Gìn giữ nét đẹp dệt thổ cẩm

BPO – Theo thời gian, nhiều nét văn hóa của các dân tộc thiểu số đang dần mai một vì không có lực lượng kế cận tiếp nối các nghề truyền thống. Song hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Riềng vẫn còn nhiều phụ nữ S’tiêng duy trì văn hóa truyền thống dệt thổ cẩm để gìn giữ, phát huy nghề.

Tại thôn Phú Thuận, xã Phú Riềng, hình ảnh phụ nữ ngồi trước hiên nhà với khung cửi dệt thổ cẩm đã không còn xa lạ với người dân nơi đây. Tận mắt chứng kiến khâu “thiết kế” hoa văn để tạo ra sản phẩm thổ cẩm mới cảm nhận được sự điêu luyện trong từng đường dệt, mũi chỉ. Để làm ra tấm thổ cẩm đẹp, những phụ nữ S’tiêng như bà Thị Nhoi (60 tuổi) ngoài niềm đam mê thì đó còn là sự khéo léo. Bà làm quen với khung dệt từ lúc 15 tuổi, được bà và mẹ truyền lại.

Bà Thị Nhoi cho biết: Dệt thổ cẩm tuy không vất vả, nặng nhọc nhưng cần nhiều thời gian, sự kiên trì, tỉ mỉ và đặc biệt là sự khéo léo, sáng tạo. Số phụ nữ biết dệt thổ cẩm hiện rất ít. Chị em chỉ dệt thổ cẩm vào lúc rảnh rỗi. Đây không phải là nghề thu nhập chính, chúng tôi dệt thổ cẩm nhằm giữ gìn truyền thống dân tộc, có người đặt hàng thì dệt để có thêm thu nhập. Dệt thổ cẩm chủ yếu phục vụ gia đình vào những ngày tết, lễ, cưới hỏi hay sự kiện quan trọng.

Nhiều phụ nữ S’tiêng trên địa bàn huyện Phú Riềng vẫn phát huy nét đẹp nghề truyền thống dệt thổ cẩm của dân tộc mình

Bằng đôi tay khéo léo, sự cần cù, sáng tạo, chị Thị Bình (42 tuổi) vẫn duy trì dệt nhiều sản phẩm thổ cẩm tinh xảo. Từ sợi chỉ nhỏ, chị dệt thành những tấm thổ cẩm với màu sắc, hoa văn đẹp, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống vừa mang tính hiện đại. Các sản phẩm chị Bình làm ra chủ yếu là quần, áo, váy, khăn, chăn, mền… với họa tiết, màu sắc rất phong phú và đa dạng. Chị Thị Bình cho biết: Nhiều năm qua, đồng bào S’tiêng không còn trồng bông để lấy sợi, không tìm được đủ các lá, vỏ cây rừng để nhuộm màu sắc cho thổ cẩm như ngày trước mà chuyển sang mua len, chỉ công nghiệp với nhiều màu sắc để thay thế. Nếu làm theo cách truyền thống thì tốn rất nhiều công sức và chi phí. Một sản phẩm làm ra với thời gian từ vài tuần, thậm chí vài tháng mới hoàn thiện. Sản phẩm làm ra giá thành cao nên chỉ có khách đặt hàng mới dệt.

Không chỉ ở xã Phú Riềng, nhiều thôn, ấp trên địa bàn huyện có đồng bào S’tiêng sinh sống, không ít phụ nữ vẫn âm thầm lưu giữ nghề dệt thổ cẩm. Hầu hết mọi người chung suy nghĩ, thổ cẩm là hơi thở, là thứ không thể thiếu trong căn nhà của người S’tiêng.

Chị Thị Lang (42 tuổi), thôn Phu Mang 1, xã Long Hà cũng sớm yêu thích và chưa từng có suy nghĩ sẽ bỏ đam mê khung cửi dệt thổ cẩm thế hệ trước để lại. Đối với chị, dệt thổ cẩm đã trở thành món ăn tinh thần để giải trí, thể hiện năng khiếu và đam mê khi rảnh rỗi. Chị Lang chia sẻ: “Ngày nay, hàng may sẵn cùng với các loại vải đa dạng về hình thức, mẫu mã đã lấn át các mặt hàng dệt thổ cẩm bằng tay truyền thống. Càng đam mê bao nhiêu, tôi càng lo nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình sẽ bị mai một. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở suy nghĩ tìm cách để bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống này. Các con, cháu có năng khiếu và yêu thích, tôi luôn sẵn sàng truyền dạy”.

Tại địa phương vẫn còn một số phụ nữ duy trì dệt thổ cẩm và cũng là hội viên phụ nữ xã. Chị em chủ yếu làm vì đam mê. Về phía hội, chúng tôi luôn khuyến khích chị em gìn giữ nét đẹp bản sắc truyền thống của dân tộc và truyền dạy lại cho con cháu để tránh bị mai một.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Riềng
Phạm Thị Thanh Thủy

Toàn huyện Phú Riềng hiện có khoảng 2.000 hộ dân tộc S’tiêng với gần 9.000 người. Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc S’tiêng là việc làm cần thiết, không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của người S’tiêng.

Theo: baobinhphuoc.com.vn

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan

Tin mới hơn

Tin cũ hơn