nguyên liệu khác đem rửa sạch bỏ vào xoong nấu cho chín rồi đem bột đã giã nhuyễn hòa cùng nước đổ vào trong nồi canh cho sánh. Sau khi nấu chín, người nấu sẽ nêm nếm một ít gia vị là có được món canh bồi ngon và đặc trưng của đồng bào S’tiêng. Khi nấu xong, họ sẽ múc ra trái bầu đẵ cắt một nửa hoặc họ múc ra tô để ăn.

Một điều dễ nhận ra là món canh bồi của người S’tiêng và Mnông có nguyên liệu chủ yếu từ thực vật. Ngoài gạo được canh tác và sử dụng, các nguyên liệu khác đều có nguồn gốc tự nhiên, khác thác từ trong thiên nhiên, không sử dụng gia vị có nguồn gốc công nghiệp. Món ăn với các nguyên liệu tự nhiên không chỉ tạo nên sự khác biệt mà còn có giá trị dinh dưỡng và phòng ngừa bệnh tật, làm cho sức khỏe của con người ngày càng tốt hơn.

Canh bồi có thể ăn chung với cơm hoặc ăn riêng thành một món ăn. Thưởng thức theo cách nào thì món ăn này cũng đều rất ngon, khi thưởng thức sẽ cảm nhận được đầy đủ hương vị ngọt, bùi của các loại rau tự nhiên. Những đọt mây thơm ngậy hòa quyện với vị ngọt béo của da trâu hoặc da bò nấu cùng, với vị béo bùi của lá nhíp. Tất cả tạo nên một bữa ăn ngon miệng, mang đặc trưng riêng, bình dị mà tinh tế của những người mới ăn trải nghiệm lần đầu không thể nào quên.

Có thể nói, món canh Bồi của người S’tiêng và Mnông ở Bình Phước không chỉ là một loại ẩm thực riêng có mà còn thể hiện nhiều giá trị văn hóa của hai cộng đồng cư dân sinh sống lâu đời ở Bình Phước./.

Một số hình ảnh về nguyên liệu và quy trình nấu canh bồi

Cây nhao để nấu canh bồi

Hái lá nhao để nấu canh bồi

Chặt đọt mấy nấu canh bồi

Gạo và lá nhao đã giã thành bột

Nhặt lá nhíp và đọt mây

Bỏ lá nhíp và các nguyên liệu vào xoong

Bỏ lá nhíp và các nguyên liệu vào xoong

Bột gạo, lá nhao đã giã nhuyễn khuấy đều nước đổ vào nồi

Món canh bồi món ăn truyền thống của người S’tiêng và Mnông

 Tác giả:  Thái Bình

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan