Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm giải phóng Lộc Ninh (07/4/1972-07/4/2022)

ĐỀ CƯƠNG

Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm giải phóng Lộc Ninh

(07/4/1972-07/4/2022)

Khái quát về lịch sử hình thành, truyền thống văn hóa và tiềm năng phát triển của huyện Lộc Ninh

  1. Lịch sử hình thành

Từ 2.500 cho đến 3.000 năm trước (tương ứng thời các vua Hùng dựng nước), trên vùng đất Lộc Ninh đã có con người cư trú. Đó là vài nhóm thuộc người Indonésien cổ nói tiếng Môn-Khmer, tổ tiên của người S’tiêng, Mạ, M’nông, Khmer hiện nay.

Đến đầu thế kỷ XIX, Lộc Ninh chỉ có cư dân của các nhóm địa phương khác nhau thuộc các bộ tộc S’tiêng, Mạ, M’nông, Khmer… cư trú rải rác. Từ năm 1808, triều Nguyễn bắt đầu cho thiết lập cơ cấu hành chính và hệ thống đồn ải để quản lý dân cư và lãnh thổ. Những năm 20, 30 của thế kỷ XIX, người Việt, trước tiên là binh lính đồn trú và gia đình họ, bắt đầu có mặt ở Lộc Ninh. Lúc bấy giờ, vùng Lộc Ninh thuộc huyện Phước Long, trấn Biên Hòa (sau đổi thành tỉnh Biên Hòa).

Tháng 12/1861, sau khi chiếm tỉnh thành Biên Hòa, thực dân Pháp đưa quân tiến chiếm Lộc Ninh. Đến năm 1889, Lộc Ninh trở thành một tổng của Phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa và đến năm 1893 Lộc Ninh là một tổng của quận Cần Lê.

Năm 1912, tỉnh Thủ Dầu Một được hình thành từ một phần tỉnh Biên Hòa và một phần của tỉnh Gia Định. Lộc Ninh là một trong 12 tổng của Thủ Dầu Một. Sau đó thực dân Pháp giao bộ máy hành chính địa phương cho bọn chủ đồn điền quản lý. Đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ. Từ năm 1927, Lộc Ninh trở thành một xã của quận Bù Đốp, tỉnh Thủ Dầu Một, gồm 11 làng và một số phum sóc đồng bào dân tộc. Cơ cấu hành chính này giữ nguyên cho đến năm 1954.

Tháng 10/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm tách một số quận phía bắc của hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa để thành lập hai tỉnh mới: Bình Long và Phước Long. Từ tháng 10/1957, theo cơ cấu hành chính của địch, Lộc Ninh là một đơn vị hành chính cấp quận, thuộc tỉnh Bình Long.

Tháng 4/1972 Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng. Trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến cuối năm 1975, theo hệ thống tổ chức của ta, hai tỉnh Bình Long và Phước Long được hợp nhất thành tỉnh Bình Phước (sau đó tỉnh Bình Phước lại hợp nhất với tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Bình Thủ). Lộc Ninh là một huyện thuộc tỉnh Bình Phước (sau đó là Bình Thủ).

Tháng 10/1976 theo quyết định của Quốc hội khóa IV nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tỉnh Sông Bé được thành lập trên cơ sở các tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước trước đây, bao gồm 9 huyện, thị. Ba huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành hợp nhất thành huyện Bình Long, thuộc tỉnh Sông Bé. Đến tháng 3/1978, Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyết định tách huyện Lộc Ninh ra khỏi huyện Bình Long và Bù Đốp ra khỏi huyện Phước Long để thành lập huyện Lộc Ninh mới.

Thực hiện Nghị định 17/NĐ-CP ngày 20/02/2003 của Chính phủ về việc thành lập huyện Bù Đốp, từ ngày 01/5/2003 huyện Lộc Ninh được chia tách ra thành hai huyện Lộc Ninh và Bù Đốp.

  1. Lộc Ninh mảnh đất giàu truyền thống văn hóa

Qua các di chỉ khảo cổ học được tìm thấy ở các xã Lộc Khánh, Lộc Thắng có thể khẳng định rằng từ thời các Vua Hùng dựng nước, tương ứng với thời kỳ phát triển của nền văn hóa Đông Sơn (2.500-3.000 năm trước) Lộc Ninh đã có con người cư trú. Đó là một vài nhóm thuộc người Indonésien cổ nói tiếng Môn – Khrme, tổ tiên của người S’tiêng, Mạ, M’nông, Khmer hiện nay.

Nhân dân Lộc Ninh có truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong lao động sản xuất và chiến đấu. Quân và dân Lộc Ninh đã viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng trong những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Các cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh người dân tộc S’tiêng như: Điểu Dố, R’Đing… với vũ khí thô sơ (chủ yếu là cung tên, giáo mác, cây rừng vót nhọn) nhưng đã thể hiện tinh thần và lòng quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược bảo vệ nền độc lập dân tộc. Lộc Ninh là nơi tập kết sức người, sức của, tạo bàn đạp cho mọi chiến thắng mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Huyện Lộc Ninh có nhiều di tích lịch sử gắn với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như:

* Di tích lịch sử nhà giao tế (trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam): Là nơi hội họp của Ban Liên hợp quân sự bốn bên và đoàn Ủy ban kiểm tra kiểm soát và giám sát đình chiến theo tinh thần Hiệp định Paris.

* Sân bay quân sự Lộc Ninh: Đây là nơi diễn ra việc thực hiện trao trả tù binh giữa ta và địch theo tinh thần Hiệp định Paris, dưới sự kiểm tra và giám sát của ủy ban quốc tế.

* Căn cứ quân ủy Bộ tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (Tà Thiết); trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, nơi đây trở thành trung tâm chính trị quan trọng, căn cứ nơi đón tiếp các đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục để bàn xây dựng lực lượng vũ trang, các phương án tác chiến, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, nơi thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo làm nên Chiến thắng mùa Xuân năm 1975.

* Kho xăng dầu VK99 (Lộc Hòa) và Kho xăng dầu VK98 (Lộc Quang): Bồn được cấu tạo bằng những tấm sắt 1.2 m x 2.4m nối liền nhau bằng những mối hàn kỹ thuật của những người lính công binh, có sức chứa lớn được chôn âm dưới mặt đất. Các bồn được phủ một lớp đất dày để ngụy trang, xung quanh bố trí các bãi chông, lính canh giữ và tuyệt đối bí mật. Hiện nay các bồn xăng đã được tháo dỡ đi và chỉ còn duy nhất 1 bồn nằm âm thầm dưới lòng đất thuộc di tích kho xăng VK 98, làm vật chứng cho một giai đoạn lịch sử anh hùng.

Ngoài ra huyện Lộc Ninh còn có các di tích như: Quần thể kiến trúc Pháp ở Lộc Tấn, Làng Công tra (ấp 10 xã Lộc Thiện), nhà máy cơ khí chế biến mủ cao su Lộc Ninh…

  1. Lộc Ninh – mảnh đất giàu tiềm năng

Lộc Ninh là một huyện biên giới Tây Nam của tổ quốc tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Là vùng rừng núi nhưng Lộc Ninh lại được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nước. Huyện Lộc Ninh được bao bọc bởi ba con sông lớn: Sông Măng, Sông Bé, Sông Sài Gòn và hơn 20 con suối lớn nhỏ tỏa đều trong toàn huyện. Lộc Ninh còn có nhiều hồ, đáng kể nhất là hồ Cầu Trắng rộng đến vài chục héc ta. Nguồn nước phong phú, thời tiết của vùng nhiệt đới đã làm tăng thêm độ phì nhiêu của đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng các loại cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như: cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn trái…

Lộc Ninh cũng là địa phương có hệ thống giao thông thuận lợi, quốc lộ 13 nối liền TPHCM đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư qua Campuchia, Lào và Thái Lan. Nhiều con đường ở Lộc Ninh ngày nay từng là những nhánh trong hệ thống đầu mối giao liên, vận tải của con đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Điều kiện tự nhiên, sông suối, thổ nhưỡng, khí hậu và hệ thống giao thông thuận lợi đã tạo nên tầm quan trọng về mặt chiến lược của địa bàn Lộc Ninh trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay.

Đây là những điều kiện thuận lợi cơ bản được huyện Lộc Ninh tập trung khai thác để phát triển kinh tế xã hội xây dựng Lộc Ninh ngày càng giàu đẹp.

  1. Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh
  2. Diễn biến của chiến dịch:

Sau thất bại mùa khô năm 1971, quân ngụy buộc phải rời bỏ phòng tuyến ngoại biên, xây dựng Lộc Ninh thành trọng điểm của phòng tuyến vòng ngoài Sài Gòn. Ở Lộc Ninh lực lượng địch gồm 1 chiến đoàn bộ binh, 1 thiết đoàn kỵ binh, 1 Trung đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn biệt động quân biên phòng, 1 tiểu đoàn pháo binh, 6 đại đội biệt kích, cùng hàng trăm tên cảnh sát vũ trang. Căn cứ Chiến đoàn 9 quân ngụy ở ngay thị trấn, căn cứ trung đoàn thiết giáp ở Lộc Hoà và căn cứ An Pha (Hoa Lư) là những yếu khu quan trọng của địch ở Lộc Ninh. Tại 3 căn cứ này địch có 3 trận địa pháo, gồm 20 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, chưa kể hàng trăm khẩu cối 80, 60 và 106, 107 ly đặt ở khắp nơi. Ở tuyến lộ 13 và lộ 14 thường xuyên có 40 xe tăng M41 và xe thiết giáp hoạt động.

Khi củng cố các cứ điểm ở Lộc Ninh, địch tăng cường càn quét vào sâu trong vùng căn cứ, dùng cả bom B52, bom tấn, bom hẹn giờ đánh phá thường xuyên vào các khu rừng dọc biên giới, kể cả vùng rừng cao su. Cường độ chiến sự ở Lộc Ninh lại được địch đẩy lên cao, rất ác liệt. Hoạt động của bộ đội địa phương và du kích xã ấp lại gặp phải những khó khăn. Trên trục lộ 13 và 14 đầy các cụm cứ điểm và đóng quân dã ngoại của địch. Trung bình vài km lại có 1 cụm đóng quân. Xung quanh các yếu khu, các căn cứ lớn như: Lộc Ninh, An Pha, Lộc Hoà địch bố trí các cụm đóng quân dã ngoại của lực lượng biệt kích, bảo an và địa phương quân, với bán kính từ 8 đến 10 km… Đại đội trinh sát số 9 của quân ngụy thường xuyên lùng sục vùng biên giới từ Lộc Ninh – Bù Đốp đến giáp vùng rừng núi Tây Ninh.

Trong lúc địch ráo riết xây dựng hệ thống phòng thủ ở Lộc Ninh cũng là lúc Bộ chỉ huy miền quyết định chọn Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành là hướng chủ yếu cho chiến dịch “Nguyễn Huệ”. Để phối hợp với Trị Thiên, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, Bộ chỉ huy miền lần đầu tiên sử dụng lực lượng tương đương quân đoàn để mở chiến dịch “Nguyễn Huệ”. Tháng 3/1972, Bộ chỉ huy chiến dịch đã về Tà Thiết (Lộc Thành) để chỉ đạo tác chiến.

Đầu tháng 3/1972 hành lang chiến lược Bắc Nam đã tới Tây Bắc Lộc Ninh. Con đường bí mật cắt rừng để đưa xe tăng từ Đông Bắc Campuchia về Lộc Ninh đã hoàn tất; lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến dịch đã bí mật tập kết vào vùng giải phóng Lộc Ninh. Đảng bộ và Nhân dân Lộc Ninh chuẩn bị các điều kiện chờ ngày nổ súng, giải phóng quê hương.

Ngày 31/3/1972 ở hướng nghi binh quân ta đánh địch trên quốc lộ 22 Xa Mát, Thiện Ngôn tạo thuận lợi cho trận then chốt ở Lộc Ninh. Trước ngày chiến dịch bùng nổ, ngày 02/4/1972, ta đã phục đánh đoàn xe cơ giới địch ở Lộc Tấn diệt gần 100 xe và nhiều binh lính địch. Chiều ngày mùng 05/4/1972, lúc 15 giờ 30 phút, pháo binh quân giải phóng dội bão lửa vào các căn cứ quân địch ở Lộc Ninh, Hoa Lư, Lộc Tấn. Đêm 05/4/1972 bộ binh của ta tiến đánh chi khu quân sự, Bộ chỉ huy Chiến đoàn 9, trại biệt kích ở thị trấn Lộc Ninh.

Phối hợp với bộ đội chủ lực, từ đêm 05 và ngày mùng 06/4/1972, bộ đội địa phương huyện và du kích đã tiêu diệt bọn lính bảo an, dân vệ ở các đồn Lộc Tấn, Làng 2, Lộc Thắng, Hoa Lư, Lộc Bình và vây chặn địch ở đồn Ngo Lơ. Tại đồn Ngo Lơ, do vướng phải mìn địch, 10 cán bộ chiến sĩ của đại đội 31 đã bị thương vong. Đại đội phó Lâm Xum bị thương vẫn dũng cảm chiến đấu để bảo vệ thương binh, sau đó anh tự sát để khỏi rơi vào tay địch. Đại đội phó Thành cũng hy sinh anh dũng. Điểu Suôn thực hiện đầy đủ lời dặn của đại đội phó Lâm Xum trước lúc hy sinh, vừa cất dấu tử sĩ, bảo vệ thương binh, tìm cách báo cho đơn vị ứng cứu. Đại đội 31 một lần nữa phải tổn thất lớn nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào giải phóng quê hương.

Trong chiến dịch lịch sử giải phóng Lộc Ninh, hơn 11 ngàn công nhân cao su và hàng ngàn đồng bào dân tộc S’tiêng, Khmer đã nổi dậy, phá kìm. Chỉ trong 2 đêm 05 và 06 tháng 4/1972, quần chúng cùng các anh em binh sĩ, “Phòng vệ dân sự” dưới sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên, du kích mật đã nổi dậy làm chủ hoàn toàn các làng xã. Bọn ngoan cố, kể cả ấp trưởng, bảo an, dân vệ, cảnh sát đều phải bỏ chạy lẩn trốn. Nhiều tên lẩn trốn trong dân đã bị bắt ngay sau đó. Tên cố vấn Mỹ Smít cũng cởi bỏ sắc phục trà trộn trong dân, nhưng đã bị bắt ở Khánh Hưng. Hàng ngàn lính ngụy ở Lộc Ninh đã đầu hàng quân giải phóng.

Ngày 07/4/1972 trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, địch đã giở thủ đoạn đê tiện lùa dân ra đường để cản đường tiến quân của xe tăng và bộ đội ta. Không để mất thời cơ, bộ binh ta vượt lên trước xe tăng dọn đường và tiêu diệt những tên ác ôn đang lùa dân vào mũi xe tăng. Địch hoảng hốt bỏ chạy, hàng ngàn đồng bào được cứu thoát, bộ đội, xe tăng truy kích địch tận hang ổ cuối cùng. Các cụm đóng quân của địch ở căn cứ Alpha, Lộc Hoà đã bị quân chủ lực của ta tiêu diệt. Ngày 07/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng. Một thời kỳ mới đã bắt đầu, thời kỳ Lộc Ninh là “Thủ phủ của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”, hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam Bộ, căn cứ địa của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất tổ quốc.

  1. Nguyên nhân và ý nghĩa lịch sử:
  2. Nguyên nhân thắng lợi:

Có được thắng lợi 7/4 chính là nhờ đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta sớm đến với Lộc Ninh từ thời kỳ tiền khởi nghĩa do Đảng viên đầu tiên – đồng chí Lê Đức Anh lãnh đạo lần lượt từ chi bộ đến Đảng bộ sau này. Các nghị quyết của Đảng ở từng giai đoạn cách mạng đã được vận dụng đúng đắn và sáng tạo vào từng điều kiện cụ thể ở địa phương, từ đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, khơi dậy được truyền thống cách mạng, huy động được sức lực và trí tuệ để làm nên chiến thắng.

Đó là thắng lợi của truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, ngoan cường, thắng lợi của tinh thần quả cảm và sự mưu trí, sáng tạo. Là thắng lợi của sự đoàn kết keo sơn gắn bó giữa các lực lượng vũ trang với nhân dân các dân tộc, các tôn giáo trong quá trình chiến đấu, lao động và trưởng thành.

Do có sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, của tinh thần chiến đấu dũng cảm của sư đoàn 5, sư đoàn 7, sư đoàn 9 và nhiều đơn vị chủ lực khác và có được sự hỗ trợ của mọi ngành, mọi lực lượng trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện cho Đảng bộ và nhân dân ta giành thắng lợi.

  1. Ý nghĩa:

Chiến thắng lịch sử 07/4/1972 đánh dấu một quá trình đấu tranh cực kỳ gian khổ hy sinh của nhân dân ta đã phá tan bức tường thép kiên cố ở vùng biên giới, bảo vệ cửa ngõ Sài gòn, sào huyệt cuối cùng của Mỹ ngụy, tạo điều kiện để chính phủ cách mạng lâm thời xây dựng vùng căn cứ nối liền hậu phương lớn XHCN với tiền tuyến lớn làm nơi đứng chân của Bộ Chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh và các binh đoàn chủ lực xuất kích tấn công vào Sài gòn, giải phóng Miền Nam, nơi địch đã thất bại thảm hại cũng chính là nơi địch phải trao trả những chiến sĩ cách mạng đã chiến thắng từ ngục tù Côn Đảo, Chí Hòa, Phú Quốc trở về.

Chiến thắng 07/4/1972, giải phóng Lộc Ninh, một huyện đầu tiên ở miền Nam là bước ngoặt chiến lược cách mạng ở vùng biên giới, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng đoàn thể quần chúng, góp phần làm suy yếu thế và lực của địch, cổ vũ thêm sức mạnh quân dân toàn miền, đưa đến giải phóng hoàn toàn miền Nam sau này. Chiến thắng đó được ghi vào lịch sử hiện đại của dân tộc tô thắm truyền thống đấu tranh bất khuất – kiên cường, dũng cảm và lao động, sáng tạo của nhân dân huyện nhà.

Chiến thắng 07/4/1972 của đảng bộ và quân, dân huyện ta đã góp phần xứng đáng cùng toàn đảng, toàn dân, toàn quân cả nước giải phóng miền Nam, hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, đưa cả nước lên xã hội chủ nghĩa.

III. Những thành tựu đạt được trong 50 năm xây dựng và bảo vệ quê hương Lộc Ninh (1972-2022)

Sau ngày giải phóng, do hậu quả của chiến tranh để lại, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn các hoạt động phá hoại về quân sự về chiến tranh tâm lý của địch thường xuyên diễn ra có lúc vô cùng ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, Nhân dân huyện Lộc Ninh luôn kiên trì, dũng cảm đánh thắng địch cả trên không và dưới đất, giữ vững an ninh chính trị và xã hội, từng bước ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng miền Nam.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo yêu cầu nhiệm vụ tháng 3 năm 1978 tách ra khỏi huyện Bình Long, cùng huyện Bù Đốp thành huyện Lộc Ninh (vào năm 2003 huyện Bù Đốp tách khỏi huyện Lộc Ninh). Bắt tay xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra quyết liệt. Nhân dân huyện Lộc Ninh lại một lần nữa cầm vũ khí chống giặc với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do” với truyền thống đánh giặc ngoại xâm sẵn có Nhân dân Lộc Ninh lại góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược do bọn phản động pôn – pốt đồng thời xây dựng được 1 tiểu đoàn làm nghĩa vụ quốc tế. Thắng lợi đó đã làm cho sức mạnh của Đảng bộ và Nhân dân Lộc Ninh được tăng cường.

Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Đảng bộ, Nhân dân huyện Lộc Ninh còn gặp rất nhiều khó khăn. Là một địa bàn phức tạp về địa hình, cơ sở hạ tầng hết sức yếu kém, sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá. Các cơ sở sản xuất bị tê liệt, lại xa trung tâm kinh tế văn hoá của tỉnh, trình độ dân trí thấp. Với thực trạng ấy Lộc Ninh cùng với cả nước bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH trước những thử thách to lớn. Nhưng với tinh thần làm chủ cao độ, phát huy bản chất cần cù chịu khó, cần kiệm để xây dựng cơ sở vật chất. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Lộc Ninh đã cùng nhau chung sức hàn gắn vết thương chiến tranh. Các nông lâm trường, xí nghiệp được xây dựng, các cơ sở kinh tế được hồi phục và phát triển. Đời sống nhân dân từng bước được ổn định. Lĩnh vực an ninh quốc phòng đã thu được nhiều thành tích, đảm bảo sự ổn định chính trị trên địa bàn, phát hiện và xử lý được nhiều vụ án chính trị, kinh tế và phạm pháp hình sự, từng bước xoá bỏ các tàn dư văn hoá thực dân, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, duy trì và củng cố nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng được mạng lưới an ninh nhân dân rộng khắp và hoạt động có hiệu quả. Lực lượng bộ đội địa phương được tăng cường và nâng cao chất lượng theo hướng chính quy hiện đại, các xã, thị trấn đều đã xây dựng được lực lượng dân quân thường trực, sử dụng tốt lực lượng dự bị động viên.

Quán triệt 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc XHCN, trong các nghị quyết của Đảng bộ và quá trình điều hành của các cấp chính quyền đều rất quan tâm, chú trọng việc kết hợp phát triển kinh tế – xã hội và công tác quốc phòng an ninh, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đất nước trong những năm qua dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Lộc Ninh. Đến tháng 05/2003, thực hiện Nghị định 17-NĐ/CP chia tách thành lập huyện Bù Đốp, huyện Lộc Ninh từ một huyện có 18 xã, thị trấn, chỉ còn 13 xã, thị trấn. Sau 02 lần chia tách, thành lập các xã mới (vào năm 2005 và 2008) huyện Lộc Ninh hiện nay có 16 xã, thị trấn…

Năm 2021, huyện Lộc Ninh đã đạt được những kết quả trên các lĩnh vực cụ thể như sau:

* Về phát triển kinh tế

 Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch Covid-19, giá các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện lại ở mức thấp ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của Nhân dân nhưng với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy đảng, sự nỗ lực của chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và Nhân dân huyện nhà chúng ta đã hoàn thành “nhiệm vụ kép” đó là vừa phòng, chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra… kinh tế của huyện vẫn tiếp tục có chiều hướng phát triển. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện năm 2021 đạt 526 tỷ 926 triệu đồng, đạt 111% dự toán điều chỉnh HĐND huyện giao và đạt 124% dự toán tỉnh giao. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 1.224 tỷ 834 triệu đồng, đạt 104% so với dự toán HĐND huyện giao và đạt 123% so với dự toán tỉnh giao. Tổng chi ngân sách huyện thực hiện là 1.131 tỷ 297 triệu đồng, đạt 96% dự toán HĐND huyện giao và đạt 126% dự toán tỉnh giao. Cơ cấu kinh tế giữa các ngành tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, cụ thể như sau: Nhóm ngành Nông Lâm nghiệp – thủy sản chiếm tỷ trọng 61,00% (KH 61%); Nhóm ngành Công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 20,50% (KH 19,50%); Nhóm ngành Thương mại – Dịch vụ chiếm tỷ trọng 18,50% (KH 19,5%)..

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên tập trung vấn đề phát triển về cơ sở hạ tầng nên kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc tiếp tục ổn định và phát triển bền vững. Các công trình phục vụ sản xuất và xã hội như: Giao thông, hệ thống điện, trường học, Trạm Y tế,… tạo ra những thay đổi sâu sắc cả về sản xuất và đời sống tinh thần. Đồng bào dân tộc đã được hưởng thụ những thành quả của sự tiến bộ xã hội, nhiều hộ từ nghèo đói đã thoát nghèo vươn lên khá. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống nhân dân, theo kết quả điều tra, toàn huyện giảm được 385 hộ nghèo, vượt kế hoạch tỉnh giao (tỉnh giáo 240 hộ), đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 65 hộ, chiếm 0,20% trên tổng dân số toàn huyện, trong đó hộ ĐBDT còn 31 hộ, chiếm 47,69%. Triển khai chương trình vận động, hỗ trợ di dời chuồng, trại, điểm buộc gia súc gây ô nhiễm trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện; qua rà soát, tổng số chuồng trại, điểm buộc gia súc cần di dời là 859 điểm, tính đến ngày 20/11/2021 đã tổ chức vận động di dời và xây dựng mới 157 chuồng, đạt tỷ lệ 18,3%…khởi công xây dựng 107/107 căn nhà Đại đoàn kết theo chỉ tiêu tỉnh giao, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 85 căn, sửa chữa 21 căn, trị giá 630 triệu đồng

* Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên cả về điều kiện sinh hoạt và mức hưởng thụ

Các hoạt động văn hoá – văn nghệ, TDTT trong các tổ chức và trong nhân dân được phát huy góp phần xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh; cơ sở hạ tầng bưu chính – viễn thông tiếp tục được đầu tư nâng cấp, phủ sóng khắp các địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận thông tin KHKT. Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện hoạt động thường xuyên đáp ứng nhu cầu nghe, nhìn của nhân dân. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng  giáo dục. Tỉ lệ học sinh lên lớp đạt cao, đội ngũ giáo viên được tăng cường về số lượng và chất lượng. Công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả khá, số trường chuẩn quốc gia của huyện là 10/46 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 21,3%. Các xã, thị trấn đã thành lập hội khuyến học và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương sáng trong nhà trường”.

Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được nhiều thành tích đáng kể. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được quan tâm; toàn ngành y tế tích cực triển khai phương án, biện pháp giám sát, điều trị tích cực và chủ động trong công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác khám, chữa bệnh có sự chuyển biến tích cực. Công tác phòng, chống các bệnh dịch theo mùa, bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt. Đạt tỷ lệ 5,8 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt kế hoạch đề ra. Công tác thanh tra, kiểm tra quản lý hành nghề y dược tư nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường nên đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân. Đội ngũ y, bác sỹ tiếp tục được nâng cao cả về phẩm chất và năng lực chuyên môn.

* Xây dựng hệ thống chính trị

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường, củng cố, kiện toàn vững mạnh đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện luôn ổn định, các tầng lớp nhân dân an tâm sản xuất kinh doanh, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện lần thứ XI, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh ủy, Huyện ủy bằng nhiều hình thức phù hợp. Tổ chức thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Tập trung định hướng tuyên truyền chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng, kịp thời Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội; tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc bằng nhiều hình thức; tổ chức thành công hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi cấp huyện, tham gia hội thi cấp tỉnh năm 2021.

Công tác tổ chức, cán bộ luôn được kiện toàn, vai trò lãnh đạo của cấp uỷ cơ sở đảng nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy từ huyện đến cơ sở ngày càng được nâng cao. Trong năm 2021, kết nạp mới được 99 đảng viên, đạt 104% chỉ tiêu tỉnh giao (KH giao 95). Hiện nay, Đảng bộ có 51 tổ chức cơ sở đảng với tổng số đảng viên trong toàn huyện là hơn 3.000 đảng viên. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ từ huyện đến cơ sở được đẩy mạnh, trình độ của cán bộ, đảng viên ngày một nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác kiểm tra thường xuyên được quan tâm, giúp cho cấp uỷ cơ sở đánh giá đúng việc thực hiện Nghị quyết và nhiệm vụ của từng đảng viên, kịp thời uốn nắn những thiếu sót, sai trái trong công tác.

* Công tác xây dựng chính quyền

Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đảm bảo số lượng, cơ cấu, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100%. HĐND huyện đã tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021; chương trình, nội dung các kỳ họp HĐND huyện đã có nhiều đổi mới, hiệu quả, chất lượng được nâng cao; công tác thẩm tra, thẩm định nội dung trình kỳ họp của các ban HĐND huyện được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, qua đó nghị quyết khi ban hành bảo đảm khả thi, sát thực tế.

UBND huyện đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện uỷ, linh hoạt, đổi mới trong lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đổi mới phương thức làm việc, lãnh đạo, điều hành thích ứng với điều kiện mới; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp huyện theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo theo kết luận của Tỉnh ủy. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được quan tâm, chú trọng đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích.

* Về phòng, chống dịch Covid -19

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ. Với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa khắc phục, điều chỉnh phương án, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả, thích ứng nhanh với diễn biến dịch bệnh gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng – an ninh. Bám sát Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành kế hoạch để lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ” . Duy trì hoạt động 34 chốt kiểm soát dọc tuyến biên giới; kiên trì thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm từ bên ngoài và trong cộng đồng, đồng thời bảo đảm hoạt động vận chuyển hàng hóa, duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội; chỉ đạo thành lập tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ tự quản; các đội cơ động phản ứng nhanh, các lực lượng tuyến đầu như công an, quân đội, y tế bám sát địa bàn, tận tâm, tận lực, trách nhiệm với công việc. Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch được triển khai rộng rãi đến tận người dân; hệ thống thông tin về dịch Covid-19 được kết nối, cập nhật thường xuyên hỗ trợ hiệu quả cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các giải pháp trong từng thời điểm.

Công tác điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 được quan tâm, các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, năng lực điều trị cơ bản đáp ứng được yêu cầu; công tác phòng chống dịch trong khu điều trị, khu cách ly cơ bản được đảm bảo. Công tác tiêm chủng cho các đối tượng được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn.

Hệ thống chính trị từ huyện đến xã, nhất là tại cơ sở đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, có nhiều sáng kiến cụ thể, thiết thực tham gia phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho người dân; các hoạt động hỗ trợ người dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai và hưởng ứng tích cực.

Sau 50 năm giải phóng, về Lộc Ninh hôm nay ai ai cũng có thể tự hào về sự thay da, đổi thịt của một huyện anh hùng đang ngày càng có những bước phát triển vững bước đi lên. Lộc Ninh đã và đang phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ, chuyển thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay./.

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan