Nhân kỷ niệm 30 năm Chương trình Ký ức thế giới và 16 năm Việt Nam tham gia Chương trình Ký ức thế giới, sáng ngày 09/12/2022, Cục Di sản văn hóa – cơ quan đầu mối của Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Tọa đàm “Hành trình ghi danh di sản tư liệu ở Việt Nam – hiện tại và tương lai” và ra mắt cuốn sách “Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ở Việt Nam” của TS. Vũ Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tham dự toạ đàm “Hành trình ghi danh Di sản tư liệu ở Việt Nam – hiện tại và tương lai” có đại diện Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới Việt Nam, Cục Văn thư lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, các chuyên gia, các nhà ngoại giao, các nhà quản lý Di sản tư liệu, cùng các cơ quan thông tấn báo chí…
Tọa đàm “Hành trình ghi danh di sản tư liệu ở Việt Nam – hiện tại và tương lai”
Ảnh: Tuyết Chinh
Tại đây, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền – Chủ tịch Ủy ban quốc gia MOW Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã phát biểu: trong nhiều năm gần đây, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hướng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý Nhà nước về di sản tư liệu: xây dựng các quy định, TCVN thuật ngữ và định nghĩa, dự thảo Thông tư kiểm kê hay đề xuất các nội dung quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đồng thời, cho rằng, đây là vấn đề được các bộ, ban, ngành và địa phương trong cả nước quan tâm và ủng hộ, thể hiện qua các góp ý và thống nhất với chủ trương và định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu. Bên cạnh đó, việc tiếp cận, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về quản lý, quảng bá di sản cũng được Việt Nam quan tâm và đầu tư thông qua việc ban hành các Chương trình bảo tồn bền vững và số hóa di sản văn hóa Việt Nam của Chính phủ, đầu tư đào tạo các chuyên gia sâu về di sản tư liệu, tham gia các tập huấn, khoá học, hội nghị, hội thảo trong nước, khu vực và thế giới…
PGS.TS Lê Thị Thu Hiền phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tuyết Chinh
Phát biểu tại Tọa đàm, ThS. Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội cho biết, UNESCO đã thiết lập Chương trình Ký ức Thế giới vào năm 1992 nhằm bảo vệ Di sản tư liệu của thế giới thuộc về tất cả mọi người. Di sản tư liệu thế giới là những ký ức quý giá chung của nhân loại, cần được bảo tồn và bảo vệ đầy đủ. Di sản tư liệu bao gồm những ký ức giá trị mà con người đã tạo ra và ghi chép lại trên tất cả các loại vật liệu, từ đá, gỗ, giấy, vải, da, bản ghi âm, hình ảnh… “Việc bảo vệ và chia sẻ Di sản tư liệu đa dạng theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp cận và bảo vệ những thông tin, tri thức đa dạng mà con người đã tạo ra, để hiểu biết về quá khứ, sử dụng những tri thức đó để nhận diện đầy đủ hơn hiện tại, và có bề dày dữ liệu thông tin phục vụ cho việc dự báo tương lai”. ThS. Phạm Thị Thanh Hường cũng cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam đã có 09 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, gồm 03 Di sản tư liệu thế giới và 06 Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là bằng chứng cho sự tham gia tích cực của Việt Nam và cam kết mở rộng tiếp cận cho công chúng nói chung với các tư liệu độc bản có giá trị.
Trong khuôn khổ Chương trình, TS. Vũ Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã ra mắt cuốn sách “Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ở Việt Nam”. Đây là những cống hiến, tâm huyết của Tiến sỹ trong quá trình hình thành và phát triển Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam.
Tác giả Vũ Thị Minh Hương giao lưu với bạn đọc. Ảnh: Tuyết Chinh
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng để các cơ quan, địa phương và các cá nhân hiểu biết thêm về Chương trình Ký ức Thế giới, đặc biệt là đối với những người đã và đang quan tâm đến Di sản tư liệu.
Sự kiện lần này là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu Việt Nam ở hiện tại và hướng phát triển trong tương lai; thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp và cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản tư liệu cũng như hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Việt Nam tới đông đảo cộng đồng trong nước và quốc tế./.
Theo: Cục Di sản văn hóa