Giới thiệu sách : “Bình Phước di tích và danh thắng”

Giới thiệu sách : “Bình Phước di tích và danh thắng”

                Bình Phước là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài 260,433km. Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ nên Bình phước có địa hình rất đa dạng, gồm địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng, là nơi cư trú của hơn 41 dân tộc anh em. Bên cạnh đó, Bình Phước có nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với những chiến công chói lọi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta, với các địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như Lộc Ninh, Phước Long, Bình Long, Đồng Xoài…Bình Phước còn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch như Núi Bù Rá, Trảng cỏ Bù Lạch, Thác Đứng…Bình Phước cũng từng là vùng đất sinh sống của người tiền sử, dấu tích còn để lại tìm thấy tại các di tích khảo cổ Thành đất đắp hình tròn, đây là di chỉ khảo cổ độc đáo, hiện mới chỉ phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Hiện nay trong quá trình đổi mới, với sự tác động của nền kinh tế thị trường ngoài những thuận lợi còn có nhiều mặt hạn chế tạo thành nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến môi trường cảnh quan và giá trị của các di tích. Bởi vậy việc tuyên truyền sâu rộng, trước mắt cũng như lâu dài về di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử của địa phương.

Với ý nghĩa đó, Bảo tàng tỉnh Bình Phước xin giới thiệu đến mọi người cuốn sách “Bình Phước di tích và danh thắng”của Bảo tàng tỉnh Bình Phước nghiên cứu, biên soạn và xuất bản. Đây là công trình sưu tầm, biên soạn của nhiều tác giả, cán bộ nghiên cứu trên hồ sơ khoa học kết hợp với khảo sát 40 di tích đã được xếp hạng.

Cuốn sách được xuất bản tại Nhà xuất bản Thanh Niên. Sách được in với số lượng 1000 cuốn theo khuôn khổ 15 x 20 cm, gồm 96 trang. Cuốn sách nổi bật với gam màu xanh nhẹ đã thể hiện gu thẩm mỹ giản dị không hoa mĩ của tờ bìa với dòng chữ tên sách “Bình Phước di tích và danh thắng”rõ nét kết hợp với hình ảnh di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nhà Giao Tế). Mặc dù công tác nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ khoa học di tích để trình xếp hạng hàng năm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn đang được tiến hành nhưng với sự phong phú, đa dạng của các di tích ở Bình Phước thì việc giới thiệu 40 di tích trong cuốn sách mới chỉ là bước đầu. Tuy nhiên, cuốn sách ra đời sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về vị trí, lịch sử hình thành, giá trị của các di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, giúp cho những người làm công tác nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, du lịch và du khách tham quan hiểu sâu hơn về lịch sử, con người, văn hóa tỉnh Bình Phước.

 

Bản đồ di tích và danh thắng tỉnh Bình Phước

Lật giở qua những trang đầu của cuốn sách, chúng ta tiếp tục tìm hiểu nội dung chính bên trong. Cuốn sách gồm có 3 phần:

Phần 1: Di tích quốc gia đặc biệt gồm 5 di tích

1. Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam

2. Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96

3. Bồn Xăng – Kho nhiên liệu VK98

4. Điểm cuối Đường Hồ Chí Minh – 1973

5. Vườn Quốc gia Cát Tiên

Phần 2: Di tích Quốc gia gồm 11 di tích

1. Địa điểm thành lập Chi bộ Đông dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng

2. Cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng – xã Phú Riềng chống thực dân Pháp ngày 25/10/1933

3. Địa điểm chiến thắng Đồng Xoài

4. Sân bay quân sự Lộc Ninh

5. Mộ 3.000 đồng bào An Lộc bị đế quốc Mỹ sát hại ngày 03/10/1972

6. Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô

7. Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

8. Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973 – 1975)

9. Bồn xăng – Kho nhiên liệu VK99

10. Núi Bà Rá – Thác Mơ

11. Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2

Phần 3: Di tích cấp tỉnh gồm 24 di tích

1. Vườn cây lưu niệm Bà Nguyễn Thị Định

2. An Lộc “Nhà và Đường hầm”

3. Bệnh viện Lộc Ninh – Công trình kiến trúc thời Pháp thuộc

4. Mộ tập thể lực lượng vũ trang an ninh An Lộc

5. Căn cứ Sở Nhỏ – Ban An ninh Bình Phước

6. Địa điểm chiến thắng Dốc 31

7. Nơi thành lập Sư đoàn 302

8. Trường Quốc Quang

9. Địa điểm Khmer đỏ thảm sát nhân dân huyện Bù Đốp ngày 16/3/1978

10. Đình thần Hưng Long

11. Đình thần Tân Khai

12. Đình thần Tân Lập Phú

13. Đình thần Thanh An

14. Miếu Bà Rá

15. Chùa Đức Bổn A Lan Nhã

16. Chùa Sóc Lớn

17. Thành đất hình tròn Long Hà 1

18. Thành đất hình tròn Long Hưng

19. Thành đất hình tròn Thuận Lợi 1

20. Thành đất hình tròn Thuận Phú

21. Bãi Tiên

22. Thác Voi (Thác Liêng – Rót)

23. Thác Đứng

24. Thác Đăk Mai 1

Trong phạm vi bài viết giới thiệu sách này tôi xin trích dẫn Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt

 

Hội trường tại di tích

Di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tọa lạc tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Nơi đây tiền thân là Sở Chỉ huy tiền phương của chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ngày 07/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, sau đó trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Để phù hợp với tình hình mới có lợi cho cách mạng miền Nam, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại sóc Tà Thiết.

Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được xây dựng từ năm 1973 tại khu rừng thuộc sóc Tà Thiết nên còn được gọi là “Rừng Chính phủ” hay Căn cứ Tà Thiết. Tại đây, dưới những tán cây lớn và rừng le đan chằng chịt là nơi các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã từng sống, chiến đấu và trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam gồm các đồng chí: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh… Riêng nhà ở và làm việc của Thượng Tướng Trần Văn Trà được dựng theo kiến trúc nhà sàn, tại một trảng đất trống trong khu vực sóc của đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, tại Căn cứ còn có hệ thống các công trình phục vụ khác như bếp Hoàng Cầm, hầm giao ban, hội trường… Tất cả đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi) để hạn chế ánh sáng đèn phát ra ngoài vào ban đêm, vừa bảo đảm an toàn nếu bị địch ném bom. Vật liệu sử dụng chủ yếu bằng cây rừng, mái lợp lá trung quân, mỗi công trình đều có hệ thống giao thông hào thoát hiểm và các hầm trú ẩn. Các hầm chỉ huy, hầm thông tin, hầm quân y… được xây dựng khá rộng, để thuận tiện làm việc cũng như đề phòng khi trên mặt đất không an toàn.

          Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền trong giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ. Tại đây đã diễn ra các sự kiện quan trọng: Nơi đón tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, là nơi triển khai các phương án tác chiến, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương. Đặc biệt, năm 1975, tại đây, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Năm 1994 – 1995, di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã được phục hồi, tôn tạo và đưa vào phát huy giá trị. Đến năm 2018, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo, bổ sung các hạng mục như: Nhà tưởng niệm, Nhà đón tiếp, Nhà truyền thống, Đài tưởng niệm, Cổng vào khu di tích, Hồ cảnh quan…

Di tích Căn cứ Tà Thiết là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, di tích vừa là địa chỉ đỏ có ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng, vừa là điểm đến du lịch lý tưởng của du khách.Với những ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1988, Bộ trưởng Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích lịch sử quốc gia. Đến ngày 23/12/2015, di tích được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Đó là di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu trong tổng số 40 di tích được nói đến trong cuốn sách. Còn rất nhiều các di tích có giá trị khác như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Bồn xăng – Kho nhiên liệu VK98, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…; các di tích liên quan đến dam lam thắng cảnh như: Thác Đứng, Thác Voi, Thác Đăk Mai 1…mà trong phạm vi hạn chế tôi không thể kể hết, mời mọi người tìm đọc ở cuốn sách “Bình Phước di tích và danh thắng” của Bảo tàng tỉnh Bình Phước xuất bản thực sự là tài liệu bổ ích nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến bạn đọc giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị tín ngưỡng, nghệ thuật kiến trúc, dấu ấn khảo cổ mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt của 40 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh hơn nữa giúp chúng ta có thể tự hào quê hương Bình Phước là vùng đất giàu tiềm năng về di sản văn hóa cả về số lượng và loại hình. Từ đó đòi hỏi chúng ta cần bảo tồn, phát huy các yếu tố gốc của di tích làm cho các di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh ấy luôn sống, luôn được tiếp nối qua thời gian.

Người viết: Nguyễn Thị Huyền;   Ảnh: Lê Văn Năm

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan