(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Kon Tum – Đất và Người” từ ngày 8-12/02 tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Triển lãm ảnh “Kon Tum – Đất và Người” là hoạt động văn hoá chào mừng Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913 – 09/02/2023). Triển lãm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, danh thắng…, công tác giữ gìn, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Đồng thời, giới thiệu đến nhân dân cả nước những thành tựu nổi bật về kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, giao lưu hội nhập quốc tế, văn hóa xã hội… tỉnh Kon Tum đã đạt được.
Yêu cầu tại triển lãm là các hình ảnh đẹp, phong phú, đặc sắc, thể hiện sinh động và chân thực về mảnh đất và con người tỉnh Kon Tum.
Triển lãm sẽ giới thiệu toàn cảnh thành phố Kon Tum, toàn cảnh trung tâm hành chính các huyện, thị thuộc tỉnh Kon Tum: xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; dịch vụ công trực tuyến…
Thể hiện sinh động và chân thực các danh lam thắng cảnh nổi tiếng thuộc tỉnh Kon Tum như: Nhà rông Kon Klor, Sông Đăk bla, Cầu treo Kon Klor, Chùa Bác Ái, Khu du lịch sinh thái Măng Đen, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Ngã ba Đông Dương, Thác Pau Suh (Thác Pa Sỹ),…
Kon Tum nằm trong khu vực tam giác vàng, có vị trí đặc biệt quan trọng là nơi giao thông, giao thương với các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan; đồng thời sở hữu nhiều di tích lịch sử ấn tượng mang đậm bản sắc Tây Nguyên: Tòa giám mục, Ngục Kon Tum, làng cổ Kon Kơ Tu,.. Tỉnh Kon Tum đang là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Hệ thống lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum rất phong phú và đa dạng, mang dáng vẻ riêng, được sản sinh trong điều kiện, hoàn cảnh sống và lao động sản xuất gắn liền với núi rừng cao nguyên vô tận. Những lễ hội xung quanh vòng đời người, lễ hội liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng: lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội mừng nhà Rông mới của người Giẻ Triêng, Lễ hội Puh Hơ Drih, Lễ cúng đất làng của người Ba Na,…
Các hoạt động bảo tồn văn hoá dân gian nổi bật của tỉnh Kon Tum – Tỉnh Kon Tum luôn bố trí nguồn lực, tích cực chỉ đạo ngành văn hóa tỉnh thực hiện tốt việc sưu tầm, bảo tồn, phục dựng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, kể cả các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc mới định cư và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở: khôi phục lại được nghề dệt truyền thống của các dân tộc Ba Na, Giẻ – Triêng, Gia Rai, Xơ Đăng; phục dựng 18 nghi lễ – lễ hội tiêu biểu của các dân tộc bản địa như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ hội ăn trâu, mừng nhà rông mới, lễ hội cưới truyền thống, nghệ thuật cồng chiêng, nghệ thuật hát sử thi…
Trên chặng đường xây dựng và phát triển của mình, Kon Tum đã trải qua không ít những khó khăn do điều kiện khách quan. Tuy nhiên với sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo ra những chuyển biến đi lên rõ nét về mọi mặt, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Dự kiến triển lãm sẽ trưng bày 200 ảnh.
Theo: baochinhphu.vn