(Chinhphu.vn) – Việc bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một trong những trách nhiệm quan trọng, yêu cầu các bên có liên quan cần có nhận thức đúng đắn và hành động kịp thời.
TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn phát biểu tại Hội thảo – Ảnh: VGP/HGNgày 8/8, tại Quảng Ninh, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới – Chính sách và giải pháp thực hiện”.
Theo TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, hiện nay, không ít điểm di sản thiên nhiên đã và đang trở thành những điểm đến thu hút lượng lớn khách du lịch. Việc này một mặt tạo ra các tác động tích cực, như tăng doanh thu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, quảng bá giá trị di sản, nhưng mặt khác gây ra các tác động tiêu cực, như xói mòn di sản, quá tải hạ tầng, mất cân bằng sinh thái…
Nhằm bảo tồn, phát huy và khai thác bền vững các giá trị di sản thiên nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành và triển khai. Theo đó, việc bảo vệ di sản thiên nhiên là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
Chia sẻ nghiên cứu về bảo vệ môi trường rạn san hô Great Barrier tại Australia, TS. Phạm Thị Trầm (Viện Địa lý nhân văn) cho hay, đây là một trong những hệ sinh thái có đa dạng sinh học nhất trên thế giới và là điển hình thành công về bảo tồn di sản thiên nhiên.
Được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1981, rạn san hô Great Barrier là hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới gồm hơn 2.900 rạn san hô và 900 đảo trải dài trên 2.300 km với tổng diện tích 344.400 km2, nằm ngoài khơi bờ biển Queensland.
Chính phủ Australia đã cam kết khôi phục 20% rạn san hô vào năm 2025 thông qua các sáng kiến cấy ghép san hô và phục hồi môi trường sống.
Theo đó, các vườn ươm san hô được thành lập để nhân giống và nuôi dưỡng các loại san hô nhằm bổ sung các rạn san hô bị suy thoái và phục hồi rạn san hô. Mạng lưới khu bảo tồn biển cũng được thiết lập bao phủ hơn 33% diện tích của rạn san hô nhằm cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho sự phát triển của các sinh vật biển.
Các hoạt động du lịch bền vững đang được thúc đẩy tại đây, như hoạt động lặn bằng ống thở và lặn có trách nhiệm để giảm thiểu tác động của du lịch lên môi trường.
Chính phủ Australia cũng ban hành kế hoạch để thu hút sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn rạn san hô thông qua các sáng kiến khoa học công dân; hợp tác với các nhóm địa phương cùng quản lý rạn san hô. Quỹ Rạn ran hô hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ kiến thức và phương pháp bảo tồn rạn san hô…
Với những nỗ lực đó, độ che phủ san hô tăng đáng kể ở một số khu vực, chất lượng nước được cải thiện, tình trạng ô nhiễm giảm, nhận thức của khách du lịch và cộng đồng địa phương về bảo tồn rạn san hô được cải thiện.
Hội thảo “Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới – Chính sách và giải pháp thực hiện” – Ảnh: VGP/HG
Nâng cao nhận thức, khuyến khích các sáng kiến của cộng đồng
Từ kinh nghiệm của Australia, TS. Phạm Thị Trầm cho rằng, để bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên cần có sự quản trị và hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền, cộng đồng địa phương và các bên có liên quan khác.
Đồng thời cần lập kế hoạch và cam kết dài hạn để bảo vệ đa dạng sinh học, cho phép tiếp cận toàn diện trong quản lý và giải quyết các mối đe dọa ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó là sự tham gia và giáo dục của cộng đồng trong các nỗ lực bảo tồn nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn và khuyến khích các sáng kiến do cộng đồng khởi xướng; tích hợp khoa học và quản lý giữa các bên có liên quan để cùng đưa ra quyết định…
Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo, trong đó Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và là địa danh duy nhất 3 lần được UNESCO vinh danh di sản thiên nhiên thế giới.
Đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, công tác bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại vịnh Hạ Long là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có quy định quản lý về kinh tế-xã hội, như: Không đánh bắt thuỷ sản trong khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản; quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản ngoài khu vực di sản, chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thuỷ sản; di chuyển 354 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu tại các làng chài lên tái định cư…
Các giải pháp về môi trường cũng được triển khai, như: Thu gom rác thải trôi nổi trên mặt nước; phân loại rác tại các điểm tham quan; lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh; thực hiện chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”; ứng dụng công nghệ trong xử lý nước thải….
Đồng thời thành lập khu bảo tồn vịnh Hạ Long; thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh; áp dụng kết quả nghiên cứu vào công tác quản lý, bảo tồn di sản như lập hồ sơ khoa học về các giá trị vịnh Hạ Long; sử dụng hệ thống chiếu sáng phù hợp trong hang động; giám sát hệ sinh thái san hô, tùng áng trên vịnh…
Vì thế, thời gian qua, các giá trị di sản được bảo tồn nguyên trạng; cảnh quan, chất lượng môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện. Tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn và phát huy trong phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hiện nay, một số thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn thiếu hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý di sản liên tỉnh, vừa là di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, vừa là khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ xây dựng cơ chế, chính sách quản lý di sản liên tỉnh vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà; tăng cường hợp tác quốc tế để quản lý, bảo vệ và quảng bá di sản; tuyên truyền, đổi mới tư duy thay đổi hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường, giáo dục di sản trực quan, sinh động, gắn với thực tế, trải nghiệm…
Nguồn:Chinhphu.vn