Một số giải pháp bảo tồn phát huy các loại hình di sản văn hóa ở Bình Phước (Bài 1)

Một số giải pháp bảo tồn phát huy

các loại hình di sản văn hóa ở Bình Phước

(Bài 1)

 

Bình Phước là tỉnh miền núi trung du nằm về phía Tây của vùng Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý là cầu nối giữa khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Miền Đông Nam Bộ. Với vị trí chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng, do đó Bình Phước có địa hình rất đa dạng bao gồm cả cao nguyên, đồi núi và đồng bằng. Cũng như một số tỉnh trong khu vực Động Nam Bộ hiện nay, Bình Phước là nơi con người có mặt và sinh sống từ rất sớm. Để tồn tại, thích nghi và phát triển những cư dân sinh sống trên vùng đất Bình Phước đã cải tạo tự nhiên, tạo lập nên cuộc sống, sáng tạo nên các loại hình di sản văn hóa cộng đồng, kiến tạo và bảo vệ thành quả lao động của con người.

Đa dạng các loại hình di sản văn hóa

Hiện nay, với 43 thành phần dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Phước, sự hiện diện của hầu hết các thành phần dân tộc trên khắp các vùng miền cả nước có mặt ở Bình Phước cho thấy sự phong phú, đa dạng về thành phần dân cư. Trong đại gia đình các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước, các dân tộc như S’tiêng, Mnông, Chơ ro, Mạ,.. là những cư dân đã có lịch sử cư trú lâu đời trên vùng này. Quá trình gia tăng, biến động và phát triển về các thành phần dân tộc cũng như địa bàn cư trú ở tỉnh Bình Phước chịu sự tác động mạnh mẽ của những chính sách khai phá vùng đất của các chính quyền quản lý trong tiến trình lịch sử. Quá trình hội tụ và cộng cư của nhiều thành phần dân tộc trên khắp các vùng miền cả nước có mặt ở Bình Phước đã làm cho đời sống văn hóa – xã hội – dân cư có nhiều biến động, quá trình giao thoa, tiếp biến, tiếp thu văn hóa của các cộng đồng dân tộc diễn ra mạnh mẽ, tạo nên bức tranh văn hóa đa chiều với khối lượng di sản văn hóa phong phú và đa dạng trên cả hai phương diện văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

– Di sản văn hóa vật thể:

Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài nước đã tiến hành nghiên cứu các nền văn mình cổ xưa trên vùng đất Bình Phước, trong đó lĩnh vực khảo cổ học đã có nhiều phát hiện các di chỉ khảo cổ học là những thành đất đắp hình tròn của cư dân người tiền sử cư trú trên vùng đất Bình Phước ngày nay. Loại hình di chỉ khảo cổ học này được xem là di sản văn hóa có lịch sử lâu đời nhất trên vùng đất Bình Phước cho đến hiện nay. Trong hoạt động khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều loại hình di vật với các chất liệu đá, gốm, kim loại với nhiều loại hình khác nhau như mảnh tước, công cụ, đồ dùng sinh hoạt, binh khí… Trong đó đàn đá là loại hình di vật có tính chất đặc biệt, một loại hình nhạc cụ được chế tác ghè, đẽo với trình độ kỹ thuật được coi như đỉnh cao trong thời kỳ đồ đá thời tiền sử, bộ đàn đá Lộc Hòa với phát hiện đầy đủ và nguyên vẹn các thanh đàn là một trong những loại hình di vật khảo cổ học tiêu biểu của di sản văn hóa vật chất thời tiền sử và đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Ngoài ra trên vùng đất Bình Phước còn phát hiện loại hình di vật trống đồng mang tiêu bản của trống đồng Đông Sơn, một loại hình hiện vật tiêu biểu, đặc trưng của thời kỳ kim khí của lịch sử dân tộc Việt Nam.  Hiện nay, hiện vật vật trống đồng Long Hưng và trống đồng Thọ Sơn đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.  

Hiện vật trống đồng Thọ Sơn trưng bày tại Bảo tàng

Bên cạnh loại hình di sản văn hóa thời kỳ tiền sử, Bình Phước cũng là địa phương có nhiều di sản văn hóa thuộc loại loại hình di tích lịch sử – văn hóa – danh lam thắng cảnh, kiến trúc gắn liền với quá trình hình thành, đấu tranh và xây dựng của tỉnh. Với địa hình đồi núi thấp xen lẫn thung lũng và đồng bằng nên sông ngòi ở Bình Phước thường có các ghềnh và thác đá đã tạo nên cho Bình Phước có nhiều con thác với cảnh quan vừa hoang sơ, nên thơ và hùng vỹ, đã trở thành các di tích danh thắng của tỉnh như tháng Voi, thác Đứng, thác Số 4. Trong thời kỳ Pháp thuộc và kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Bình Phước là vùng đất sôi động của nhiều cuộc đấu tranh cách mạng, vì vậy hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều các di tích lịch sử, tiêu biểu như di tích lịch sử, kiến trúc bệnh viện Lộc Tấn, di tích sân bay quân sự Lộc Ninh, di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng miền Nam Việt Nam (Nhà Giao tế), Di tích quốc gia đặc biệt căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết), di tích quốc gia đặc biệt hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Với hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa – danh lanh thắng cảnh – kiến trúc tọa lạc trên khắc các địa phương của tỉnh, đến nay Bình Phước có 05 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh.

Loại hình kiến trúc nhà ở truyền thống của các cộng đồng dân tộc như S’tiêng, Khmeer, M’nông, Mạ … ở Bình Phước vừa mang tính độc đáo và đặc trưng cũng là một trong những di sản văn hóa vật chất tiêu biểu của địa phương. Các dạng nhà sàn, nhà dài nền trệt được sử dụng các nguyên vật liệu truyền thống từ tự nhiên, phản ánh cho mối quan hệ ứng xử hài hòa với thiên nhiên, kiến trúc nhà truyền thống của mỗi dân tộc còn là dấu ấn văn hóa, sự sáng tạo để thích nghi hài hòa với điều kiện tự nhiên, đồng thời thể hiện cho phong tục, tập quán, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng.

– Di sản văn hóa phi vật thể:

Với tính đa dạng về thành phần dân tộc, Bình Phước là tỉnh có đầy đủ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trong mỗi loại hình di sản văn hóa phi vật thể đều có sự phong phú và đa dạng thể hiện cho bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc, trong đó nổi bật là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: Ngữ văn dân gian; Cộng đồng người S’tiêng, M’nông có một kho tàng các thể loại văn học dân gian như thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, ca dao, dân ca… Về nghệ thuật trình diễn dân gian có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, hát đối đáp, hát kể, hát đơn ca, hát hợp tấu, múa, trình diễn cồng, chiêng… Loại hình lễ hội truyền thống, đây là loại hình di sản văn hóa gắn với đời sống văn hóa phong tục, tín ngưỡng, tập quán xã hội của các cộng đồng dân tộc, vì vậy mỗi công đồng dân tộc đều có các lễ hội được tổ chức diễn ra hằng năm như: Lễ hội cầu bông của người Kinh; Lễ hội Miếu Bà Rá Phước Long; Lễ cầu mưa, cầu mùa của người S’tiêng, M’nông; Lễ xuống đồng, Lễ hội phá bàu của người Khmer…  Loại hình di sản văn hóa Nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian, hiện nay phần lớn các cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh đều có loại hình di sản văn hóa này như nghề mộc, nghề làm rượu cần, nghề đan lát, nghề dệt vải… Cùng với quá trình sáng tạo và tích lũy tri thức của các nghề thủ công truyền thống là những tri thức dân gian được con người vận dụng trong cuộc sống, trong đó hệ thống các tri thức dân gian trong ứng xử với môi trường tự nhiên có khối lượng nhiều nhất. Các tri thức dân gian này thường phản ánh thể hiện cho mối quan hệ giữa con người và môi trường sống trên vùng đất Bình Phước.

Lễ hội kết bạn cộng đồng của người Mnông Bình Phước

Tác giả:   Đức Ngự

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan