Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ ở Bình Phước

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ ở Bình Phước

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ là tín ngưỡng truyền thống hình thành lâu đời ở miền Bắc nước ta. Trong đó, tập trung chủ yếu là ở một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên,….

Đình thần Tân Lập Phú

Khi đồn điền cao su đã có sự phát triển mạnh, nhu cầu lao động cao đòi hỏi các nhà tư bản Pháp phải tiến hành chính sách tuyển mộ lao động từ các nơi về làm phu cho đồn điền. Trong giai đoạn từ năm 1917 đến năm 1954, ước tính có hơn 20.000 lao động di cư đến Bình Phước làm phu cao su, các tỉnh miền Bắc chiếm đa số.

Vốn là cư dân có nền văn hóa lâu đời, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ. Khi vào sinh sống nơi vùng đất mới với điều kiện thiên nhiên  khắc nghiệt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy. Đặc biệt, chính sách cai trị của các nhà tư bản và chủ đồn điền làm cho cuộc sống của công nhân cao su hết sức ngột ngạt. Sau một thời gian sống ở nơi vùng đất mới, để thực hiện nhu cầu thờ cúng tôn giáo tín ngưỡng, người dân đã tiến hành xây dựng các cơ sở thờ cúng tín ngưỡng Mẫu Tam phủ Tứ phủ trong khu cư trú của họ. Theo khảo sát của đề tài “Nghiên cứu đời sống văn hóa công nhân công tra giai đoạn 1922-1954”, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, hầu hết các khu dân cư của đồn điền đều có một cơ sở thờ cúng loại hình tín ngưỡng này. Sau khi xây dựng, các cơ sở thờ cúng Mẫu Tam phủ Tứ phủ duy trì hoạt động khá thường xuyên. Tuy nhiên, sau năm 1954, do điều kiện chiến tranh diễn ra ác liệt, nhiều cơ sở thờ cúng Tam phủ Tứ phủ đã bị bom đạn bắn phá, hủy diệt. Căn cứ vào kết quả khảo sát di tích lịch sử văn hóa của Bảo tàng tỉnh thực hiện năm 2010, toàn tỉnh còn lưu giữ và duy trì 24 cơ sở thờ cúng tín ngưỡng Tam phủ Tứ phủ. Cụ thể:

1. Huyện Lộc Ninh:

– Chùa Từ Quang, thị trấn Lộc Ninh.

– Chùa Trúc Lâm, thị trấn Lộc Ninh.

– Chùa Vĩnh Lâm, xã Lộc Thiện.

– Chùa Phúc Lâm, xã Lộc Thiện.

– Chùa Linh Sơn, xã Lộc Thuận.

– Chùa Linh Thông, xã Lộc Tấn.

– Chùa Quang Minh, xã Lộc Thạnh.

2. Thị xã Bình Long:

– Đền thờ Trần Hưng Đạo, xã Thanh Phú.

– Đền thờ Đức Thánh Trần, Phường Hưng Chiến.

– Miếu Chúa, phường An Lộc.

– Chùa Bảo An, phường Hưng Chiến.

– Đình Tân Lập Phú, phường Hưng Thịnh.

3. Huyện Hớn Quản:

– Chùa Đức Minh, xã Minh Đức.

– Am Cô ba, xã Phước An,

– Đền Thờ Đức Thánh Trần, xã Tân Lợi.

– Đền thờ Mẫu, xã Tân Lợi.

– Đình Thanh An, xã Thanh An.

– Đình Tân Khai cũ, xã Tân Khai.

4. Huyện Bù Đốp:

– Chùa Quang Minh, xã Thiện Hưng.

5. Thị xã Đồng Xoài:

– Chùa Quang Sơn Hải, phường Tân Phú.

– Đền thờ Trần Hưng Đạo, phương Tân Phú.

– Đền thờ Phạm Ngũ Lão, xã Tân Thành.

6. Huyện Bù Gia Mập:

– Chùa Linh Sơn, xã Phước Minh.

Trong các cơ sở có thờ cúng Mẫu Tam phủ Tứ phủ vừa nêu trên, có những cơ sở hình thành khá sớm như: Chùa Phúc Lâm hình thành từ năm 1917, chùa Quang Minh hình thành năm 1917, Chùa Bảo Quang hình thành năm 1919, chùa Linh Thông hình thành năm 1929,….Các cơ sở hình thành sớm hiện nay vẫn duy trì được hoạt động.

Sở dĩ hiện nay, các hoạt động thờ cúng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ ở Bình Phước hầu hết đều được thực hiện trong các ngôi chùa là do tác động của quá trình lịch sử. Lúc đầu, phu cao su xây dựng nên các cơ sở thờ Mẫu. Quá trình phát triển, do nhiều điều kiện khác nhau, người dân tổ chức không gian thờ phật trong không gian thờ Mẫu. Khi chiến tranh diễn ra ác liệt, người dân bắt buộc phải chạy nạn nhiều nơi làm cho việc thời cúng bị gián đoạn. Khi hòa bình lập lại, người dân tổ chức lại thờ cúng loại hình tín ngưỡng này. Tuy nhiên, có khi những người tổ chức thờ cúng lại không nắm rõ được những nguyên tắc thờ cúng, chưa nắm rõ lịch sử hình thành của Mẫu Tam phủ Tứ phủ ở Bình Phước nên đã có sự thay đổi vị trí thờ, thành phần được thờ cúng. Từ chỗ thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ là chính thì người dân chuyển sang thờ phật là chính. Một số nơi, người dân vẫn giữ được hình thức và cấu trúc thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ nhưng lại đổi thành tên gọi là đền thờ Trần Hưng Đạo, nhưng bản chất vẫn là thờ Mẫu. Chính vì những thay đổi này đã làm cho hoạt động thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ ở Bình Phước nhiều nơi bị mai một, lệch hướng. Trình thức lễ thực hành lễ cúng cũng có những thay đổi nhất định. Trước đây, trong giai đoạn từ 1950 đến trước năm 1975, hoạt động thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ diễn ra hết sức quy mô, rầm rộ. Các nghi lễ truyền thống được duy trì đều đặn, đúng với nghi lễ truyền thống. Đặc biệt, vào dịp lễ 3/3 âm lịch, ngày giỗ Mẹ, người dân trong khu vực thường tổ chức lễ rước linh vị Mẫu bằng kiệu với quy mô lớn, đi từ nơi thờ cúng này sang nơi khác. Lễ có thể diễn ra hai đến ba ngày. Ngày nay, cùng với tác động của nhiều yếu tố, hoạt động thờ cúng tín ngưỡng Tam phủ Tứ phủ đã bị mai một, rất nhiều nơi thực hiện không đúng với nghi thức thờ cúng và trình thức lễ truyền thống. Khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh, hiện nay những nơi còn duy trì được cách thờ cúng và nghi lễ thờ cúng khá bài bản và đúng với truyền thống như: Chùa Bảo Quang huyện Bù Đốp, Miếu Chúa ở thị xã Bình Long, Miếu thờ Mẫu ở Hớn Quản,…

So với các tỉnh ở vùng Nam bộ, Bình Phước là nơi có quá trình hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ sớm nhất và mang giá trị lịch sử riêng. Về phạm vi và mật độ, Bình Phước cũng là nơi có mật độ thờ cúng khá nhiều, phân bố khắp trên địa bàn của tỉnh cho thấy đặc thù, sự khác biệt riêng có của Bình Phước về loại hình tín ngưỡng này. Vừa qua, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Trong việc nghiên cứu sức lan tỏa và giá trị của loại hình tín ngưỡng này, nghiên cứu thực hiện công tác bảo tồn loại hình di sản văn hóa phi vật thể này trong thời gian tới, Bình Phước đóng vai trò rất quan trọng./.

Tác giả: Phạm Hữu Hiến

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan