Ðộc đáo lễ hội cúng lúa của người M’nông

Ðộc đáo lễ hội cúng lúa của người M’nông

– Dân tộc M’nông có 6 nhóm bộ tộc khác nhau, sinh sống rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước. Người M’nông không sống xen kẽ mà theo dòng tộc của mình, trừ trường hợp di cư do một nguyên nhân nào đó như chiến tranh, bị bắt làm nô lệ… Ở Bình Phước là nhóm người M’nông – Bù Noong, sống rải rác ở các xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Đắk Nhau (huyện Bù Đăng) và xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập). Mỗi nhóm dân tộc có những phong tục, tập quán khác nhau theo vùng, miền, lãnh thổ, địa bàn cư trú nhưng lễ hội cúng lúa cơ bản giống nhau.

Là người con ưu tú của đồng bào M’nông, ông Điểu Giá, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng nắm bắt khá đầy đủ, chi tiết về tập quán lễ hội cúng thần lúa của dân tộc mình trước kia. Theo ông, lễ cúng lúa xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần mẹ lúa. Nhóm dân tộc M’nông – Bù Noong Bình Phước tổ chức lễ hội cúng lúa giống nhau, với 5 lễ hội/năm, gồm: cúng gieo hạt, cúng đuổi sâu bọ, cúng lúa mới, cúng rơm và lễ tắm hồn lúa.

Ngày nay, lễ hội cúng lúa mai một dần, đồng bào M’nông Bình Phước tổ chức ăn tết cổ truyền như dân tộc Việt. Trong ảnh: Đồng bào M’nông ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng tổ chức ăn tết cổ truyền của dân tộc

Cúng gieo hạt

Đây là lễ cúng đầu tiên trong năm, thường được tổ chức vào tháng 4 âm lịch. Sau khi phát dọn rẫy mới và đốt dọn rẫy cũ thì bà con chuẩn bị gieo hạt (tỉa lúa), sau này có thêm mì, cà, ớt… để xuống giống. Lúa được chuẩn bị nhiều loại giống để trồng tỉa cùng một diện tích và được phân luồng lớn, nhỏ khác nhau, tùy theo loại hạt được chuẩn bị sẵn ít hay nhiều như giống 3 tháng, 6 tháng, lúa mùa. Lúa mùa là loại chính được dành diện tích lớn hơn, còn giống 3 tháng dùng để cứu đói giáp hạt; các loại lúa nếp, lúa dẻo, lúa ba giăng được dành diện tích nhỏ hơn; còn ớt, cà, rau, thơm, chuối, mì thì trồng xen hoặc giáp ranh.

Quy mô lễ cúng gieo hạt được tổ chức tùy điều kiện của mỗi gia đình. Gia đình khá giả thì cúng các loại gia súc, gia cầm như heo, dê, gà, vịt cùng một lúc với 1 hoặc 2 tố rượu cần 3 mắt (kích cỡ tố – PV). Các loại gia súc, rượu để tế thần chỉ lấy máu và nước rượu đầu (chưa ai được uống) để cúng. Còn thịt và rượu là để đãi khách ăn uống. Lễ hội chỉ thực hiện trong một đêm, sáng hôm sau mọi nhà tiếp tục đi làm bình thường. Còn đối với những gia đình khó khăn thì chỉ cần 1 con gà hoặc con heo nhỏ cùng 1 ché rượu nhỏ tượng trưng.

Cúng đuổi sâu bọ

Tổ chức vào tháng 7 âm lịch, đuổi sâu bọ là lễ hội giữa mùa được thực hiện khá công phu và trang trí rất cầu kỳ. Lễ hội được chuẩn bị trước 1 tuần và diễn ra từ 1-2 ngày. Tùy theo hoàn cảnh gia đình mà sử dụng các vật phẩm tế thần, gồm 1 tố rượu cần, 1 con heo, 2 con gà (lấy máu cúng), 1 cây nêu đơn, 1 cây chuỗi vòng nan. Cây chuỗi này làm bằng lồ ô, xâu dài bởi sợi chỉ đen, bao gồm hình tượng cánh con ó, xâu vòng nan, bông gòn, cái mỏ tre và cuối cùng là tấm đan hình chữ nhật được treo lên để khi gió thổi cái mỏ kêu leng keng.

Cây nêu đơn và cây chuỗi vòng nan được cắm ở đất rẫy của gia đình. Đối với cây nêu đơn, mỗi mảnh đất cắm 1 cái, còn cây chuỗi vòng nan, mỗi rẫy cắm từ 2-4 cây. Lễ cúng diễn ra vào buổi tối và đãi khách đến hôm sau.

Lễ mừng lúa mới

Tháng 8 âm lịch là mùa mưa dầm, đồng thời cũng là mùa đói giáp hạt trầm trọng nhất. Nếu trồng lúa sớm, mưa ít, nắng nhiều thì không sao nhưng nếu gieo trễ trúng vào mùa mưa dầm, lúa chưa kịp chín thì khả năng thiếu đói rất cao. Vì thế để có gạo, nhiều gia đình phải tuốt lúa non đem luộc hoặc hấp sấy giã thành gạo ăn.

Theo phong tục, trước khi đem gạo ra ăn phải cúng tế thần lúa, gọi là lễ ăn mừng lúa sớm (lúa mới). Lễ cúng tùy hoàn cảnh mỗi gia đình nhưng thường gồm 1 con gà, 1 con heo và 1 tố rượu cần. Nấu cơm xong, trước lúc ăn, các gia đình mang tất cả chà gạc, rìu, cào, dao, rựa đặt lên trên cái nia, trét cơm lên các dụng cụ đó cùng với máu gà hoặc heo, với ý nghĩa tạ ơn các nông cụ nêu trên đã giúp đỡ, phát dọn rẫy mới có được hạt gạo. Cúng xong thì phải để các thần linh ăn trước, mình ăn sau. Khi ăn mời thực khách cùng chia sẻ niềm vui, nỗi khổ nhọc trong năm. Buổi lễ chỉ diễn ra trong 1 đêm là kết thúc.

Lễ cúng rơm

Lễ hội rước hồn lúa hay bứt rơm về nhà, tổ chức từ tháng chạp hoặc tháng giêng của năm sau, tùy vào mùa thu hoạch xong sớm hay muộn. Sau khi thu hoạch xong thì phải chừa lại 1 khoảnh lúa nhất định, diện tích từ 10-20m2 tại nơi đặt cây nêu giữa rẫy. Khi đến mùa cúng lễ bứt rơm thì mới thu gom hết khoảnh lúa đã chừa. Lễ hội kéo dài từ 1-2 ngày và mời khách gần xa đến dự tiệc.

Vật phẩm cúng tế nhất thiết phải có con heo, tố rượu. Lễ này không cần chuẩn bị chu đáo như lễ đuổi sâu bọ với các món ăn đãi khách như thịt heo, thịt gà, canh bồi, cơm lam. Khi hoàng hôn xuống bắt đầu cúng thần lúa, cúng xong mời hàng xóm đến cùng chung vui kéo dài đến sáng, có thể kéo dài đến hôm sau mới chấm dứt.

Lễ cúng rước hồn lúa xong là bước vào mùa khô. Thời gian này chuẩn bị đất cho mùa vụ mới, chọn đất, phát rẫy mới hoặc làm đất dọn cỏ rẫy cũ nếu còn tận dụng được. Phát dọn xong là thời kỳ nhàn rỗi nên mọi gia đình tập trung đánh bắt cá, thăm viếng bà con, họ hàng ở các buôn làng khác. Đây cũng là thời gian nghỉ ngơi sau 1 năm lao động vất vả.

Lễ tắm hồn lúa

Lễ tắm hồn lúa được tổ chức vào tháng 3 âm lịch của năm sau. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, giống như ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt nên được tổ chức chu đáo, chuẩn bị đầy đủ vật phẩm cúng tế.

Người thân đi làm ăn xa được gọi về sum họp; bà con, họ hàng gần xa thường phải đi mời trước từ 5-10 ngày. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, có thể tổ chức luân phiên nhau để được tham dự qua lại nhưng phải đúng tháng quy định. Về ẩm thực, ngoài thịt, cá đã được chuẩn bị từ trước thì món canh bồi và nếp ống bắt buộc phải có. Vật tế phẩm thường dùng trong lễ hội gồm 1 con heo lớn hoặc nhỏ, gia đình khá giả có thể 3-4 con, chủ yếu là “xoay đầu” cho khách quý. “Xoay đầu” có nghĩa là năm nay mình mời người ta thì một vài năm sau họ sẽ mời lại mình. Hộ nghèo, khó khăn thì mổ 1 con gà làm vật tế phẩm. Đặc biệt, lễ hội này vừa cúng vừa đãi khách nên rượu không thể thiếu, có thể từ 4-5 tố lớn, nhỏ. Mục đích của lễ này là cầu cho cây lúa được mùa quanh năm, năm sau xanh tốt và thu hoạch nhiều hơn năm trước.

Trong lễ hội tắm hồn lúa, đồng bào M’nông thường kết hợp ca hát với đánh cồng chiêng. Trong ảnh: Đồng bào M’nông ở xã Đắk Nhau đánh cồng chiêng trong lễ hội

Theo ông Điểu Giá, các lễ hội nêu trên tổ chức lớn hay nhỏ đều phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Sau khi lễ cúng thần xong thì đến phần “hội”, tiếp khách, ăn mừng. Khi uống rượu thì theo thứ tự, chủ nhà uống trước mới đến khách, ông già, bà lão rồi đến thanh niên, ai đến trước uống trước, đến sau uống sau. Khách dự hết nhà này sang nhà khác, đến khi mệt thì nghỉ. Trong lúc vui tiệc thì kết hợp ca hát, đánh cồng chiêng vui nhộn (bài ca giao duyên, trữ tình, đối đáp), cứ thế diễn ra suốt lễ hội. Về rượu cốt, trước khi uống phải hút rượu ra đựng bằng ché khác, khi khách đến thì rót bằng ống tre nhỏ để mời khách trước, sau đó mới mời qua rượu tố uống.

Từ khoảng năm 2000 trở lại đây, phần lớn đồng bào không còn trồng lúa nên các lễ hội cũng mai một dần. Thay vào đó, các gia đình tổ chức ngày lễ, tết như dân tộc Việt.

Vũ Thuyên
Nguồn  Báo Bình Phước
Print Friendly, PDF & Email