Bình Phước – Căn cứ hậu phương vững chắc trong những năm cuối của kháng chiến chống Mỹ
Hậu phương và căn cứ địa cách mạng là một trong những vấn đề cơ bản quyết định sự thành bại sống còn của một cuộc chiến. Do đó, trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với việc ra sức xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của cả nước, Đảng ta đã chỉ đạo xây dựng, củng cố căn cứ địa, căn cứ cách mạng trở thành hậu phương tại chỗ ở miền Nam. Trong đó, giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ (năm 1973 – 1975), Bình Phước đã trở thành đầu mối hậu cần ở miền Đông Nam bộ, phát huy vai trò là “hậu phương tại chỗ” góp phần giải phóng tỉnh nhà tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
1. Bình Phước là nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và là bàn đạp tiến công của các lực lượng vũ trang
Sau khi Lộc Ninh được giải phóng (ngày 07/4/1972), Trung ương Cục đã xác định Bình Phước có nhiều lợi thế để xây dựng thành căn cứ phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và phục vụ chung cho toàn Miền, tạo thế, lực và địa bàn đứng chân vững chắc, đáp ứng yêu cầu mới của giai đoạn giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Do đó, từ năm 1973, Bình Phước được xây dựng trở thành nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và là bàn đạp tiến công của các lực lượng vũ trang.
Huyện Lộc Ninh được lựa chọn là nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, là một trong những nơi làm việc của Ban Liên hợp quân sự bốn bên thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris và sân bay Quân sự Lộc Ninh là nơi diễn ra các cuộc trao đổi tù binh cho đối phương và đón các chiến sĩ từ nhà tù của Mỹ – ngụy trở về.
Bộ Chỉ huy Miền đã dời căn cứ từ huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) về đóng tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Tại đây, Bộ Tư lệnh Miền tiếp nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Quân ủy và Bộ Quốc phòng, là nơi từng diễn ra các cuộc họp, tiếp các phái đoàn của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam. Từ đây, các chủ trương, kế hoạch lớn được hình thành, chỉ đạo, chỉ huy các hoạt động trên chiến trường. Cũng tại đây, năm 1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Sài Gòn – Gia Định được thành lập (sau này đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh).
Đối với lực lượng vũ trang, tại căn cứ Tà Thiết, ngày 20/7/1974, Trung ương Đảng đã công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4. Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền cũng đã quyết định thành lập các sư đoàn, trung đoàn mới, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực Miền. Bộ Chỉ huy Miền nắm lực lượng chủ lực gồm 1 quân đoàn, 4 sư đoàn, 3 trung đoàn và 1 lữ đoàn độc lập với đủ các binh chủng bộ binh, pháo binh, pháo phòng không, đặc công biệt động… Điều này đã tạo nên sự chủ động chiến đấu trên chiến trường và giành thắng lợi Chiến dịch đường 14 – Phước Long, giải phóng tỉnh Phước Long, tạo đòn trinh sát tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ở phạm vi cấp tỉnh, năm 1973, các cơ quan Tỉnh ủy Bình Phước đã dời từ xã Hưng Phước và Thiện Hưng về ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp hiện nay. Tại đây, Tỉnh ủy Bình Phước lãnh đạo quân và dân Bình Phước đoàn kết vượt qua khó khăn, khẩn trương huy động mọi khả năng để xây dựng, phát triển căn cứ địa cách mạng, vùng giải phóng, phát triển căn cứ địa dọc khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Song song đó, Tỉnh ủy Bình Phước đã ổn định, giúp đỡ hàng ngàn Việt kiều tại Campuchia về sinh sống và thành lập xã Tân Tiến, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ bí mật hoàn toàn các cơ quan, kho tàng, đường ống dẫn xăng dầu, đáp ứng nhiệm vụ cấp bách cấp trên giao phó.
2. Bình Phước là nơi tập trung nhân lực, vật lực chi viện cho các chiến trường
Năm 1973, Cục Hậu cần Miền chuyển căn cứ từ Campuchia về đóng tại khu vực Cầu Trắng (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) để thuận lợi cho việc chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng hậu cần. Khu vực Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập đã trở thành nơi đứng chân của các bộ phận Cục Hậu cần Miền, gồm 12 phòng, 08 đoàn hậu cần, hai bệnh viện K59, K71 vào loại lớn nhất Miền, các đội điều trị, các trường đào tạo cán bộ, chiến sỹ như H6 (trường pháo binh), H21 (trường hậu cần), H14 (trường Quân chính). Từ đây, Cục Hậu cần Miền đã bảo đảm cho các chiến dịch bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, tạo thế nối liền, vững chắc nhằm tiếp nhận sự chi viện của Trung ương từ tuyến chi viện 559, tạo nguồn dự trữ vật chất, kỹ thuật lớn bằng cách thu mua, khai thác tại chỗ vừa vươn sâu, áp sát mục tiêu Sài Gòn bằng các đoàn hậu cần khu vực.
Tại Bình Phước, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã lập một cụm kho chiến lược cho B2, tạo thành một thế trận hậu cần liên hoàn vững chắc, với dự trữ vật chất lớn và lực lượng vận tải mạnh, sẵn sàng chi viện nhanh chóng cho các chiến trường gồm: Tổng kho hậu cần Bù Gia Mập; Kho hậu cần 86 ở biên giới phía Bắc Lộc Ninh; kho hậu cần phía Đông Lộc Ninh và kho hậu cần khu vực phía Đông Đồng Xoài. Đến ngày 26/3/1975, các đoàn hậu cần đã chuẩn bị được 55.000 tấn vật chất hậu cần kỹ thuật, tổ chức bố trí ở các hướng 15 bệnh viện và 17 đội điều trị sẵn sàng tiếp nhận, cứu chữa thương binh.
Đối với hệ thống giao thông vận tải, tại Bình Phước đã phát triển hệ thống đầu mối đường vận tải chiến lược. Từ Lộc Ninh đã phát triển được 5 tuyến đường cho tải bộ và cơ giới vận chuyển vũ khí, hàng hóa cung cấp cho các mặt trận miền Đông và Tây Nam bộ. Cuối năm 1973, các tuyến đường quan trọng từ Lộc Ninh tới Bù Gia Mập, Tây Ninh, Tà Lài… được mở thông và 3 tuyến hành lang vận tải trọng yếu được hình thành từ Lộc Ninh xuống các hướng của Sài Gòn. Đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, đường phía Đông Trường Sơn được nối đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước thành con đường xuyên Bắc – Nam dài 1.200km, sẵn sàng cơ động các quân đoàn chủ lực vào vị trí tập kết chiến dịch, đồng thời đảm bảo vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng… Cuối năm 1974, để phục vụ cho kế hoạch tổng tiến công giải phóng miền Nam, 6 tuyến vận tải xuất phát từ Bình Phước được hình thành để chuẩn bị đưa người và vật chất theo 5 hướng tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Trước ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, hậu cần chiến lược đã nhanh chóng tổ chức 02 tuyến vận tải: Tuyến 1, theo đường Trường Sơn từ Tây Nguyên theo đường 14a, 14b tới Tổng kho Đồng Xoài; tuyến 2, theo đường biển vào Đà Nẵng và Cam Ranh rồi chuyển tiếp bằng đường bộ vào Xuân Lộc. Trong đó, Sư đoàn ô tô 571 nhận lệnh tập trung 1.000 xe cơ động đưa Quân đoàn 1 từ Ninh Bình theo tuyến Đông Trường Sơn tập kết tại Lộc Ninh và Đồng Xoài. Sau ngày 22/4/1975 hơn 9.000 tấn đạn dược và chiến lợi phẩm được Sư đoàn ôtô 571 vận chuyển và tập kết tại Đồng Xoài, Xuân Lộc cung cấp cho chiến trường.
Đối với hệ thống đường ống xăng dầu: Bình Phước là đầu mối cuối cùng của hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ miền Bắc vào. Tháng 3/1975, đường ống dẫn xăng dầu đã vào đến Lộc Ninh. Trong 5 trạm nhiên liệu của chiến trường B2, Bình Phước có 3 trạm. Xăng dầu được bơm từ Bến Thủy (thành phố Vinh) vào tuyến đường ống, băng qua 115 trạm bơm đẩy với chiều dài 1.400km đến Bù Gia Mập, sau đó được vận chuyển về các Tổng kho nhiên liệu VK98, VK99 ở Lộc Ninh. Từ đây, việc cung cấp xăng dầu cho các phương tiện phục vụ chiến đấu trên chiến trường trở nên thuận lợi và kịp thời hơn, góp phần đẩy nhanh thời gian vận chuyển cho các quân binh chủng cơ động tham gia chiến dịch.
Về mạng lưới thông tin liên lạc: cuối năm 1974, đường thông tin liên lạc hữu tuyến nối từ Bộ tổng tham mưu đã tới Bộ Chỉ huy Miền tại căn cứ Tà Thiết, đường dây thông tin trần nối từ Trung ương Cục nối đến Bộ Chỉ huy Miền. Từ đây kết nối đường dây với các chiến trường giúp thông suốt thông tin liên lạc, góp phần quan trọng vào thắng lợi trên các chiến trường.
3. Di tích căn cứ địa cách mạng, hậu cần trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay
Với vai trò là căn cứ địa cách mạng và căn cứ hậu cần chiến lược trong những năm cuối của kháng chiến chống Mỹ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ những di tích là nơi đứng chân và địa bàn hoạt động trong giai đoạn năm 1973 – 1975. Tỉnh Bình Phước đã quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích như: Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nhà Giao Tế), Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973-1975), Sân bay quân sự Lộc Ninh, Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96, Bồn xăng – Kho nhiên liệu VK98, Bồn xăng kho nhiên liệu VK99, Điểm cuối đường Hồ Chí Minh tại Chơn Thành, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp.
Ảnh: Di tích Bồn xăng VK98 (nguồn: Bảo tàng tỉnh Bình Phước)
Trong đó, di tích Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973 – 1975) ghi dấu địa điểm đứng chân, thực hiện vai trò chỉ huy, chỉ đạo công tác hậu cần Miền. Năm 2009 – 2010, các công trình di tích được xây dựng tại xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh do Tổng cục Hậu cần – Quân đội nhân dân Việt Nam và Ban Liên lạc truyền thống Quân y của Cục Hậu cần Miền làm chủ đầu tư, gồm: Nhà Bia tưởng niệm, trong đó có phòng trưng bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền và Nhà Bia tưởng niệm, Nhà Tưởng niệm Quân, dân y – Cục Hậu cần Miền. Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Bình Phước đã thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm đáp ứng nhu cầu dâng hương tưởng niệm của các cựu chiến binh và tìm hiểu lịch sử của khách tham quan, đồng thời thực hiện xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích. Ngày 10/3/2014, di tích Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973 – 1975) đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Như vậy, trong giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ (năm 1973 – 1975), Bình Phước đã trở thành trung tâm hậu cần, tập trung cơ quan chỉ huy, cung cấp nhân lực, vật lực của không chỉ của miền Đông Nam bộ mà của cả chiến trường B2. Cùng với các lực lượng kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà sứ mệnh lịch sử đã giao, góp phần quan trọng từng bước đi đến chiến dịch cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những đóng góp của Bình Phước trong kháng chiến chống Mỹ mãi mãi là niềm tự hào và là truyền thống lịch sử cần được trân trọng giữ gìn để giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống cách mạng của tỉnh nhà.
(Bài viết tham khảocác tài liệu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước; bài viết Vai trò của hệ thống đường giao liên – vận tải và hậu cần trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong kháng chiến chống Mỹ của tác giả Trương Tấn Thiệu đăng trong cuốn sách Đường Hồ Chí Minh từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ; các hồ sơ khoa học di tích hiện lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước).
Bài: Lâm Thị Hồng