“Đánh thức” bảo vật quốc gia – Bài cuối

VỌNG MÃI NGÀN NĂM

BPO – Những giá trị lịch sử của bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa đã được khẳng định, những hoạt động của các cơ quan và cộng đồng trong thời gian qua đã bước đầu phát huy giá trị di sản. Việc tăng cường những hoạt động này thời gian tới chính là tiền đề rất tốt để tỉnh tổ chức sự kiện có quy mô lớn, độc đáo và tạo dấu ấn văn hóa riêng biệt của Bình Phước.

Nỗ lực để xứng tầm bảo vật quốc gia

Từ khi được công nhận là bảo vật quốc gia, huyện Lộc Ninh đã tổ chức trưng bày, giới thiệu bộ đàn đá phục chế tại Trung tâm Văn hóa và Thông tin huyện. Trong giai đoạn 2018-2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp UBND huyện cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức biểu diễn trong các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, quảng bá hình ảnh và giá trị của bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa. Tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lộc Ninh hiện nay có 1 nghệ nhân biểu diễn đàn đá rất thuần thục và đã tham gia 4 sự kiện quảng bá giá trị của bảo vật như: Sự kiện phát triển du lịch quốc tế tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Tuần văn hóa – du lịch Bạc Liêu năm 2019, Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ tại Tây Ninh năm 2020, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước năm 2020.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh trình diễn đàn đá – Ảnh: Phú Quý

Tại Lộc Ninh, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tổ chức các đợt biểu diễn đàn đá nhân kỷ niệm các sự kiện như triển lãm chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện, biểu diễn trong không gian văn hóa tại Liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước, tổ chức các buổi biểu diễn lồng ghép với chương trình tuyên truyền lưu động. 

Điểm sáng trong công tác phát huy giá trị bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa là thời gian qua, tại Câu lạc bộ cồng chiêng xã Phước Tân (huyện Phú Riềng) đã kết hợp đàn đá và cồng chiêng cùng các điệu múa dân vũ của đồng bào S’tiêng thành tiết mục hết sức đặc sắc và thú vị. Tiết mục này đã tham gia trình diễn tại Hà Nội và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen. Nhiều lần trực tiếp tham gia tập luyện và biểu diễn, anh Điểu Nhiên, thành viên Câu lạc bộ cồng chiêng xã Phước Tân chia sẻ: Chúng tôi đã được hướng dẫn kết hợp tập luyện giữa đàn đá và âm nhạc cồng chiêng, múa dân vũ tạo thành tiết mục chung mang âm hưởng của 2 nhạc cụ nhằm phát triển, phát huy và lan tỏa 2 loại hình nhạc cụ này. Tại các buổi tập luyện và biểu diễn, khán giả rất hào hứng và thích thú khi xem tiết mục này. Vì vậy, tôi rất mong được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp để tiếp tục phát triển âm nhạc đàn đá cồng chiêng và người dân được hưởng thụ nhiều hơn những không gian văn hóa đặc sắc này.

Sản phẩm văn hóa riêng của Bình Phước

Hiện nay, bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa được trưng bày trong hệ thống trưng bày tại Bảo tàng tỉnh phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của công chúng và quảng bá đến với du khách trong nước, quốc tế. Để phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản này đến với công chúng, giúp người dân tận hưởng những giá trị của bảo vật quốc gia, Bảo tàng tỉnh đã phục chế một phiên bản mới, mời nghệ nhân đến truyền dạy cho các cán bộ bảo tàng về nghệ thuật trình diễn đàn đá. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn triển khai các chương trình quảng bá tới công chúng như: Trưng bày, giới thiệu về bộ đàn đá gốc, phục chế một phiên bản đàn đá để trình diễn tại các sự kiện văn hóa của địa phương và các thành phố như: Cần Thơ, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Các thành viên Câu lạc bộ cồng chiêng xã Phước Tân, huyện Phú Riềng tập luyện tiết mục biểu diễn kết hợp đàn đá và cồng chiêng. Ảnh: Phú Quý

Để tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận, khám phá loại hình di sản văn hóa này, những năm qua, khách đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh đã được cán bộ hướng dẫn, tìm hiểu về giá trị văn hóa và trải nghiệm cùng đàn đá. Bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa mang trong mình dấu ấn văn hóa, lịch sử của người cổ xưa trên vùng đất Bình Phước nên việc quảng bá, tôn vinh các giá trị tới công chúng cần được lan tỏa sâu rộng. 

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khắc Vĩnh chia sẻ: Bảo tàng tỉnh phải đẩy mạnh công tác quảng bá, gắn điểm đến bảo vật quốc gia với phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai các hoạt động trưng bày, trình diễn đàn đá tại các sự kiện trong nước. Đồng thời phối hợp các đơn vị, địa phương trong việc trưng bày bảo vật quốc gia để giúp công chúng có điều kiện tiếp cận, khám phá và trải nghiệm loại hình nhạc cụ độc đáo này, góp phần lan tỏa giá trị của bảo vật. Ngoài ra, cần đưa nội dung giới thiệu bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa vào các tiết học lịch sử địa phương, tăng cường ngoại khóa cho học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm và tham gia các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh, trong đó có lớp truyền dạy về đàn đá. 

Ông Nguyễn Khắc Vĩnh nhấn mạnh: Nếu làm được những điều này không chỉ giúp người dân trong tỉnh càng hiểu sâu sắc về giá trị bảo vật, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy. Đồng thời, sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt của Bình Phước, khiến du khách sẽ càng thêm lưu luyến với những giai điệu của bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” kết hợp tiếng vọng ngàn năm của âm thanh đại ngàn từ đàn đá trong một không gian văn hóa hết sức độc đáo khó quên.

Phương Dung
Print Friendly, PDF & Email