Nghị định Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh
NGHỊ ĐỊNH
Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích).
2. Đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam khi tiến hành các hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là việc xác định nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích (sau đây gọi là quy hoạch di tích).
2. Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là tập hợp đề xuất biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và các yếu tố khác có liên quan nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích (sau đây gọi là dự án tu bổ di tích).
3. Báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có quy mô nhỏ được lập theo quy định của Luật xây dựng và quy định của Nghị định này (sau đây gọi là báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích).
4. Quy chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là các quy định bắt buộc áp dụng trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về di sản văn hóa ban hành.
5. Tiêu chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là chuẩn mực kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật, trình tự thực hiện chỉ tiêu, chỉ số kỹ thuật, chỉ số tự nhiên được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận để áp dụng trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tiêu chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gồm tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng.
6. Thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích là ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa đối với nội dung bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do dự án đề xuất để làm cơ sở cho chủ đầu tư xem xét, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật trước khi quyết định phê duyệt hoặc trình người có thẩm quyền phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật theo quy định hiện hành.
Điều 3. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, di sản văn hóa, các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khu vực quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hài hòa về cảnh quan và kiến trúc khu vực.
3. Bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích; tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
4. Quy hoạch di tích phải được lập, phê duyệt với thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm.
5. Tổ chức, cá nhân tham gia lập nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi là nhiệm vụ lập quy hoạch di tích), lập quy hoạch di tích, lập dự án tu bổ di tích, lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích phải có đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng.
6. Tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.
Điều 4. Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích
Chi phí cho hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Quy hoạch.
Chương II
QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH
Điều 5. Lập quy hoạch di tích
1. Quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.
2. Trường hợp di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt đồng thời có khu vực bảo vệ là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển thì chỉ lập 01 quy hoạch di tích, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích với bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 6. Trình tự trong hoạt động quy hoạch di tích
1. Tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá sơ bộ về yếu tố kinh tế – xã hội và môi trường tự nhiên.
2. Thu thập bản đồ đo đạc địa hình khu vực, bản đồ quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt còn hiệu lực liên quan tới khu vực lập quy hoạch di tích.
3. Khảo sát, lập hồ sơ (bản vẽ, thuyết minh) đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích, di sản văn hóa phi vật thể thuộc phạm vi quy hoạch; về việc tổ chức bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
4. Lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch di tích.
5. Lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch di tích.
6. Tổ chức khai quật khảo cổ để thu thập tài liệu liên quan đến nội dung quy hoạch di tích (nếu cần thiết).
7. Lập quy hoạch di tích.
8. Lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan về quy hoạch di tích.
9. Tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân.
10. Thẩm định, trình phê duyệt, phê duyệt quy hoạch di tích.
11. Công bố quy hoạch di tích đã được phê duyệt tại di tích.
12. Cắm mốc giới theo quy hoạch di tích được phê duyệt.
Điều 7. Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch di tích
1. Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế – xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch.
2. Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích.
3. Đề xuất phạm vi nghiên cứu quy hoạch, phạm vi quy hoạch.
4. Đề xuất nội dung về định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới.
5. Xác định kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Điều 8. Hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch di tích
Hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch di tích gồm:
1. Tờ trình thẩm định hoặc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch di tích theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch di tích.
3. Bản đồ:
a) Bản đồ vị trí di tích, tỷ lệ 1:5.000;
b) Bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ hiện trạng công trình đã xây dựng, tỷ lệ 1:5.000;
c) Bản đồ xác định các khu vực bảo vệ di tích;
d) Bản đồ xác định phạm vi nghiên cứu quy hoạch, phạm vi quy hoạch.
4. Ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan; cộng đồng dân cư nơi có di tích.
5. Dự thảo quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch di tích bao gồm các nội dung chủ yếu quy định tại Điều 7 Nghị định này.
Điều 9. Nội dung quy hoạch di tích
1. Căn cứ lập quy hoạch di tích bao gồm:
a) Văn bản pháp luật có liên quan đến quy hoạch;
b) Những nội dung có liên quan được nêu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương có di tích đã được phê duyệt;
c) Nhiệm vụ lập quy hoạch di tích đã được phê duyệt;
d) Quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích;
đ) Ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan; cộng đồng dân cư nơi có di tích.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng di tích và đất đai thuộc di tích bao gồm:
a) Kết quả khảo sát, nghiên cứu về đặc điểm, giá trị di tích; tình trạng kỹ thuật, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;
b) Phân tích, đánh giá các yếu tố của môi trường tự nhiên và xã hội tác động tới di tích; hiện trạng về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực quy hoạch;
c) Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, mối liên hệ di tích được quy hoạch với các di tích khác trong khu vực nghiên cứu.
3. Quan điểm, mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn.
4. Xác định ranh giới khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp khu vực bảo vệ di tích; xác định khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; đề xuất việc xếp hạng bổ sung công trình, địa điểm mới phát hiện.
5. Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: Phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; danh mục công trình cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng công trình; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
6. Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.
7. Định hướng tổ chức không gian, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu của công trình xây dựng mới; định hướng cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch di tích.
8. Dự báo tác động môi trường và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong khu vực quy hoạch di tích.
9. Đề xuất dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên và nguồn vốn đầu tư cho dự án thành phần đó.
10. Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch di tích.
Điều 10. Hồ sơ quy hoạch di tích
Hồ sơ quy hoạch di tích gồm:
1. Tờ trình thẩm định hoặc phê duyệt quy hoạch di tích theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Báo cáo thuyết minh tổng hợp.
3. Bản đồ:
a) Bản đồ vị trí di tích và mối liên hệ với di tích khác trong khu vực nghiên cứu quy hoạch, tỷ lệ 1:5.000 – 1:15.000;
b) Bản đồ hiện trạng về sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực đã được phê duyệt, tỷ lệ 1:2.000;
c) Bản đồ xác định khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích; khu vực cần giải tỏa vi phạm di tích, tỷ lệ 1:2.000;
d) Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng; phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích, tỷ lệ 1:2.000;
đ) Bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ 1:2.000.
4. Dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch di tích bao gồm các nội dung chủ yếu quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Điều 11. Thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích
1. Thẩm quyền lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có di tích và Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích;
b) Trường hợp di tích thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, căn cứ vào việc phân bố điểm di tích có giá trị quan trọng, tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc chọn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì chịu trách nhiệm lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích đó.
2. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích:
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt;
b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích; thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thỏa thuận quy hoạch di tích thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích tại địa phương;
d) Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích quốc gia thuộc thẩm quyền quản lý sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến thỏa thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có di tích; phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích cấp tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý sau khi có ý kiến thỏa thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có di tích;
đ) Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định, đề nghị phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 12. Thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích
1. Thủ tục thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích:
a) Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 hoặc Điều 10 Nghị định này, đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức thẩm định.
Trường hợp chưa nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện hồ sơ;
b) Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích là di tích cấp tỉnh, Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 hoặc Điều 9 Nghị định này đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có di tích để thỏa thuận.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thỏa thuận.
Trường hợp chưa nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
2. Thủ tục phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích:
a) Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích là di tích cấp tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt.
Trường hợp chưa nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện hồ sơ;
c) Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành, người đứng đầu cơ quan quản lý di tích đề nghị Thủ trưởng bộ, ngành phê duyệt.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm phê duyệt.
Trường hợp chưa nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích có văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
Điều 13. Điều chỉnh quy hoạch di tích
1. Quy hoạch di tích được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh mà ảnh hưởng tới di tích;
b) Có sự thay đổi về địa giới hành chính hoặc điều kiện địa lý, tự nhiên;
c) Có phát hiện mới về di tích trong khu vực quy hoạch.
2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch di tích thực hiện theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định này.
Điều 14. Quản lý quy hoạch di tích
1. Sau khi quy hoạch di tích được phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng bộ, ngành được giao quản lý di tích chịu trách nhiệm công bố tại di tích và tổ chức thực hiện quy hoạch di tích đó.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch di tích.
3. Việc lưu trữ hồ sơ quy hoạch di tích được thực hiện theo quy định tại Điều 44 Luật Quy hoạch.
Chương III
DỰ ÁN TU BỔ DI TÍCH, BÁO CÁO KINH TẾ – KỸ THUẬT TU BỔ DI TÍCH
Điều 15. Nội dung dự án tu bổ di tích
1. Thuyết minh dự án tu bổ di tích bao gồm các nội dung sau:
a) Căn cứ lập dự án tu bổ di tích;
b) Giới thiệu khái quát về di tích và giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích;
c) Báo cáo khảo sát chi tiết về các vấn đề lịch sử, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, quá trình xây dựng, tu bổ, kỹ thuật, vật liệu xây dựng di tích; đánh giá tình trạng kỹ thuật, tình hình quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và các kết quả khảo sát theo quy định của pháp luật về xây dựng;
d) Mục tiêu dự án tu bổ di tích;
đ) Quan điểm, nguyên tắc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
e) Phương án quy hoạch mặt bằng tổng thể di tích và các phương án: Giải tỏa vi phạm di tích (nếu có); bảo quản, tu bổ, phục hồi từng hạng mục của di tích; tôn tạo cảnh quan; bảo vệ di tích và các hiện vật trong quá trình thi công; duy trì hoạt động tại di tích trong quá trình thi công; phòng, chống mối mọt, cháy nổ; xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật;
g) Giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vật liệu sử dụng để bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
h) Chỉ tiêu đối với thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mới;
i) Đánh giá tác động môi trường của dự án tu bổ di tích bao gồm các nội dung sau:
– Liệt kê chất thải và đánh giá tác động của chất thải phát sinh từ việc thực hiện dự án;
– Biện pháp xử lý chất thải và các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Trường hợp dự án sử dụng đất di tích mà không thuộc dự án tu bổ di tích thì phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
k) Phương án bảo dưỡng, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích sau khi hoàn thành dự án;
l) Dự toán kinh phí và nguồn vốn thực hiện dự án tu bổ di tích;
m) Tiến độ thực hiện dự án bổ di tích.
2. Bộ ảnh màu kích thước 10 x 15 cm, chụp vào thời điểm khảo sát, thể hiện tổng thể và từng hạng mục di tích, kết cấu tiêu biểu, hiện vật, tình trạng kỹ thuật của công trình.
3. Thiết kế cơ sở của dự án tu bổ di tích gồm:
a) Bản vẽ, ảnh tư liệu liên quan đến quá trình hình thành, tồn tại, biến đổi và những lần tu bổ trước đây của di tích;
b) Các bản vẽ hiện trạng di tích gồm:
– Bản vẽ xác định vị trí di tích trên bản đồ hành chính cấp tỉnh, tỷ lệ 1:50.000;
– Bản vẽ hiện trạng mặt bằng tổng thể di tích, tỷ lệ 1:500;
– Bản vẽ hiện trạng mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt từng hạng mục công trình, bản vẽ hiện trạng từng bộ phận của công trình cần bảo quản, tu bổ, phục hồi, tỷ lệ 1:50;
c) Bản vẽ thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gồm:
– Bản vẽ quy hoạch mặt bằng tổng thể di tích, tỷ lệ 1:500;
– Bản vẽ thiết kế mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt từng hạng mục công trình, bản vẽ thiết kế từng bộ phận của công trình được bảo quản, tu bổ, phục hồi, tỷ lệ 1:50;
d) Bản vẽ thiết kế công trình xây dựng mới theo quy định của pháp luật về xây dựng;
đ) Bản vẽ phối cảnh thể hiện trên khổ giấy A3.
4. Trường hợp chỉ thực hiện nội dung bảo quản di tích thì dự án bảo quản di tích gồm nội dung sau:
a) Thuyết minh:
– Căn cứ lập dự án bảo quản di tích;
– Giới thiệu khái quát về di tích và giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích;
– Kết quả khảo sát về tình trạng kỹ thuật của di tích hoặc hiện vật thuộc di tích cần bảo quản;
– Mục tiêu bảo quản di tích;
– Quan điểm, nguyên tắc bảo quản di tích;
– Phương án bảo quản từng hạng mục của di tích; phương án bảo vệ di tích, hiện vật và phương án duy trì hoạt động ở di tích trong quá trình thi công;
– Giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vật liệu sử dụng để bảo quản di tích;
– Phương án bảo dưỡng di tích sau khi hoàn thành dự án;
– Dự toán kinh phí và nguồn vốn thực hiện;
– Tiến độ thực hiện dự án.
b) Bộ ảnh màu kích thước 10 x 15 cm, chụp vào thời điểm khảo sát, thể hiện tình trạng kỹ thuật công trình và hiện vật cần bảo quản;
c) Thiết kế cơ sở của dự án bảo quản di tích gồm:
– Bản vẽ, ảnh tư liệu liên quan đến những lần bảo quản trước đây;
– Bản vẽ hiện trạng từng bộ phận của công trình và hiện vật cần bảo quản, tỷ lệ 1:50;
– Bản vẽ thiết kế từng bộ phận của công trình và hiện vật được bảo quản, tỷ lệ 1:50.
Thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt dự án bảo quản di tích được thực hiện như quy định đối với dự án tu bổ di tích.
Điều 16. Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích
1. Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích được lập trong trường hợp sau:
a) Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chỉ dừng ở mức độ gia cố, sửa chữa nhỏ những hạng mục, cấu kiện đơn giản, ít ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích mà không phải lựa chọn các phương án khác nhau;
b) Cải tạo công trình không có yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích hoặc xây dựng công trình mới phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
2. Nội dung báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích:
a) Thuyết minh báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích gồm:
– Căn cứ lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích;
– Giới thiệu khái quát về di tích và giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích;
– Báo cáo khảo sát sơ bộ về các vấn đề kiến trúc, nghệ thuật, kỹ thuật, vật liệu xây dựng di tích; đánh giá tình trạng kỹ thuật;
– Mục tiêu bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
– Phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi, sửa chữa nhỏ từng hạng mục, cấu kiện đơn giản của di tích và các phương án: bảo vệ di tích và hiện vật trong quá trình thi công; phòng, chống mối mọt, cháy nổ; xây dựng công trình mới, hạ tầng kỹ thuật;
– Dự toán kinh phí và nguồn vốn thực hiện;
b) Bộ ảnh màu kích thước 10 x 15 cm, chụp vào thời điểm khảo sát, thể hiện vị trí và chi tiết các hạng mục được lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật;
c) Thiết kế bản vẽ thi công của báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích gồm:
– Bản vẽ hiện trạng di tích bao gồm: bản vẽ hiện trạng mặt bằng tổng thể di tích, tỷ lệ 1:500; bản vẽ hiện trạng mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt từng hạng mục công trình, cấu kiện thuộc di tích, tỷ lệ 1:50;
– Bản vẽ thiết kế gia cố, sửa chữa nhỏ những hạng mục, cấu kiện đơn giản bao gồm: bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể di tích, tỷ lệ 1:500; bản vẽ thiết kế mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt từng hạng mục di tích; bản vẽ thiết kế bộ phận được bảo quản, tu bổ, phục hồi, tỷ lệ 1:50;
– Bản vẽ thiết kế cải tạo công trình cũ hoặc xây dựng công trình mới theo quy định của pháp luật về xây dựng;
– Bản vẽ phối cảnh di tích thể hiện trên khổ giấy A3.
Điều 17. Thẩm quyền lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích
1. Căn cứ danh mục dự án thành phần của quy hoạch di tích đã được phê duyệt, sự xuống cấp của di tích và khả năng bố trí kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc khả năng huy động nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích quyết định việc lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích và lựa chọn chủ đầu tư của dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích.
2. Chủ đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện hành nghề lập dự án tu bổ di tích, lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 18. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích
1. Thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích:
a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích;
b) Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích đối với di tích cấp tỉnh.
2. Thẩm quyền phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia sau khi có văn bản thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích đối với di tích cấp tỉnh sau khi có văn bản thẩm định của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao.
Điều 19. Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích
1. Tờ trình đề nghị thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản đề nghị phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Thuyết minh dự án tu bổ di tích, bộ ảnh màu và thiết kế cơ sở hoặc thuyết minh báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, bộ ảnh màu và thiết kế bản vẽ thi công.
3. Văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định này (đối với trường hợp trình phê duyệt).
Điều 20. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích
1. Khảo sát, thu thập tài liệu về yếu tố kinh tế – xã hội, môi trường tự nhiên và những vấn đề liên quan đến di tích.
2. Lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích.
3. Lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan về dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích.
4. Tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân.
5. Thẩm định, trình phê duyệt, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích.
6. Công bố dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích đã được phê duyệt tại di tích trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật được phê duyệt, với các nội dung sau:
a) Thuyết minh nội dung cơ bản của dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật và tổng dự toán kinh phí thực hiện, trừ nội dung có liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước;
b) Bản vẽ tổng mặt bằng tu bổ và bản vẽ công trình được tu bổ;
c) Thời gian thực hiện dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích;
d) Tên chủ đầu tư, tên tổ chức lập dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích.
Điều 21. Thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích
1. Thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích:
a) Đối với dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 18 Nghị định này đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kết quả thẩm định bằng văn bản đồng ý hoặc văn bản góp ý điều chỉnh, bổ sung.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện hồ sơ;
b) Đối với dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích là di tích cấp tỉnh, chủ đầu tư dự án tu bổ di tích gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 19 Nghị định này đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao nơi có di tích để thẩm định.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kết quả thẩm định bằng văn bản đồng ý hoặc văn bản góp ý điều chỉnh, bổ sung.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện hồ sơ;
c) Trường hợp di tích có nguy cơ bị hủy hoại hoặc cần tu bổ, tôn tạo đột xuất phục vụ nhiệm vụ chính trị đặc biệt thì thời hạn thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích là 07 ngày làm việc.
2. Phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích:
a) Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 19 Nghị định này đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích hoặc người được ủy quyền để phê duyệt.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm phê duyệt.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích hoặc người được ủy quyền có văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện hồ sơ;
b) Đối với dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, thời hạn phê duyệt là 07 ngày làm việc.
Điều 22. Thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
1. Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích lập thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích sau khi dự án tu bổ di tích được cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này phê duyệt. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Điều 23. Điều chỉnh dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích
1. Dự án tu bổ di tích và báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Có phát hiện mới về di tích;
b) Quy hoạch di tích có liên quan được điều chỉnh;
c) Xuất hiện yếu tố mới có khả năng hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di tích;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích thực hiện theo quy định tại các Điều 17, 18, 20 và 21 Nghị định này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành định mức chi phí lập quy hoạch di tích, lập dự án tu bổ di tích, lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, lập thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 25. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2019.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Điều 26. Quy định chuyển tiếp
1. Nhiệm vụ lập quy hoạch di tích, quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn quy định.
2. Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch di tích, quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích đang tiến hành lập thì phải thực hiện theo quy định của Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Nguyễn Xuân Phúc
Phụ lục kèm theo theo Nghị định tải tại đây