Di tích lịch sử: Dấu gạch nối quá khứ và hiện tại

Di tích lịch sử: Dấu gạch nối quá khứ và hiện tại

BPO – Lịch sử của một dân tộc, một địa phương không chỉ thể hiện trên phim ảnh, sách báo, trong ký ức của những nhân chứng đã từng tham gia các trận đánh. Lịch sử còn khắc ghi nơi các tượng đài, các di tích đang rêu phong theo năm tháng… Ở đó, ghi dấu bao chiến công oai hùng của cha ông trong chặng hành trình giữ nước, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, khẳng định khí phách của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Kể chuyện quá khứ cho hiện tại

Công trình Tượng đài chiến thắng chốt chặn Tàu Ô được xây dựng trên diện tích gần 12.000m2, tổng kinh phí xây dựng gần 20 tỷ đồng do các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và một số đơn vị khác đóng góp. Công trình khánh thành năm 2010, gồm các hạng mục chính như: nhà quản lý, nhà bia tưởng niệm, tượng đài và một số hạng mục khác. Đây là nơi tưởng nhớ, tri ân 1.062 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 anh hùng và hàng trăm cán bộ, quân dân địa phương đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày 29-3-2012, di tích địa điểm chiến thắng chốt chặn Tàu Ô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

Các di tích lịch sử không chỉ ghi dấu hào khí của quân, dân ta trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn là địa chỉ đỏ truyền tải thông điệp cho hiện tại và tương lai. Trong ảnh: Di tích địa điểm chiến thắng chốt chặn Tàu Ô – di tích lịch sử cấp quốc gia – Ảnh: Viết Bằng

Công trình Tượng đài chiến thắng chốt chặn Tàu Ô được xây dựng trên cơ sở mẫu phác thảo của nhà điêu khắc – Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, ông hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ông kể: Khi thực hiện phác thảo có 4 mẫu của 2 nhóm tác giả, một nhóm của Quân khu 7 và một nhóm của Trường đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, do tôi là người chịu trách nhiệm. Từ lúc có ý tưởng đến lúc thực hiện phác thảo mất 1,5 năm, do phải nghiên cứu tư liệu, gặp gỡ các cựu chiến binh để tìm hiểu thêm về sự kiện lịch sử. Đến khi “thấm” mới bắt tay thực hiện phác thảo.

Chính vì sự công phu, nghiêm túc đó nên sau khi đưa ra trình bày với hội đồng, trong đó có 3 vị tướng từng tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ, phác thảo của nhóm Trường đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh được chọn. “So với các mẫu phác thảo khác, khác biệt chủ yếu nhất là phác thảo đưa được sự kiện lịch sử vào, người dân, các cựu chiến binh, hay những cán bộ, chiến sĩ đương thời khi nhìn thấy tác phẩm có thể mường tượng ra sự kiện đó, đồng thời tôn vinh, truyền tải được thông điệp cho người đang sống và cả thế hệ tương lai” – Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên tiết lộ về lý do mẫu phác thảo của nhóm ông được lựa chọn.

Đã gọi là tượng đài thì bao giờ cũng mang ý đồ tư tưởng hết sức quan trọng để truyền đạt lại cho người dân trong nước cũng như khách du lịch. Tượng đài chiến thắng chốt chặn Tàu Ô truyền tải ý nghĩa của sự kiện lịch sử, lan tỏa thông điệp: con người Việt Nam rất hiền hòa, nhân ái, nhưng khi kẻ thù xâm lược, nhân dân sẽ đoàn kết một lòng giành lại độc lập, tự do, mang lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho tương lai.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

Không chỉ phác thảo mẫu Tượng đài chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên còn thiết kế nhiều mẫu tượng đài khác. Với ông, không chỉ để kể chuyện của quá khứ cho hiện tại và mai sau, mà qua các công trình tượng đài, khẳng định khí phách của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Ông nhấn mạnh: “Khát vọng của dân tộc Việt Nam là muốn sống hòa bình, muốn đất nước thanh bình để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là tôn chỉ mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và chúng ta luôn phấn đấu vì điều đó. Chúng ta không gây hận thù với ai, nhưng khi kẻ thù xâm lược Việt Nam thì buộc chúng ta phải đứng lên đánh đuổi. Có bình yên chúng ta mới xây dựng đất nước giàu mạnh được”.

Di tích mở ra triển vọng tương lai

Trong số 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Phước, huyện biên giới Lộc Ninh được mệnh danh là “vùng đất của di tích” khi trên địa bàn huyện có 12 di tích được công nhận và xếp hạng (gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 5 di tích quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh), chưa kể 9 di tích thuộc danh mục kiểm kê chưa được xếp hạng. Trong số đó, di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là một trong những nơi gìn giữ di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương. Đây cũng là nơi thu hút rất đông du khách đến tham quan trong những ngày tháng tư lịch sử, để tri ân công lao của các bậc tiền nhân đã góp phần làm nên sự kiện lịch sử ngày 30-4-1975, nối liền một dải non sông.

 Du khách tìm hiểu lịch sử tại Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết

Để phát huy giá trị của di tích, năm 2017, huyện Lộc Ninh đã chỉ đạo biên soạn và xuất bản cuốn cẩm nang du lịch “Lộc Ninh – điểm đến du lịch về nguồn” (tái bản năm 2020), nhằm quảng bá, giới thiệu, phát huy giá trị to lớn của di tích, để nơi đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, nhất là thế hệ trẻ và trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, là điểm đến quan trọng trong hành trình tham quan, nghiên cứu của đồng bào cả nước và khách quốc tế.

Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 41 di tích được xếp hạng, gồm 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh. Trong đó có 25 di tích lịch sử, 2 di tích lịch sử – danh lam thắng cảnh.

Ông Hoàng Nhật Tân, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lộc Ninh cho biết: Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch, vốn được ví như “công chúa ngủ trong rừng” trên cơ sở khai thác thế mạnh của địa phương. Song song với quảng bá thông qua cẩm nang du lịch “Lộc Ninh – điểm đến du lịch về nguồn”, giữ nguyên, tôn tạo tốt hơn các di tích, huyện sẽ kêu gọi đầu tư vào các phân khu đã được quy hoạch trong các khu di tích để tạo nên sức hút, đón du khách về với Lộc Ninh. Ngoài những điểm du lịch về nguồn, huyện chú trọng phát triển mảng du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại, du lịch nông nghiệp… phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong những năm tới.

Những công trình, di tích luôn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn, phản ánh tinh thần bất khuất, hào khí của mỗi vùng đất, của quân, dân địa phương trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những “địa chỉ đỏ” này cần được đưa vào khai thác, phát triển du lịch bằng những cách làm phù hợp và quảng bá mạnh mẽ để thu hút du khách, trước hết là chính những người dân trong tỉnh, thế hệ trẻ. Đến để tri ân công sức của cha anh, “nghe” di tích lịch sử “kể chuyện”, để biết trân quý giá trị của hòa bình…

Theo Báo Binh Phươc online

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan