Thông tư quy định nội dung và mức chi thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;
Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định nội dung và mức chi thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Thông tư này quy định nội dung và mức chi thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước.
b) Đối với các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản hỗ trợ có mục đích, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án thăm dò, khai quật khảo cổ thì thực hiện theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) hoặc theo quy định của cơ quan chủ quản sau khi có sự thỏa thuận của đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính (nếu có); trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính không có quy định riêng thì áp dụng theo quy định tại Thông tư này.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Nguồn ngân sách nhà nước:
Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
2. Nhà nước khuyến khích huy động nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác từ các đơn vị, tổ chức và cá nhân để thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ đảm bảo hợp pháp.
Điều 3. Nội dung chi
1. Chi điều tra khảo cổ, bao gồm: Chi thù lao cán bộ khoa học, kỹ thuật trực tiếp tham gia điều tra; thù lao chuyên gia tư vấn; thuê nhân công; mua sắm hoặc thuê trang thiết bị điều tra; thuê phương tiện đi lại, nơi ở của cán bộ khoa học, kỹ thuật và chuyên gia tư vấn.
2. Chi thăm dò khảo cổ, bao gồm: Chi thù lao cán bộ khoa học, kỹ thuật trực tiếp tham gia thăm dò; thù lao chuyên gia tư vấn; thuê nhân công đào thăm dò; mua sắm hoặc thuê trang thiết bị vật tư, dụng cụ, văn phòng phẩm; lán trại trên công trường; thuê phương tiện đi lại, nơi ở của cán bộ khoa học và chuyên gia tư vấn; các công việc vẽ kỹ thuật, dập hoa văn, chụp ảnh di tích, di vật; đền bù hoa màu khu vực đào thăm dò.
3. Chi khai quật khảo cổ, bao gồm: Chi thù lao cán bộ khoa học, kỹ thuật trực tiếp tham gia khai quật; thù lao chuyên gia tư vấn; thuê nhân công khai quật, bảo vệ hiện trường; mua sắm hoặc thuê trang thiết bị vật tư, dụng cụ, văn phòng phẩm phục vụ khai quật; thuê phương tiện đi lại, nơi ở của cán bộ khoa học trực tiếp tham gia khai quật và chuyên gia tư vấn; vẽ kỹ thuật, dập hoa văn, chụp ảnh di tích, di vật; đền bù hoa màu và giải phóng mặt bằng khu vực khai quật; mua hoặc thuê máy móc phục vụ khai quật; xử lý bảo quản tạm thời di tích, di vật.
4. Chi chỉnh lý, nghiên cứu di tích, di vật sau thăm dò và khai quật, bao gồm: Chi thù lao cán bộ khoa học, kỹ thuật trực tiếp tham gia chỉnh lý, nghiên cứu; thù lao chuyên gia tư vấn; thuê nhân công phục vụ chỉnh lý, bảo quản di vật; mua sắm hoặc thuê trang thiết bị, vật tư, văn phòng phẩm phục vụ chỉnh lý; thuê kho, bãi hoặc làm nhà kho tạm nhằm bảo quản di tích, di vật để chỉnh lý, nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học; thuê phân tích mẫu hiện vật; gắn chắp, phục dựng hiện vật; đo vẽ, chụp ảnh, lập hồ sơ khoa học cho các di vật; đóng gói và vận chuyển hiện vật về bảo tàng hoặc địa điểm lưu giữ hiện vật sau khi khai quật của từng địa phương.
5. Chi hội thảo phục vụ công tác thăm dò, khai quật khảo cổ; hội thảo báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ và kết quả nghiên cứu, chỉnh lý di tích, di vật.
6. Chi xây dựng hồ sơ khoa học về kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ, bao gồm: Chi viết báo cáo sơ bộ, báo cáo khoa học; tập hợp các kết quả nghiên cứu, tư liệu lịch sử; lựa chọn ảnh, bản vẽ, bản dập hoa văn phục vụ báo cáo; in ấn, nhân bản báo cáo.
7. Chi hoạt động bộ máy của đoàn khai quật hoặc của dự án thăm dò, khai quật khảo cổ bao gồm: Chi cho điện nước, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường, chi lương, phụ cấp cho bộ máy quản lý, chi khác (nếu có).
Điều 4. Mức chi
1. Chi thù lao cho cán bộ khoa học, kỹ thuật (là người của cơ quan có chức năng thực hiện dự án thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc được cử tham gia thường xuyên và trực tiếp vào dự án thăm dò, khai quật khảo cổ): mức chi 300.000 đồng/người/ngày. Số ngày làm căn cứ để thanh toán chi bồi dưỡng là số ngày thực tế trực tiếp làm việc tại hiện trường khai quật hoặc trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chỉnh lý hiện vật khảo cổ theo sự phân công và có sự xác nhận của thủ trưởng đơn vị hoặc chủ nhiệm đề tài/dự án trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài mức chi bồi dưỡng nêu trên, cán bộ khoa học, kỹ thuật vẫn được hưởng chế độ lương, các loại phụ cấp đang hiện hưởng, chế độ công tác phí theo quy định đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Chi thù lao đối với chuyên gia tư vấn khoa học cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ (là người ký hợp đồng tham gia tư vấn khoa học trong quá trình xây dựng và thực hiện dự án thăm dò, khai quật khảo cổ):
Chuyên gia tư vấn khoa học tham gia tư vấn dự án thăm dò, khai quật khảo cổ theo hình thức hợp đồng tư vấn. Mức chi cho chuyên gia tư vấn khoa học làm căn cứ để ký kết hợp đồng trọn gói cho những ngày tham gia tư vấn: mức chi 650.000 đồng/ngày/người; ngoài mức thù lao trên, chuyên gia tư vấn khoa học được thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác, tiền tàu, xe (nếu có) theo mức chi quy định về chế độ công tác phí áp dụng đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Chi hội thảo phục vụ công tác thăm dò, khai quật khảo cổ; hội thảo báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ và kết quả nghiên cứu, chỉnh lý di tích, di vật: Mức chi theo quy định hiện hành về công tác phí, chế độ chi hội nghị.
4. Mức chi thuê khoán nhân công phục vụ công tác điều tra, đào thăm dò, khai quật khảo cổ, phân loại chỉnh lý di vật; chi thuê khoán bảo vệ công trường và kho tạm 24/24h: Chi theo hợp đồng thoả thuận theo mức giá thuê khoán nhân công trên địa bàn; mức chi từ 250.000 đồng/ngày/người đến 350.000 đồng/ngày/người.
5. Mức chi viết báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ:
a) Mức chi viết báo cáo sơ bộ: tối đa không quá 4.000.000 đồng/báo cáo.
b) Mức chi viết báo cáo khoa học: tối đa không quá 12.000.000 đồng/báo cáo.
6. Mức chi cho công tác lập hồ sơ khoa học:
a) Chi dập hoa văn và văn bia: Tối đa không quá 100.000 đồng/bản (khổ A4), tối đa không quá 150.000 đồng/bản (khổ A3), tối đa không quá 250.000 đồng/bản (khổ A2), tối đa không quá 450.000 đồng/bản (khổ A0).
b) Chi chụp ảnh chụp di tích và di vật: Tối đa không quá 25.000 đồng/ảnh (bao gồm công chụp, chỉnh sửa và chi phí làm ảnh cỡ 9×12).
c) Phiếu đăng ký hiện vật (mô tả đặc trưng, niên đại, nguồn gốc và tính chất hiện vật): tối đa không quá 30.000 đồng/phiếu.
d) Mức chi đo vẽ di tích, di vật (mặt bằng tổng thể khu di tích, mặt bằng hiện trạng di tích, mặt cắt địa tầng, chi tiết các dấu vết kiến trúc…, hình dáng, hoa văn của các loại di vật…): Chi theo hợp đồng thoả thuận trên cơ sở ngày công lao động và mức chi bồi dưỡng đối với cán bộ quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.
7. Chi phục chế, phục dựng hiện vật khảo cổ: Được thực hiện theo hợp đồng trên cơ sở khối lượng công việc thực tế và trong phạm vi dự toán kinh phí đã được cấp có thẩm quyền giao.
8. Mức chi về mua sắm hoặc thuê trang thiết bị vật tư, dụng cụ, văn phòng phẩm phục vụ thăm dò, khai quật khảo cổ; thuê phương tiện đi lại; lán trại tại công trường phục vụ thăm dò, khai quật khảo cổ; in ấn, photo, nhân bản hồ sơ và báo cáo; thuê khoán lấp hố hoặc bảo tồn di tích sau khi thăm dò, khai quật được căn cứ định mức quy định hiện hành, giá thực tế của địa phương tại thời điểm thăm dò, khai quật và được thoả thuận trong hợp đồng kinh tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ mua sắm, quản lý sử dụng tài sản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước phục vụ cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ có trách nhiệm chấp hành đúng quy định hiện hành về mua sắm, quản lý sử dụng tài sản nhà nước; trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án xử lý tài sản sau khi kết thúc dự án.
9. Mức chi về công tác di dời các di tích, di vật hoặc lấp cát bảo tồn tại chỗ các di tích, di vật dưới lòng đất; thuê khoán kho, bãi bảo quản tạm thời di tích, di vật; thuê máy móc cần thiết phục vụ công tác thăm dò, khai quật khảo cổ được thực hiện theo hợp đồng căn cứ vào định mức quy định hiện hành, đơn giá do địa phương ban hành theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn Luật hoặc mức giá thực tế trên địa bàn và trong phạm vi dự toán được duyệt theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
10. Chi hoạt động bộ máy của đoàn khai quật hoặc của dự án thăm dò, khai quật khảo cổ: Theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở các định mức chi hiện hành.
11. Ngoài những nội dung chi trên, trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì công tác thăm dò, khai quật khảo cổ phối hợp với các cơ quan liên quan xác định nội dung và mức chi cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5. Công tác lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán
Công tác lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ được thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.
Các cơ quan, đơn vị có chức năng được giao nhiệm vụ thăm dò, khai quật khảo cổ có trách nhiệm xây dựng dự toán chi theo nội dung và định mức chi quy định tại Thông tư này, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Đối với kinh phí thực hiện các dự án thăm dò, khai quật khảo cổ mang tính thường xuyên được cân đối, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan, đơn vị; đối với các dự án thăm dò, khai quật khảo cổ có quy mô lớn, được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cơ quan, đơn vị chủ trì dự án thăm dò, khai quật xây dựng dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Kinh phí thực hiện các dự án thăm dò, khai quật khảo cổ được tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Căn cứ mức chi quy định tại Thông tư này và khả năng cân đối nguồn ngân sách của địa phương: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và đảm bảo theo quy định hiện hành.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 11 năm 2019. Thông tư liên tịch số 104/2007/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30 tháng 8 năm 2007 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn một số nội dung chi, mức chi cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước hết hiệu lực từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Trần Văn Hiếu