Hỗ trợ phục hồi văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc có nguy cơ mai một

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, năm 2023 – 2024 trong quý II và III năm 2024.

Sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Mông tại huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Vụ Văn hóa dân tộc là đơn vị chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng ở các địa phương thự hiện nhiệm vụ này.

Cụ thể, chương trình góp phần tích cực khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là nghề thủ công, nghi lễ, nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc của các dân tộc Khmer, Thái, Mông, Sán Dìu tại Trà Vinh, Yên Bái và Vĩnh Phúc.

Ở Trà Vinh, Ban tổ chức tiến hành nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer.

Ở Yên Bái sẽ diễn ra việc nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể với nghệ thuật khèn Bè của dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ và nghề truyền thống dệt thổ cẩm của dân tộc Mông tại huyện Mù Cang Chải.

Tại Vĩnh Phúc, Ban tổ chức thực hiện nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể lễ cấp sắc của dân tộc Sán Dìu tại huyện Tam Đảo.

Ở tất cả các địa phương nêu trên, Ban tổ chức hỗ trợ trang thiết bị, đạo cụ thực hành trình diễn, tái hiện nghi lễ; chụp ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về quá trình tổ chức phục dựng, bảo tồn, in đĩa DVD phát cho người dân nhằm lan tỏa rộng rãi kết quả bảo tồn và tuyên truyền văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số…

Chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các hoạt động của chương trình góp phần tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với thanh niên (lớp trẻ) qua sinh hoạt văn hóa, truyền dạy dân ca, dân vũ nghề truyền thống, nghi lễ văn hóa mang đậm bản sắc mỗi dân tộc.

Đồng bào được giao lưu, vui chơi giải trí lành mạnh từ việc phục hồi chính các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, nhận thức của đồng bào về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và cộng đồng trong giai đoạn hiện nay được nâng cao hơn nữa.  

Nguồn: Bình Phước Online

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan