Đam mê tiếng vọng đại ngàn
Cồng, chiêng là vật dụng tâm linh, là bộ gõ không thể thiếu trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam nói chung và cộng đồng người S’tiêng, M’nông hay Êđê… nói riêng. Cồng, chiêng không thể thiếu trong các lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, trong những đám hỏi, lễ hội… Cùng với thời gian, khi xã hội ngày một phát triển, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận lối sống hiện đại, không ít người đã nhận ra rằng, trong cuộc sống của họ đang dần vắng tiếng cồng, chiêng, âm vang của núi rừng, của một thời đi mở đất mà cha ông họ đã nâng niu, gìn giữ.
Ông Đậu Đình Hảo cùng già làng, người có uy tín của địa phương bên bộ sưu tập cồng, chiêng của ông
Nhiều năm sống, gắn bó với cộng đồng người S’tiêng, M’nông ở xã Bù Gia Mập, ông Đậu Đình Hảo ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập hiểu giá trị của những bộ cồng, chiêng, chum, ché. Được cha mẹ nuôi dưỡng tình yêu với những cổ vật từ nhỏ, ông Hảo quyết tâm sưu tầm các cổ vật thấm trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng người dân tộc thiểu số nơi ông sinh sống… Ông Điểu Phư, người có uy tín của thôn Bù Dốt từng được nhiều lần gõ những bộ cồng chiêng 4 món do ông Hảo sưu tầm, cho biết: “Ông Hảo đã giúp con cháu đồng bào dân tộc S’tiêng, M’nông ở đây biết được cha ông mình đã có những bộ cồng chiêng như thế. Nếu không nhờ những người như ông Hảo bỏ công sưu tầm, cất giữ, thế hệ trẻ sẽ không thể biết trước đây cha ông mình có đời sống văn hóa tinh thần như thế nào. Việc làm của ông Hảo thật đáng quý”.
Hơn 10 năm trước, ông Hảo đã bắt đầu nuôi ý tưởng sưu tầm những bộ cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, M’nông, S’tiêng. Từng ngày, từng tháng, từ những lần kết nối và chịu khó tìm tòi ở các ấp, sóc vùng sâu, xa trong và ngoài tỉnh, đến nay ông Hảo đã sưu tầm được 10 bộ cồng, chiêng của các dân tộc. Riêng của người M’nông, S’tiêng, ông Hảo đã sưu tầm được 5 bộ, gồm 1 bộ chiêng đại và 3 bộ cồng trung, 2 bộ đồng la. Ngoài cồng, chiêng, ông còn sưu tầm thêm tô, ché, bung, mâm cỗ… của các dân tộc khác. Trong những bộ chiêng đã sưu tầm, ông Hảo nâng niu, trân quý nhất bộ chiêng nạm vàng. Vì với ông, tiếng vang của bộ chiêng này thanh, trong và ngân hơn so với các bộ chiêng khác.
Hơn lúc nào hết những người làm công tác văn hóa các cấp sớm kết nối với ông Đậu Đình Hảo để có những chỉ dẫn cần thiết về chuyên môn. Qua đó giúp ông Hảo làm tốt hơn việc sưu tầm, đồng thời kết nối cộng đồng, kéo dài mãi sự ngân vang của tiếng cồng, chiêng.
TG: Phạm Quang
Theo Báo Bình Phước