Chiếu sáng trong trưng bày – Mấy vấn đề cần trao đổi (phần 1)
Tại Việt Nam, trong những năm qua, cùng chiến lược phát triển văn hoá, nhiều bảo tàng mới được xây dựng, chỉnh lý, nâng cấp, nhưng chúng ta hiếm khi thấy các dự án được coi là thành công về chiếu sáng trong bảo tàng. Trong bài viết này, chúng tôi nêu lên một số ý kiến trao đổi nhằm chỉ ra nguyên nhân và những giải pháp để từng bước cải thiện những bất cập ở các dự án chiếu sáng trong bảo tàng.
Những bất cập trong chiếu sáng bảo tàng và nguyên nhân của nó
Một dự án chiếu sáng tốt đòi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ của việc thiết kế chiếu sáng, thiết bị chiếu sáng và việc điều chỉnh ánh sáng; không thể thiếu được một trong các yếu tố trên, nhưng các dự án của chúng ta đang có những khiếm khuyết ở cả ba phương diện.
Thiết kế chiếu sáng
Các nhà thiết kế ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng là nhà tư vấn ánh sáng cho các kiến trúc sư hay đơn vị thiết kế nội thất. Có những nhà thiết kế ánh sáng rất chuyên nghiệp trong chiếu sáng đô thị, chiếu sáng ngoài trời, chiếu sáng các khu vui chơi, khách sạn, các cửa hàng đồ hiệu… Tuy nhiên, trong lĩnh vực chiếu sáng bảo tàng, chúng ta hầu như không có một chuyên gia nào.
Chiếu sáng điểm cục bộ kết hợp chiếu sáng nền với các pano trên tường tại Bảo tàng Neanderthal (CHLB Đức) (Ảnh: Trương Đắc Chiến)
Chiếu sáng bảo tàng là một phân khúc thị trường nhỏ. Dù những năm gần đây chúng ta đã chú trọng vào đầu tư vào xây dựng, chỉnh lý, nâng cấp một số bảo tàng nhưng so với các ngành khác thì quy mô còn rất nhỏ và không có người chuyên nghiệp, chuyên chú nghiên cứu đến lĩnh vực này. So với các dự án chiếu sáng đô thị, chiếu sáng các khu du lịch, cửa hàng đồ hiệu… thì các dự án chiếu sáng bảo tàng có khối lượng nhỏ và chi phí thiết kế tương ứng thấp. Ví dụ như trong các công trình chiếu sáng khu đô thị, hay các khu du lịch chi phí chiếu sáng có thể dễ dàng lên đến hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ và chi phí thiết kế chiếu sáng có thể dễ dàng lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Một dự án chiếu sáng bảo tàng chỉ vài trăm triệu, hiếm khi có dự án tiền tỷ, chi phí thiết kế tương ứng là con số rất nhỏ và thậm chí bị xem thường đến mức đưa hết vào chi phí thiết kế xây dựng, chi phí mua thiết bị mà không có dù chỉ một ít dành cho thiết kế ánh sáng.
Dự án chiếu sáng của bảo tàng có không gian phức tạp và khối lượng công việc rất lớn. So với dự án chiếu sáng khách sạn, chủ yếu các khu vực được thiết kế chiếu sáng là phòng nghỉ và hầu hết ánh sáng của các phòng nghỉ là giống nhau, điều này làm cho khối lượng công việc ít hơn rất nhiều và điều này cũng đúng với các dự án chiếu sáng khu đô thị hay các cửa hàng đồ hiệu. Ánh sáng ở mỗi không gian của bảo tàng lại không giống nhau, hiện vật trưng bày cũng khác nhau, không thể sao chép thiết kế từ chỗ này mang sang chỗ khác, khối lượng công việc do đó lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, trên thực tế, những chuyên gia thiết kế ánh sáng hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực này cảm thấy không đáng để đầu tư nghiên cứu vào chiếu sáng bảo tàng so với các mảng thị trường khác. Vì vậy, chúng ta khó có thể thấy các nhà thiết kế hay công ty thiết kế chú trọng đến ánh sáng bảo tàng mà chủ yếu tập trung vào ánh sáng ngoài trời, các khách sạn, khu vui chơi và không gian chuỗi thương mại. Lý do cũng rất đơn giản, nếu tập trung vào bảo tàng thì họ khó có thể tồn tại được, dẫn đến kỹ năng nghề nghiệp của họ rất hạn chế để đáp ứng việc thiết kế ánh sáng trong bảo tàng.
Ánh sáng tại các đường giao thông trong bảo tàng và các không gian chuyển tiếp tại Bảo tàng Neanderthal (CHLB Đức) (Ảnh: Trương Đắc Chiến)
Thiết bị chiếu sáng
Thực tế trên thị trường cũng có một số nhà cung cấp thiết bị chiếu sáng mà sản phẩm của họ chú trọng vào bảo tàng hay các phòng trưng bày nghệ thuật, họ có thể phối hợp cử một số nhà thiết kế ánh sáng tham gia tư vấn cho các dự án của các bảo tàng. Tuy vậy cách làm này sẽ có những thiếu sót cố hữu, chẳng hạn như sự đơn nhất của sản phẩm, sự thiếu tầm nhìn của người thiết kế,… mục đích của họ sẽ chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm mà họ sẵn có cho dự án và đưa ra các lời khuyên chung chung cho việc bố trí đèn. Không có nhà thiết kế chuyên nghiệp ở thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ là vấn đề không dễ giải quyết trong một tương lai gần.
Việc điều chỉnh ánh sáng
Trên thực tế, ngoài những lý do khách quan kể trên, bản thân các bảo tàng cũng có những hạn chế nội tại. Giới thiết kế ánh sáng bảo tàng có một câu nói: “Thiết bị chiếm 30%, điều chỉnh chiếm 70% hiệu quả ánh sáng”, nhấn mạnh quá mức vai trò của điều chỉnh ánh sáng, nhưng nó cũng minh họa tầm quan trọng của việc điều chỉnh ánh sáng. Một ví dụ ở một lĩnh vực khác để dễ hình dung: các đèn flash cho việc chụp ảnh trong studio rất phổ biến và các bảo tàng có thể dễ dàng trang bị, nhưng để sử dụng, bố trí, phối kết hợp các đèn, góc chiếu, hướng chiếu sáng, điều chỉnh cường độ, sử dụng các phụ kiện… để có thể chụp các bức ảnh mang lại hiệu quả theo yêu cầu thì cần người sử dụng phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực này và không ngừng điều chỉnh các đèn trong quá trình chụp các hiện vật khác nhau.
Trong không gian trưng bày của bảo tàng, các hiện vật được trưng bày có kích thước khác nhau, và trong giai đoạn thiết kế, có rất ít thiết kế chi tiết cho các hiện vật trưng bày, và ánh sáng chỉ có thể được bố trí một cách đại khái. Nhiều bảo tàng thậm chí không có bản thiết kế ánh sáng trưng bày mà chỉ có phần bố trí đèn thuộc dự án xây dựng. Sau khi hiện vật được dàn dựng trưng bày xong mới bố trí đèn chiếu sáng, lúc này chỉ có thể dựa vào việc điều chỉnh góc, phạm vi và cường độ ánh sáng từng khu vực một.
Trong bảo tàng có rất nhiều trưng bày chuyên đề, triển lãm tạm thời, ánh sáng cần được thay đổi mỗi lần. Các trưng bày tạm thời này thường không có đủ thời gian, kinh phí để thiết kế ánh sáng một cách chuyên nghiệp, việc chiếu sáng lúc này chỉ có thể dựa vào việc điều chỉnh ánh sáng. Nhưng hiện nay tại các bảo tàng ở Việt Nam không có nhân sự chuyên nghiệp cho công việc này, và thường được thực hiện bởi thợ điện, nhân viên bảo trì, kỹ thuật viên của nhà cung cấp hoặc bên thi công… Những nhân sự này đều không được đào tạo chuyên môn, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân.
Những người làm công việc điều chỉnh ánh sáng ở Việt Nam không có chứng chỉ chuyên môn nên mọi người không nhìn nhận tính chuyên nghiệp trong công việc của họ, vì vậy khi điều chỉnh ánh sáng, các nhà thiết kế nội thất, chuyên gia, người phụ trách trưng bày sẽ chú ý đến ánh sáng – trong một trưng bày ai cũng có thể có ý kiến về ánh sáng trong khi thậm chí họ không có hiểu biết về chiếu sáng trong bảo tàng. Mọi người đều có cảm giác không thoả mãn với những gì đang đang nhìn thấy và họ đều hy vọng rằng ánh sáng sẽ như trong tưởng tượng của mình. Kết quả là sau khi chỉnh tới, chỉnh lui, hiệu ứng cuối cùng không được như ý, thậm chí việc nghe quá nhiều các ý kiến khác nhau dẫn đến việc chiếu sáng trở nên loạn xạ, xa rời mục đích ban đầu của việc thiết kế ánh sáng.
Những yếu tố khách quan và chủ quan kể trên đã khiến cho ánh sáng trưng bày trong các bảo tàng Việt Nam hiện nay hầu hết không đạt yêu cầu (Xem tiếp phần 2)
Nguyễn Quốc Bình
Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nguồn bài viết: https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3099/72895/chieu-sang-trong-bao-tang-may-van-dje-can-trao-djoi.html