Xây dựng Bộ sưu tập hiện vật – Nhiệm vụ quan trọng của Bảo tàng tỉnh Bình Phước trong giai đoạn hiện nay.

Sưu tập hiện vật Bảo tàng là một trong những công tác quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ Bảo tàng, là xương sống tạo nên sự hấp dẫn đối với khách tham quan, nghiên cứu. Quá trình lựa chọn hiện vật đưa vào bộ sưu tập và phân loại, bổ sung hồ sơ hiện vật sẽ góp phần nâng cao chất lượng khoa học của các hoạt động nghiệp vụ kho. Làm tốt việc xây dựng các bộ  sưu tập thì các hiện vật gốc trong kho mới được quản lý một cách chính xác cả về số lượng và chất lượng.

Hiện nay tại kho cơ sở Bảo tàng tỉnh có hơn 13.808(1)  hiện vật, hàng ngàn tư liệu, hình ảnh liên quan đến quá trình hình thành phát triển tỉnh Bình Phước qua nhiều giai đoạn lịch sử. Với số lượng hiện vật lớn và phong phú đang lưu giữ, bảo quản tại kho bảo tàng thì việc xây dựng bộ sưu tập hiện vật là một vấn đề cấp thiết. Trên cơ sở các bộ sưu tập hiện vật nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, lựa chọn đề tài, bổ sung hiện vật phục vụ chỉnh lý nội dung trưng bày và các hoạt động khác của Bảo tàng tỉnh Bình Phước.

Ảnh: Các hiện vật của người S’tiêng

Theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam: “Sưu tập hiện vật là một tập hợp các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc di sản văn hóa phi vật thể thu thập, gìn giữ, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung và chất liệu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử tự nhiên và xã hội”.(2)

Như vậy, sưu tập hiện vật Bảo tàng là sự tập hợp hiện vật đảm bảo 3 tiêu chuẩn giá trị  đó là giá trị pháp lý, giá trị nội dung lịch sử và giá trị chân thực. [1]Ngoài ra,  bộ sưu tập hiện vật phải đảm bảo 3 yếu tố sau:

– Những hiện vật được đưa vào Bộ sưu tập trước hết phải là những hiện vật đã được đăng ký vào sổ kiểm kê của bảo tàng, có xuất xứ về nguồn gốc hiện vật, có nội dung lịch sử.

 – Những hiện vật đưa vào Bộ sưu tập đều cùng có một thuộc tính chung nào đó về loại hình, về nội dung lịch sử, về chất liệu, về kỹ thuật chế tác, về chức năng sử dụng, về dân tộc….

– Những hiện vật đưa vào Bộ sưu tập đều cùng phản ánh thuộc tính chung.

Để xây dựng một Bộ sưu tập hiện vật phải tiến hành theo các bước như sau:

 Bước 1Xác định tên Bộ sưu tập

Xác định tên sưu tập chính là xác định thuộc tính chung như chất liệu, nội dung, sự kiện, niên đại, địa danh… đây là bước khởi đầu quan trọng, nó sẽ hình thành một bộ sưu tập cụ thể của bảo tàng và chi phối các bước tiếp theo trong quá trình tiến hành xây dựng sưu tập.

– Bước 2: Lập danh mục khoa học.

+ Nghiên cứu, lựa chọn hiện vật đủ tiêu chuẩn đưa vào bộ sưu tập , lập danh mục khoa học bộ sưu tập.

+ Khảo tả, đo đạc, chụp ảnh từng hiện vật, miêu tả hiện vật.

+ Đánh số hiện vật theo sưu tập, xây dựng phiếu sưu tập.

 + Lập phiếu kiểm kê địa hình, phiếu theo dõi tình trạng hiện hiện vật

 – Bước 3:Thẩm định hiện vật của Bộ sưu tập 

Đây là bước quan trọng trong công tác xây dựng bộ sưu tập hiện vật bảo tàng,  hoạt động này do Hội đồng Khoa học thực hiện, công việc chủ yếu là  xác minh nội dung, niên đại hiện vật nhằm  bổ sung thông tin và đảm bảo tính chính xác nội dung từng hiện vật. Từ đó phân loại thành các hiện vật có đầy đủ hồ sơ, các hiện vật chưa đủ hồ sơ.

 – Bước 4:Hoàn thiện Bộ sưu tập 

Hoàn thiện hồ sơ bộ sưu tập đầy đủ và chính xác nhất về nội dung và thành phần của bộ sưu tập.

– Bước 5: Xây dựng sổ sưu tập

Sau khi đã hoàn thiện hồ sơ, các hiện vật được đưa vào sổ sưu tập, quá trình xây dựng sổ sưu tập là quá trình hoàn chỉnh sưu tập.

Một bộ sưu tập sau khi đã lập xong hồ sơ và được đăng ký chính thức, tức là việc xây dựng sưu tập đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau khi đăng ký sưu tập, cán bộ bảo tàng vẫn thường xuyên bổ sung thông tin mới vào hồ sơ hiện vật và tiếp tục sưu tầm bổ sung thêm các hiện vật cho Bộ sưu tập. Đây chính là quá trình “làm giàu” sưu tập.

 

 

Tác giả Lê Phương

[1] Số liệu hiện vật tính đến hết tháng 12/2020, do cán bộ Kho Bảo tàng cung cấp.

Tại Khoản 9, Điều 4, Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001.

Print Friendly, PDF & Email