NHỮNG CÂU CHUYỆN THẦN THOẠI CỦA NGƯỜI S’TIÊNG VÙNG NÚI BÀ RÁ

NHỮNG CÂU CHUYỆN THẦN THOẠI CỦA NGƯỜI S’TIÊNG VÙNG NÚI BÀ RÁ

          Người S’tiêng ở Bình Phước gọi núi Bà Rá là Bờ Nâm Brá, tức đồi – núi thiêng, núi thánh([1]), hiện nay tên gọi phổ biến là núi Bà Rá, một trong những ngọn núi cao ở Nam Bộ. Đối với họ, đây là ngọn núi thiêng, nơi các vị thần an ngự, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Do đó, trong các lễ hội truyền thống, khi tiến hành nghi lễ cúng thần linh, họ luôn khấn mời vị thần của núi Bà Rá trước tiên.

Văn học dân gian của người S’tiêng rất đa dạng về lọai hình, phong phú nội dung, trong đó, chiếm phần lớn dung lượng kho tàng văn học dân gian là truyện truyền thuyết, sử thi([2]). Từ trước đến nay có nhiều công trình nghiên cứu về loại hình ngữ văn dân gian của người S’tiêng, phát hiện được hàng trăm câu chuyện kể dân gian. Liên quan đến núi Bà Rá (thị xã Phước Long tỉnh Bình Phước), người S’tiêng có một số câu chuyện thần thoại kể về sự tích ngọn núi, con suối, hòn đá, dòng sông chảy qua khu vực quanh núi Bà Rá, câu chuyện kể về chuyện tình yêu trai gái và mối quan hệ cộng đồng của người S’tiêng nơi đây. Sau đây là một số câu chuyện kể do nhóm tác giả sưu tầm được.

Ảnh: Núi Bà Rá, nguồn: Sưu tầm

  1. Câu chuyện về nguồn gốc ra đời núi Bà Rá([3])

Với nội dung này, có hai nơi kể với hai câu chuyện khác nhau:

Câu chuyện thứ nhất: Người khổng lồ đắp núi, theo lời kể của người S’tiêng ở thôn 7 xã Long Giang và xã Phú Nghĩa

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có vị thần trên trời có chức năng cai quản dân chúng dưới hạ giới. Ông sinh được hai người con gái, người con lớn đặt tên là My Lơm và con gái nhỏ đặt tên là My Giêng. Khi con gái lớn lên, lúc này tuổi ông đã cao sức yếu không thể cai quản được dân chúng nên muốn để hai con gái ông tiếp tục công việc. Ông phân công người chị là My Lơm trông coi vùng đất ở khu vực gần sông Vàm Cỏ (hiện nay) và cô em My Giêng cai quản vùng đất Đak Lung – tức sông Bé ngày nay và những vùng xung quanh.

Để tạo thuận lợi cho hai người con gái trong việc cai quản dân chúng, ông dùng Xá([4]) lớn lấy đất đắp tạo ra hai ngọn đồi, núi cao để hai người con ở. Ngọn đồi – núi đó được ông đặt tên là Bờ Nâm Woen (Veng), ngày nay người Kinh gọi là núi Bà Đen; ngọn đồi – núi ở Đak Lung được ông đặt tên là Bờ Nâm Brá, ngày nay gọi là núi Bà Rá. Vì ở khu vực sông Vàm cỏ là nơi ở và cai quản của cô chị nên ông đổ bảy Xá đất, còn ở khu vực Đak Lung([5]), nơi ở của cô em, ông chỉ đổ sáu Xá đất để phân biệt thứ bậc chị em. Đó là lý do vì sao ngày nay Bờ Nâm Woen (Veng) – tức núi Bà Đen hiện nay cao hơn Bờ Nâm Brá – núi Bà Rá, theo giải thích của người S’tiêng.

Câu chuyện thứ 2: theo lời kể của người S’tiêng ở xã Bình Minh huyện Bù Đăng

Cũng là một câu chuyện về việc đắp núi Bà Rá, nhưng ở sóc Bom Bo (xã Bình Minh) lại tồn tại một di bản khác.

Câu chuyện kể rằng, ngày xưa có một ông khổng lồ có ba người con gái. Khi các con lớn lên, ông muốn tìm nơi để các con cư trú. Ông rảo quanh một vòng trong khu vực, ông quyết định phân cho ba người con ở ba khu vực khác nhau. Cô chị ông cho ở vùng Gia Lào, cô em kế được cho ở vùng gần khu vực sông Vàm Cỏ Đông và cô em út được cho ở khu vực gần sông Đak Lung (tức sông Bé ngày nay). Sau khi phân chia xong các vùng cư trú và được các con đồng ý, ông ra sức đắp cho các con những ngọn đồi (Bờ Nâm) để họ trú ngụ. Để phân biệt vai vế lớn nhỏ giữa các chị em, ông tạo ra những ngọn đồi (núi) có độ cao khác nhau. Cô chị ông dùng cái Lung (loại Gùi lớn nhất của người S’tiêng) đổ một Lung đất tạo ra núi Gia Lào (thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai) ngày nay; cô em kế, ông dùng Xá (loại gùi nhỏ hơn Lung) đổ một Xá đất, tạo ra Bờ Nâm Woen (Veng) – tức núi Bà Đen ở Tây Ninh ngày nay; cô em út ông dùng Khiêu (loại gùi nhỏ nhất của người S’tiêng) đắp đồi tạo thành Bờ Nâm Brá – tức núi Bà Rá. Do vậy, ngày nay núi Bà Rá thấp nhất trong ba ngọn núi ở Đông Nam Bộ.

  1. Câu chuyện về sự di cư của người S’tiêng

Trong chuyện kể dân gian của người S’tiêng, họ có lưu truyền câu chuyện về sự di cư của người S’tiêng và sự có mặt của người S’tiêng trên vùng đất Bình Phước.

Ngày xưa, các cộng đồng cư dân như S’tiêng, Khmer, Châu Ro sinh sống chủ yếu ở vùng Bà Đen. Sau đó, do xảy ra nhiều bất đồng, nhóm người S’tiêng do bà Giêng dẫn đầu đi về phía đông tìm nơi cư trú mới. Trên đường đi, đoàn dừng nghỉ hai lần, một lần ở Sóc Bưng (xã Thanh Phú, thị xã Bình Long ngày nay), đoàn ngồi nghỉ chân. Do đoàn người đông, lại ngồi nghỉ quá lâu nên phần đất nơi họ ngồi bị lún xuống, tạo ra một địa điểm gọi là Bờ Nâm Cầm Beng, tức di chỉ Thành đất đắp hình tròn Thanh Phú([6]). Sau đó, khi đi đến khu vực sóc Bù Tam (xã Lộc Quanghuyện Lộc Ninh ngày nay), cách điểm dừng chân đầu tiên khoảng 30km, đoàn tiếp tục ngồi nghỉ chân, tạo nên một địa điểm có hình dáng tương tự ở ấp Sóc Bưng xã Thanh Phú – tức là di chỉ thành đất đắp hình tròn Lộc Quang 2 ngày nay. Cuối cùng đoàn người đã đi đến khu vực Bờ Nâm Brá – Núi Bà Rá. Nhận thấy nơi đây có núi cao, có sông lớn và nhiều suối chảy qua, có phong cảnh đẹp, phù hợp để người dân canh tác và cư trú lâu dài, đoàn người S’tiêng đã chọn nơi đây làm nơi cư trú lâu dài.

  1. Câu chuyện về ông nhà giàu keo kiệt chặn dòng sông Bé bắt rắn cứu con

Người S’tiêng kể rằng, ngày xưa trong một sóc nhỏ ở gần Bờ Nâm Brá có một gia đình giàu có với nhiều tài sản trong nhà như: lúa, bắp,nhiều Slung, Tố, Ché, nhiều trâu bò,… Nhưng ông chủ gia đình lại nổi tiếng là người keo kiệt và độc ác. Ông không hề giúp đỡ ai trong hoạn nạn, những người nô lệ trong nhà cũng bị ông đối xử thậm tệ. Trong Wăng ai ai cũng căm ghét ông, cả các loài chim, muôn thú.

Ông có một người con gái rất đẹp vừa đến tuổi lấy chồng. Dưới sông Đak Lung (nơi gần Thác Mơ) có một con Bi Bvích([7]) – là con rắn hổ đã thành tinh, biết lão nhà giàu ở đây nổi tiếng keo kệt và tàn ác nên muốn ra tay trừng trị, cho lão nhà giàu một bài học. Để thực hiện ý định của mình, nó biến thành một chàng trai cao to, tuấn tú, đến gia đình ông nhà giàu giả làm người bị lỡ đường xin được ở tạm vài hôm. Sau đó, nó xin ở lại nhà ông để làm việc nhằm đền đáp công ơn gia đình ông đã cho “chàng trai” ở nhờ. Để được ở lại lâu hơn, chàng trai do rắn biến thành nói với lão nhà giàu rằng ở đây mấy hôm cảm thấy thích và có tình cảm với gia đình, không muốn rời đi nữa. Nếu ông đồng ý thì “chàng trai” sẵn sàng ở lại đây và làm công cho ông, chỉ cần ông cho ăn cơm, không cần trả tiền công. Nghe vậy, lão nhà giàu thích lắm, đồng ý luôn vì nhà có thêm người làm rất khỏe mạnh lại chịu khó.

Được lão nhà giàu đồng ý, “chàng trai” làm nhiều cách để lấy lòng ông chủ nhà giàu có, mong có ngày chiếm được tình thương của cô gái và được ông lão nhà giàu cưới làm chồng cho con gái. Sau một thời gian làm “người tốt”, hắn đã chinh phục được lão nhà giàu keo kiệt. Mặc dù người con gái không hề yêu thương “chàng trai” nhưng ông vẫn quyết định cưới “chàng trai” cho con gái yêu quý của mình. Đêm tân hôn, khi hai người ở chung trong một căn phòng được người cha chuẩn bị cho đôi vợ chồng trẻ, con rắn hiện nguyên hình, há to mồm nuốt “người vợ” mới cưới vào bụng. Lúc này, người con gái vội vàng kêu cứu:

– Cha ơi! Cứu con, nó nuốt chân con rồi!

Lão nhà giàu nghĩ rằng đó là chuyện hai vợ chồng đùa giỡn trong khi động phòng nên ông trả lời: Thôi con ạ, chuyện của vợ chồng con, cha không tiện can thiệp đâu!

– Người con gái lại kêu cứu: Cha ơi cứu con, nó nuốt đến bụng con rồi!

Người cha cũng nghĩ như trước, lại nói: đó là chuyện của hai vợ chồng con!

Người cha tiếp tục nghe những lời kêu cứu của con gái khi con rắn tinh nuốt cô gái đến ngực, đến miệng. Khi tiếng kêu cứu nhỏ dần rồi im hẳn, người cha thầm nghĩ: cuối cùng con gái mình cũng chịu “chàng trai”, ông yên bụng ra ngồi phía đầu nhà sàn hóng mát, ngắm rừng xanh. Trong bụng có cảm giác vui vui khó tả vì ông nghĩ đã cưới cho con gái một người chồng ưng ý.

Sau khi nuốt xong cô gái, con rắn tung mạnh một cái, phá phòng ngủ và bò nhanh về hang của nó. Người cha lúc này mới phát hiện “chàng trai” tuấn tú kia chỉ là một con rắn hóa thành và đã nuốt con gái ông vào bụng. Ông liền lần theo dấu vết bò của con rắn và phát hiện được cái hang nơi con rắn đang ẩn náu. Tuy nhiên, hang này nằm dưới dòng nước Đak Lung đang chảy xiết nên ông không thể xuống để bắt con rắn được. Ông đang đứng tần ngần suy nghĩ thì bên suối có con tác kè, vốn đã có lòng ghét ông lão keo kiệt từ lâu, nhân dịp này nó bèn bày kế hại ông. Nó nói: Ông muốn chặn dòng nước để vào hang bắt con rắn cứu con gái, hãy lấy của cải đang có trong nhà ra đổ xuống dòng nước sẽ ngừng chảy, khi đó ông sẽ xuống được hang của rắn. Đang lúc chưa nghĩ ra cách gì hay, ông vội làm theo lời con tắc kè. Ông chạy về nhà kêu người nhà, người làm, nô lệ mang lúa, bắp, vàng bạc, cơm, thịt heo, tố, ché,… ra đổ xuống dòng nước. Lúc này, con tắc kè đi thông báo cho người dân trong các Wăng gần đó mang các vật dụng đến địa điểm thích hợp để vớt của cải của lão nhà giàu.

– Mọi người ơi, lão nhà giàu độc ác sắp mang của cải đổ xuống dòng suối chặn dòng nước để bắt rắn cứu con gái, mọi người chuẩn bị đồ để đi vớt!

Đúng như dự đoán của con tắc kè, ông cứ đổ xuống đến đâu, các thúng thóc, bắp, đậu, vàng bạc, thức ăn đều bị nước cuốn trôi đến đó. Nhưng ông vẫn kêu đầy tớ, nô lệ mang ra đổ xuống. Người dân lúc này đã đợi sẵn, dùng các loại vật dụng vớt những của cải của lão nhà giàu bị nước cuốn trôi.

Ông cứ đổ mãi cho đến khi của cải trong nhà dần cạn hết. Lúc này, cảm thấy tội nghiệp cho lão nhà giàu, một con chim Pèng Péc đang đậu trên cành cây liền nói vọng xuống: “Ông muốn ngăn dòng nước thì phải lấy đá đổ xuống, của cải nhà ông đổ đến bao giờ mới ngăn được dòng nước này”!

Ông lão nghe được mới bừng tỉnh. Ừ nhỉ! Tại sao mình không nghĩ ra. Ông liền kêu mọi người đi lấy đá đổ xuống dòng nước. Chỉ một lúc sau, dòng nước đã bị ngăn lại, hang rắn lộ ra. Lúc này con rắn vẫn chưa bò hết vào hang, ông liền nắm lấy đuôi con rắn kéo ra. Lần đầu ông kéo một mình, sức ông không kéo nổi nên bị trượt tay, ngã phịch xuống đất. Nơi ông ngồi xuống tạo thành một vùng trũng to, ngày nay dấu tích còn lại là một vũng to ở dưới Thác Mơ. Sau đó, ông kêu người làm, nô lệ và người nhà xuống kéo giúp nhưng vì con rắn to quá nên vẫn không kéo nổi. Thấy vậy, người dân đang vớt của cải gần đó đến kéo giúp, con rắn lúc này dần dần bị kéo ra khỏi hang. Đợi đến khi đầu con rắn ra khỏi miệng hang, ông dùng chà gạt chém nhiều nhát làm con rắn chết tại chỗ. Mọi người cùng ông mổ bụng rắn cứu cô gái. Tuy nhiên, do bị nuốt quá lâu, cô con gái của ông đã chết. Ông buồn bã cùng những người trong nhà đưa con gái về nhà làm đám tang và chôn cất. Lúc này, người trong làng mang những của cải vớt được trả lại cho lão nhà giàu, giúp lão nhà giàu tổ chức tang lễ và chôn cất cho cô con gái gái. Lão nhà giàu lúc này mới hiểu được lòng tốt của mọi người, ông vô cùng hối hận vì đã đối xử không tốt với mọi người trong Wăng([8]) lâu nay. Ông liền mang của cải giúp đỡ những người nghèo khó, những gia đình neo đơn. Từ đó, tình cảm của gia đình lão nhà giàu với người dân trong sóc trở nên gắn bó hơn.

  1. Câu chuyện về mối tình chung thủy([9])

Đây là câu chuyện giải thích về hai hòn đá nằm song song, ở dưới chân núi Bà Rá.

Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở Wăng Đak Dung, tức Suối Dung có một Bàu nước tự nhiên, người S’tiêng gọi là Tranh Bi Vích Bi Cu – Tức Bàu Chàm Quạp. Nơi đó, có nhiều đồng cỏ xanh mượt, quang cảnh rất đẹp. Người dân trong các Wăng – Sóc lân cận thường đến đây chăn trâu, tắm rửa, vui chơi. Có một đôi trai gái trong Wăng rất thương nhau, họ dự định hết mùa gặt lúa này sẽ xin cha mẹ cho họ cưới nhau.

Vào những đêm trăng sáng, họ thường đến ngồi trên tảng đá bên hồ nước để nói chuyện, chăm sóc động viên nhau. Trong một lần, như thường khi, họ ngồi trên tảng đá nói chuyện đùa giỡn với nhau rất vui vẻ. Trăng sáng lờ mờ, gió mơn man thổi, chàng trai nói với người con gái những dự định về tương lai sau khi hai người cưới nhau, cô gái nói về những ước mơ của mình sau khi lập gia đình. Trong lúc nói chuyện, cô gái vô tình nhặt được một vật gì đó cong và nhọn, tưởng là chiếc gai tre, cô gái cầm và khều nhẹ vào tay của chàng trai, không ngờ đó là chiếc răng nanh của con rắn Bi Vích – Chàm Quạp đã chết. Chẳng may trong chiếc nanh vẫn còn nọc độc của con rắn. Bị nọc độc của con rắn chạy khắp cơ thể, chàng trai đau đớn vật vã, lăn lộn xuống đất một hồi rồi chết đi. Cô gái lúc này cảm thấy vô cùng hối hận vì trò đùa của mình vô tình hại chết người yêu. Cô ngồi bên xác chàng trai, gào khóc thảm thiết ngày này qua ngày nọ, không ăn không uống. Ai đến khuyên can cô cũng không nghe, cho đến khi kiệt sức cô ngã xuống bên xác chàng trai và cũng chết đi. Đúng lúc này, trời đất bất ngờ tối sầm lại, không khí trở nên lạnh buốt, không ai giám ra khỏi nhà. Đến ngày hôm sau, trời bình thường trở lại, mọi người vội chạy ra nơi chàng trai và cô gái thì phát hiện hai người đã hóa đá, nằm cạnh bên nhau. Đó là câu chuyện người S’tiêng kể để giải thích hình tượng hai viên đá khối dài khoảng gần 2m, nằm song song cạnh nhau ở dưới chân núi Bà Rá, gần khu vực suối Dung.

Có thể thấy, cũng giống như những cộng đồng cư dân khác, để giải thích các hiện tượng trong tự nhiên, người S’tiêng dùng văn học dân gian để truyền tải. Có thể, đó là những câu chuyện không có thật nhưng mang lại nhiều giá trị, ý nghĩa đối với người S’tiêng. Ngoài việc giải thích các hiện tượng tự nhiên và xã hội, các câu chuyện kể dân gian còn truyền tải những giá trị văn hóa nhân văn, truyền tải những giá trị đạo đức để khuyên răn mọi người trong cộng đồng phải luôn sống tốt, sống thủy chung, sống có ích cho cộng đồng. Vùng Bà Rá – hiểu theo nghĩa rộng, là phạm vi bao trùm trong không gian rộng lớn của cả khu vực, không riêng các cộng đồng cư dân xung quanh khu vực núi Bà Rá hiện nay. Điều này cho thấy, ở những vùng xa như Bù Đăng, Bù Gia Mập, người S’tiêng vẫn lưu truyền những câu chuyện thần thoại về núi Bà Rá. Tất cả như những gam màu tô thắm thêm cho vùng núi Bà Rá trở nên huyền bí, đậm chất văn hóa, nhân văn./.

Phạm Hữu Hiến

Ngô Hà

(Sưu tầm và biên tập)

Các câu chuyện được cung cấp bởi

  1. Ông Điểu Ba, thôn Bình Trung xã Phước Tân, huyện Phú Riềng.
  2. Ông Điểu Lốt, thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng.
  3. Bà Điểu Thị Hậu, thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng.
  4. Ông Điểu Nhêm, thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng.
  5. ÔngĐiểu Thị Hiền, ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú, TX Bình Long
  6. Ông Điểu Khuy, thôn 7, xã Long Giang, TX Phước Long.
  7. Ông Điểu Kiêu, thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập.
  8. Ông Điểu Khươi, xã Bình Minh huyện Bù Đăng.

[1] Theo Điểu Thanh, thôn 3 xã Đak Ơ huyện Bù Gia Mập.

[2]Từ Thị Thơ, (2012), Khảo sát văn học dân gian của người Xtiêng ở Bình Phước, luận văn thạc sỹ.

[3]Do các câu chuyện của họ đều không cung cấp được tên gọi, nên tác giả tự đặt tên cho các câu chuyện kể.

[4]Người Kinh gọi là Gùi.

[5]Đak Lung theo tiếng người Xtiêng có nghĩa là Sông Lung, tức Sông Bé ngày nay.

[6]Phạm Hữu Hiến, Đinh Nho Dương, 2018, Nghiên cứu mối liên hệ giữa di chỉ thành đất đắp hình tròn với văn hóa truyền thống của người Xtiêng Bình Phước.

[7]Theo sự phiên âm của ông Điểu Khuy, thôn 7 xã Long Giang, TX.Phước Long.

[8] Cách người S’tiêng gọi nơi cư trú của họ, cách gọi phổ biến hiện nay là Sóc.

[9] Theo lời kể của ông Điểu Khuy, thôn 7 xã Long Giang thị xã Phước Long.

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan