Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chiến trường B2 có vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài việc thiết lập cơ quan đầu não cách mạng như Trung ương cục, Bộ chỉ huy Miền, Đảng ta đã đặc biệt chú trọng phát triển, xây dựng ngành hậu cần – đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định của cách mạng miền Nam. Ngày 10/12/1964 Cục Hậu cần Miền được thành lập, bao gồm các cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Vận tải, Quân y, Quân giới, Quân khí, Quân nhu, Sản xuất, Vật tư, Xăng dầu,… Cùng với quân, dân cả nước, lực lượng Cục Hậu cần Miền đã thực hiện nhiệm vụ cung ứng vũ khí, lương thực, thực phẩm,… cho chiến trường, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các công trình ghi dấu Căn cứ Cục Hậu cần Miền – B2 (di tích Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973-1975) được xây dựng năm 2009, gồm các hạng mục nhà bia tưởng niệm và nhà trưng bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền, hội trường, nhà bia tưởng niệm và nhà tưởng niệm quân, dân y. Năm 2010, Bảo tàng Hậu cần (Tổng cục Hậu cần) đã thực hiện việc trưng bày hình ảnh, hiện vật và tư liệu tại Phòng trưng bày của di tích Căn cứ Cục Hậu cần Miền – B2. Trải qua hơn 10 năm, một số hình ảnh và đai trưng bày đã xuống cấp. Chính vì vậy, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện việc chỉnh lý Phòng trưng bày Căn cứ Cục hậu cần Miền – B2 để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.
Không gian thờ tại phòng Trưng bày
Thực hiện Kế hoạch số 162/KH-BT ngày 14/4/2021 của Bảo tàng về chỉnh lý Phòng trưng bày di tích Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973-1975), nội dung cụ thể như sau:
– Chỉnh lý không gian thờ: Bàn thờ Bác Hồ được bố trí ngay chính diện không gian khánh tiết cũ phía tay phải lối vào. Bàn thờ Ban Chủ nhiệm Cục Hậu cần Miền các thời kỳ 1964 – 1975 được bố trí phía tay trái không gian khánh tiết cũ. Phía trước bố trí vách ngăn hoa văn CNC tạo sự ngăn cách giữa khu vực trưng bày và không gian thờ. Khu vực tường phía sau bàn thờ Bác Hồ được bài trí bằng hình nền cổ kính.
– Điều chỉnh nội dung trưng bày thành 02 phần: Phần một: Các vùng căn cứ hậu cần tại chỗ bảo đảm cho đấu tranh chính trị tiến lên vũ trang khởi nghĩa (giai đoạn từ tháng 7/1954 đến năm 1960); Phần hai: Hệ thống tổ chức hậu cần chiến trường hình thành và phát triển, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang chiến đấu thắng lợi (giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1975).
– Bổ sung, chỉnh lý hình ảnh: Trước đây, không gian trưng bày gồm 75 hình ảnh, sau khi sắp xếp các không gian, số lượng hình ảnh được trưng bày là 90 hình.
– Điều chỉnh trưng bày hiện vật: Trưng bày lại các hiện vật phù hợp với không gian tủ và đai trưng bày chỉnh lý tại các cửa sổ, cửa hông. Làm mới toàn bộ hệ thống etyket hiện vật, câu trích, sơ đồ….
Ngoài ra, tại các không gian trưng bày còn sử dụng các đèn chiếu điểm để làm nổi bật các hiện vật, tư liệu và hình ảnh. Làm mới bảng tên phòng trưng bày bằng các chất liệu hiện đại.
Đến nay, công tác chỉnh lý phòng trưng bày đã hoàn thiện, Bảo tàng tỉnh trân trọng kính mời quý khách đến tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về di tích Căn cứ Cục Hậu cần Miền B2 tại xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh.
Mô hình xe đạp thồ
Bài và ảnh: Đinh Nho Dương