Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

(Chinhphu.vn) – Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; đồng thời để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa- Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm – Ảnh: VGP/Minh Thúy

Ngày 28/3, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm góp ý Luật di sản văn hóa (sửa đổi). Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa.

Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, với những thành tựu đáng ghi nhận: Đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.621 di tích quốc gia và 130 di tích quốc gia đặc biệt (trên tổng số 40.000 di tích đã được kiểm kê); khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 534 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 09 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 09 di sản tư liệu (03 di sản tư liệu thế giới, 06 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương)…

Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 197 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 70 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật – là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. 

Hiện nay, đã có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó 168 hiện vật, nhóm hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tại buổi Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là cơ sở để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Quá trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị từ lâu, qua nhiều vòng, nhiều bước, nhằm tiến tới có được một luật hoàn chỉnh nhất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước hiện nay và những năm tiếp theo.

Tham dự tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực, cụ thể cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), xoay quanh các nhóm vấn đề về hệ thống khái niệm, định nghĩa liên quan di sản văn hóa; việc nhận diện, ghi danh các di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị; cơ chế hợp tác công-tư, huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản; việc kinh doanh cổ vật…

Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực tập trung vào các vấn đề như: Hệ thống khái niệm, cần bổ sung loại hình di tích công nghiệp vào cảnh quan, nâng cao vai trò cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp phát huy quản lý bảo vật di tích, tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích, di sản văn hóa Hán Nôm phải có mục riêng tư liệu thành văn, quy định về việc nhận diện, kiểm kê, bảo vệ, phát huy giá trị của di sản tư liệu, làm rõ trách nhiệm của chủ sở hữu, của cộng đồng,…

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), liên quan vấn đề mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, nên bổ sung điều luật quy định về việc tham gia các công ước quốc tế về di sản văn hóa, bảo vệ cổ vật để làm cơ sở cho việc thành lập một tổ chức chuyên trách chuyên nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ các cổ vật của nước ta bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và hiện nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài đang nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân, từ đó chủ động đấu tranh hồi hương các cổ vật, bớt bị động như thời gian qua.

GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, dự thảo Luật cần xem lại cách phân loại các loại hình. Công ước 2003 của UNESCO chia di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình/lĩnh vực: Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống. Trong khi đó, dự thảo Luật chia thành 6 loại hình/lĩnh vực, tách lễ hội truyền thống thành mục riêng, không thể bóc tách lễ hội truyền thống ra khỏi tín ngưỡng, độc lập với tín ngưỡng. Bên cạnh đó cũng nên có thêm mục các di sản văn hóa khác.

Nhiều đại biểu có chung ý kiến, không nên tách riêng di sản tư liệu thành một chương riêng ngang với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Việc tách ra thành một loại riêng khiến nhiều quy định về di sản tư liệu trùng lặp với quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…

Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra cho thấy, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; đồng thời để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa…, và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Nguồn: baochinhphu.vn

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan