Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp vào khung kiến trúc chính phủ điện tử và hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.
Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu 100% di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Trong ảnh: Triển lãm ảnh tại Trung tâm Văn hóa tỉnh năm 2020 – Ảnh: Minh Luận
Cụ thể giai đoạn 2021-2030: 100% di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% di tích quốc gia đặc biệt, các bảo vật quốc gia, các di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Để đạt các mục tiêu nêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của chương trình là hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật. Đồng thời, xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ; xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa; quản lý, vận hành và khai thác kho cơ sở dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa; tích hợp cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa theo tiêu chuẩn tuân thủ khung kiến trúc chính phủ điện tử do cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ban hành… Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới chương trình, hình thức và đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo lại; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác di sản văn hóa.