Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn hóa
QUYẾT ĐỊNH
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn hóa
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Cục Di sản văn hóa là tổ chức thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực di sản văn hóa theo quy định của pháp luật; được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phạm vi cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Cục Di sản văn hóa có con dấu riêng, có tài khoản tại Kho bạc nhà nước.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Bộ trưởng để trình cấp có thẩm quyền dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; tham gia dự thảo, đàm phán điều ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
2. Trình Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:
a) Đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam là Di sản thế giới;
b) Phương án xử lý đối với tài sản là di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
3. Trình Bộ trưởng quyết định:
a) Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về di sản văn hóa;
b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
c) Thỏa thuận quy hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội có liên quan đến di sản văn hóa;
d) Ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của các chức danh, định mức khoa học, kinh tế – kỹ thuật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
đ) Quản lý nhà nước nội dung hoạt động của các Hội, tổ chức phi Chính phủ về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật;
e) Khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
4. Về bảo tàng:
a) Trình Bộ trưởng để trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Trình Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia và cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.
c) Trình Bộ trưởng quyết định:
– Xếp hạng bảo tàng hạng I và thỏa thuận xếp hạng bảo tàng hạng II, III;
– Xác nhận điều kiện thành lập bảo tàng quốc gia và bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương;
– Giao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, thu giữ và giao nộp cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị;
– Phê duyệt hoặc thỏa thuận theo thẩm quyền dự án xây dựng và dự án, đề án hoạt động chuyên môn của bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương;
– Đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.
d) Cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương;
đ) Thẩm định dự án, đề án về nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật, trưng bày, hoạt động giáo dục bảo tàng và dự án, đề án chuyên môn thuộc các lĩnh vực hoạt động khác của bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng ngoài công lập theo quy định của pháp luật;
e) Theo dõi và kiểm tra việc thực hiện gửi, nhận gửi tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng công lập hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Về di tích:
a) Trình Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:
– Xếp hạng và điều chỉnh khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia đặc biệt;
– Phê duyệt chủ trương, nhiệm vụ và đồ án quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có quy mô đầu tư lớn.
b) Trình Bộ trưởng quyết định:
– Thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia;
– Thẩm định dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật;
– Xếp hạng và điều chỉnh khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia;
– Cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ;
– Hướng dẫn thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật.
c) Thẩm định hồ sơ thiết kế tu bổ di tích của các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
6. Về di sản văn hóa phi vật thể:
a) Trình Bộ trưởng quyết định:
– Công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
– Phê duyệt hoặc thỏa thuận dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
– Cấp phép cho người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam trong trường hợp địa bàn nghiên cứu, sưu tầm có phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
b) Phối hợp thẩm định hồ sơ xét tặng danh hiệu vinh dự cho cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
c) Phối hợp hướng dẫn hoạt động lễ hội truyền thống, tín ngưỡng gắn với di tích và nhân vật lịch sử;
d) Thẩm định dự án, đề án kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể và các đề án, dự án chuyên môn khác thuộc lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
7. Về thông tin – tư liệu:
a) Xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
b) Xây dựng và phát triển mạng thông tin ngành di sản văn hóa;
c) Xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
d) Lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực;
đ) Tổ chức xuất bản, phát hành Tạp chí Di sản văn hóa và một số ấn phẩm chuyên ngành về di sản văn hóa;
e) Tổ chức, quản lý và điều hành Trang thông tin điện tử của Cục Di sản văn hóa theo quy định của pháp luật;
g) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa;
h) Thu thập, lưu trữ, bảo quản hồ sơ tư liệu khoa học và pháp lý về di sản văn hóa.
8. Tổ chức thực hiện, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, biện pháp về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và các công ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia;
b) Kiểm tra, phối hợp thanh tra ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về di sản văn hóa theo thẩm quyền; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật;
c) Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
d) Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
đ) Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
e) Thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch của Bộ;
g) Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chính sách, chế độ đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cục; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Văn phòng.
b) Phòng Quản lý di tích.
c) Phòng Quản lý bảo tàng.
d) Phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể.
đ) Phòng Thông tin – Tư liệu.
3. Tổ chức sự nghiệp trực thuộc:
Tạp chí Di sản văn hóa.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Cục; có trách nhiệm quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các phòng và tổ chức trực thuộc; sắp xếp, bố trí công chức, viên chức theo cơ cấu chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ; xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3878/QĐ-BVHTTDL ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn hóa.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
BỘ TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Ngọc Thiện