Về Lộc Ninh thăm dấu tích lịch sử

Về Lộc Ninh thăm dấu tích lịch sử

Huyện biên giới Lộc Ninh là địa chỉ đỏ du lịch về nguồn hấp dẫn với du khách. Nơi đây đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc những dấu ấn đặc biệt như: là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng (7-4-1972), đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại và là “thủ đô” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Huyện biên giới Lộc Ninh là địa chỉ đỏ du lịch về nguồn hấp dẫn với du khách. Nơi đây đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc những dấu ấn đặc biệt như: là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng (7-4-1972), đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại và là “thủ đô” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

50 năm sau ngày giải phóng, huyện biên giới năm xưa nay đã vươn mình phát triển cùng những điểm nhấn về văn hóa, con người, ẩm thực… Đặc biệt, trên địa bàn huyện vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị và ý nghĩa của các di tích lịch sử cấp quốc gia như Nhà Giao tế, Sân bay Lộc Ninh…

Luôn được lựa chọn là điểm du lịch về nguồn thực tế, những chuyến hành trình về huyện biên giới Lộc Ninh ngày nay vừa giúp thế hệ trẻ, du khách hiểu sâu sắc hơn về lịch sử và khắc ghi công ơn của bao thế hệ đi trước cho nền độc lập dân tộc hôm nay. Với cụm di tích gần nhau, giao thông thuận lợi, du khách đến với huyện Lộc Ninh không thể bỏ qua điểm đến Nhà Giao tế và Sân bay Lộc Ninh.

Chùm ảnh được phóng viên ghi nhận vào những ngày Bình Phước đang rộn ràng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972 – 7-4-2022).

Nhà Giao tế nằm trên địa bàn thị trấn Lộc Ninh, trung tâm huyện lỵ của huyện Lộc Ninh. Đây là một trong những điểm đến để lại nhiều ấn tượng cho du khách khi đến tham quan Bình Phước

Nhà Giao tế là trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là nơi tổ chức các cuộc họp của Ban Liên hợp quân sự bốn bên và Đoàn Ủy ban kiểm tra kiểm soát và giám sát đình chiến theo tinh thần Hiệp định Paris

Theo anh Nguyễn Năng Kiên, nhân viên Bảo tàng tỉnh Bình Phước: Trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Tháng 3-1973, trước nhu cầu tình hình công tác trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thống nhất chọn vị trí nền ngôi nhà Cao Cẳng xưa để dựng trụ sở, với bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngôi nhà được xây dựng để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong nước và quốc tế nên có tên gọi là Nhà Giao tế.

Cách di tích Nhà Giao tế khoảng 500m về hướng Tây Nam là sân bay quân sự Lộc Ninh. Sân bay này do Mỹ – ngụy xây dựng để phục vụ việc tiếp tế lương thực, đạn dược và di chuyển phương tiện chiến tranh cho chiến trường Lộc Ninh – Campuchia

Ngày nay, do thời gian và nhiều yếu tố khác, sân bay Lộc Ninh không còn nguyên trạng như trước, hiện chỉ còn lại đường băng nhưng khi đến đây, lịch sử hào hùng của trận quyết chiến chiến lược giải phóng Lộc Ninh, huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng vẫn sống mãi trong lời kể và lòng tự hào của những trái tim Việt Nam

Nguồn: Báo Bình Phước online

Print Friendly, PDF & Email