Có thể nói mỗi sản phẩm của nghề đan gùi người S’tiêng Bình Phước không chỉ mang giá trị văn hóa, vật chất mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao thể hiện cho sức sáng tạo và tinh thần lao động của mỗi người nghệ nhân. Do đó các sản phẩm của nghề đan gùi luôn bao hàm cả giá trị sử dụng và giá trị văn hoá trong cộng đồng người S’tiêng.
Giá trị sử dụng của các sản phẩm nghề đan gùi
Sử dụng trong hoạt động lao động sản xuất: với người S’tiêng Bình
Phước, các vật dụng từ nghề đan gùi là những đồ dùng được sử dụng cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người. Các sản phẩm của nghề đan gùi luôn được xem là những vật dụng có giá trị của mỗi gia đình người S’tiêng. Mỗi sản phẩm đều có chức năng sử dụng khác nhau với những hoạt động cụ thể trong đời sống của người S’tiêng. Trong đó chức năng sử dụng chính các sản phẩm của nghề đan gùi đó là dùng để chứa đựng và vận chuyển trong đời.
Người S’tiêng sử dụng gùi trong đời sống
sống sinh hoạt và lao động sản xuất thường ngày của người S’tiêng. Vật dụng thường xuyên được người S’tiêng sử dụng là xá. Người S’tiêng sử dụng xá để chứa đựng và vận chuyển các dụng cụ, vật dụng lao động và các sản phẩm như lúa, gạo, ngô, sắn,… Xá được đeo trên lưng để gùi vận chuyển hoặc được dùng để chứa đựng tại nhà. Dung là vật dụng được người S’tiêng sử dụng để gùi củi, gùi nước hoặc các loại rau rừng được thu hái trong quá trình lao động sản xuất trên nương rẫy. Woai được sử dụng để chứa đựng và gùi đồ ăn, nước uống khi đi lao động canh tác trên nương rẫy hoặc khi đi săn bắt, khai thác các nguồn lợi tự nhiên xa nơi cư trú. Xor là vật dụng được người S’tiêng sử dụng để đựng cơm, nước hoặc các đồ dùng thiết yếu khác trong quá trình đi săn bắt các loại thú, chim rừng. Khiêu là vật dụng dùng để thu hoạch lúa rẫy, người S’tiêng sẽ đeo khiêu ở trước bụng hoặc bên hông để đựng lúa, khi lúa được tút và bỏ đầy khiêu, lúa sẽ được đổ sang xá để gùi lúa về nhà.
Sử dụng làm vật trao tặng, lễ vật: các sản phẩm của nghề đan gùi vừa mang giá trị vật chất và giá trị văn hoá cộng đồng, vì vậy các sản phẩm của nghề đan gùi luôn được cộng đồng người S’tiêng trân trọng và gìn giữ. Trong mối quan hệ bằng hữu, láng giềng thân thuộc, các vật dụng của nghề đan gùi thường được sử dụng để làm vật cho tặng nhằm thể hiện tinh thần mến khách và gắn kết cộng đồng trong đời sống người S’tiêng.
Trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người S’tiêng, khi nhà trai đi hỏi cưới vợ cho con trai, gia đình bên nhà gái sẽ thách cưới với những loại sính lễ khác nhau, trong đó các lễ vật như xá, khiêu, woai thường được dùng để làm lễ vật và làm vật trao tặng trong lễ cưới hỏi của người S’tiêng. Trong đó, xá là sản phẩm thường được sử dụng để trao tặng nhiều nhất, vì đây là vật dụng phổ biến và đa dụng nhất trong các sản phẩm của nghề đan gùi. Hình thức thứ hai là làm lễ vật tùy táng, người S’tiêng quan niệm khi sống mỗi người đều sử dụng những đồ dùng, vật dụng trong cuộc sống thường ngày, vì vậy khi qua thế giới bên kia, gia đình có người chết sẽ tùy táng cho người chết những đồ dụng, vật dụng thường ngày mà họ thường sử dụng, các vật tùy táng sẽ được làm cho hư hỏng và để gần cạnh ngôi mộ của người chết.
Sử dụng làm sản phẩm trao đổi, mua bán: người S’tiêng sử dụng các sản phẩm của nghề đan gùi để làm sản phẩm trao đổi theo hình thức vật đổi vật trong đời sống cộng đồng. Khi thực hiện trao đổi, giá trị các vật trao đổi được quy ước để cho phù hợp tương xứng bằng nhau, mỗi sản phẩm sẽ được định ngang giá để trao đổi, như một chiếc xá sẽ được định giá để trao đổi bằng bao nhiêu con gà, con heo,… hình thức này được thực hiện phổ biến và có từ lâu đời trong cộng đồng người S’tiêng. Việc sử dụng sản phẩm của nghề đan gùi làm hàng hóa để mua bán, hình thức này chỉ mới xuất hiện trong đời sống cộng đồng người S’tiêng. Việc mua bán sản phẩm được thực hiện trong cộng đồng người S’tiêng và giữa người S’tiêng với các cộng đồng cư dân khác cùng chung sống trong khu vực địa lý nhưng hình thức này còn chưa phát triển mạnh.
Giá trị văn hoá của di sản nghề đan gùi
Các sản phẩm của nghề đan gùi ngoài giá trị sử dụng với mỗi chức năng của từng sản phẩm trong đời sống thường ngày của người S’tiêng, nghề đan gùi cũng như các sản phẩm của nghề đan gùi còn là một di sản văn hóa mang tính tiêu biểu và đặc sắc của cộng đồng người S’tiêng Bình Phước.
Được sáng tạo, chắt lọc và trao truyền qua các thế hệ, nghề đan gùi đã được người S’tiêng tích lũy những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật để mỗi một người thợ sáng tạo nên những sản phẩm mang tính tài hoa, khéo léo được thể hiện trên từng sản phẩm mang giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng. Mỗi sản phẩm riêng biệt là sự phản ánh cho tri thức, kỹ thuật và thẩm mỹ của mỗi người thợ, có thể nói nghề đan gùi cũng như các sản phẩm của nghề đan gùi của người S’tiêng Bình Phước vừa bao hàm giá trị vật chất đồng thời còn là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện cho sự sáng tạo và tài hoa của con người trước thực tế sinh động của đời sống.
Cùng với quá trình tích lũy tri thức và trao truyền nghề đan gùi, người S’tiêng hình thành nên hệ thống tri thức dân gian trong việc nhận biết và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ cho đời sống con người, đồng thời góp phần làm đa dạng và phong phú trong kho tàng tri thức của con người trức mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên.
Các sản phẩm của nghề đan gùi còn là một tác phẩm nghệ thuật bao hàm cả tri thức, kỹ thuật và sức sáng tạo của mỗi người thợ, được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau trên các sản. Các motip hoa văn trang trí đa dạng với kỹ thuật tạo hình riêng biệt của mỗi người thợ thực hành nghề đan phản ánh cho tư duy phong phú của con người trước tự nhiên sinh động như hoa văn trang trí hình đầu con gà “Tơ er”, hình cổ con nai “To lờ”, hình con giun “Câu giun”, hình tượng đầu con chim cu “Vút tức”. Các sản phẩm với chức năng sử dụng khác nhau được tạo hình với kiểu dáng, kích thước và kỹ thuật đan khác nhau làm nên sự độc đáo và đa dạng của di sản nghề đan gùi của người S’tiêng.
Hoa văn trang trí hình đầu gà trên quai gùi
Nghề đan gùi đã tạo nên các sản phẩm là những vật dụng, đồ dùng vừa mang tính truyền thống gần gũi với thiên nhiên và con người trở thành sắc thái văn hóa đặc trưng của cộng đồng người S’tiêng. Sự hiện diện phổ biến với nhiều công năng sử dụng, các sản phẩm của nghề đan gùi đã thể hiện cho sức sống, giá trị và tầm quan trọng trong đời sống người S’tiêng. Các sản phẩm của nghề đan gùi không chỉ là những đồ dùng, vật dụng đơn thuần sử dụng trong lao động sản xuất mà nó còn được người S’tiêng sử dụng với những vai trò, chức năng và giá trị khác trong đời sống văn hóa tinh thần của người S’tiêng như làm sính lễ trong cưới hỏi, làm vật tùy táng trong tang ma, làm quà tặng, làm vật kỹ niệm trong mối quan hệ cộng đồng đồng, gia đình, dòng họ…
Cùng với tiến trình phát triển của xã hội với bao tác động biến đổi của điều kiện kinh tế – xã hội cũng như quá trình giao lưu, giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng cư dân. Nghề truyền thống của người S’tiêng nói riêng và các cộng đồng dân tộc khác nói chung đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức để bảo tồn và trao truyền qua các thế hệ trong đó có nghề đan gùi của người S’tiêng. Nhưng trải qua thời gian dài với tính thiết yếu, phổ biến đồng thời còn là truyền thống, nét văn hóa đặc trưng riêng của cộng đồng, nghề đan gùi và các sản phẩm của nghề đàn gùi vẫn được người S’tiêng lưu giữ, bảo tồn cho đến ngày nay, qua đó có thể nhận thấy nghề đan gùi vẫn còn sức sống trong chính cộng đồng người S’tiêng mặc dù hiện đang có nhiều nguyên nhân tác động có nguy cơ làm mai một di sản văn hóa này.
Tác giả : Phạm Đức Ngự