Internet và mạng xã hội là thành tựu khoa học – công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin trên phạm vi toàn cầu. Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, khi tiếp cận thông tin, bên cạnh các tính năng, thông tin tích cực, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc nhằm, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng.
Các mạng xã hội khá đa dạng và phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến là Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram…, nhưng mạng xã hội Facebook được người dùng Việt Nam sử dụng nhiều nhất. Theo thống kê đến tháng 02/2022, có 76.95 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam vào đầu năm 2022 tương đương 78.1% dân số, trong đó người dùng Facebook là 70.4 triệu người.
(Ảnh minh họa, lấy từ nguồn “Bình Phước Online” )
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THÔNG TIN:
1.Thông tin:
Thông tin chính là dạng dữ liệu thu được về một sự vật, sự việc, hiện tượng. Đối với cơ quan Nhà nước, khái niệm thông tin được quy định tại Điều 2 Luật Tiếp cận Thông tin năm 2016: “Thông tin là tin, là dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan Nhà nước tạo ra”.
2. Thông tin tích cực trên mạng xã hội:
Hiểu một cách phổ biến, thông tin tích cực là thông tin đúng đắn, chính xác về một sự vật, sự việc, một nhân vật, một mô hình, một giải pháp hay… có ý nghĩa, có giá trị. Khi thông tin tích cực được đưa lên không gian mạng sẽ giúp công chúng tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời, giúp người tiếp cận thông tin nắm rõ bản chất vấn đề, hiểu và xử lý thông tin đúng pháp luật, không để những thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng xấu đến bản thân và xã hội. Những thông tin tích cực, lành mạnh còn góp phần định hướng dư luận, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
3. Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội:
Thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội “là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận; làm cho người tiếp nhận thông tin có cách nhìn nhận lệch chuẩn vấn đề. Từ đó, những người tiếp nhận sẽ có những hành động gây ảnh hưởng, bất lợi cho Nhà nước, cho xã hội ở các phương diện mà họ tiếp cận.
II. NHẬN DIỆN MỘT SỐ THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN MẠNG XÃ HỘI:
1. Nhận diện những thông tin xấu, độc
Một số dạng thông tin xấu, độc trên mạng không gian mạng hiện nay là:
Một là thông tin của thế lực thù địch, của các đối tượng chống phá, xuyên tạc đối với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta.
– Chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, nhằm phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh:
Ví dụ: Phủ định, phản bác xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí minh, chúng cho rằng Chủ nghĩa Mác -Lênin đã lỗi thời và chỉ phù hợp với các nước Châu Âu, không thích hợp với các nước lạc hậu như Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng, do vậy tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không thể và không nên vận dụng vào Việt Nam. Vì vậy không nên lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho dân tộc Việt Nam (Trường Chính trị tỉnh Bình Phước:Tập bài giảng -Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Bình Phước, Nxb. Lý luận chính trị, H.2022, tr.144.).
– Xuyên tạc đường lối xây dựng CNXH, đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng ta, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới của đất nước ta:
Ví dụ: Lại vẽ trò bôi nhọ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10-11/9/2023, những phần tử phản động lưu vong ở hải ngoại lại tỏ ra lo lắng, tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam và việc nâng tầm mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Các đối tượng tăng cường phát tán nhiều bài viết có nội dung sai trái, xấu độc để chống phá Đảng, Nhà nước; xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cũng như quan hệ của Việt Nam với nhiều nước khác… Có trường hợp khi không thể ngăn cản chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden thì quay sang miệt thị các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc chính sách ngoại giao “bốn không” của Việt Nam…
– Xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta:
Ví dụ: Quan điểm cho rằng Việt Nam đưa quân đội sang giúp Campuchia khỏi nạn diệt chủng thực chất là sang cướp đất của campuchia, hòng làm chia rẽ mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. (Trường Chính trị tỉnh Bình Phước:Tập bài giảng -Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Bình Phước, Nxb. Lý luận chính trị, H.2022, tr.146.).
– Xuyên tạc thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; Vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong quân đội:
Ví dụ: Tung tin giả, làm nhiễu thông tin về các đồng chí lãnh đạo, từ đó hạ thấp uy tín của cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, từ đó hạ thấp uy tín của Đảng…. (Trường Chính trị tỉnh Bình Phước:Tập bài giảng -Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Bình Phước, Nxb. Lý luận chính trị, H.2022, tr.146.).
– Kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ:
Ví dụ: Lợi dụng tôn giáo, đồng bào dân tộc để tuyên truyền kích động gây mất trật tự xã hội, vụ nổ súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk.
– Truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận (hate speech) đối với cá nhân và tổ chức:
Ví dụ: các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền cho lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi,……).
– Phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây:
Ví dụ: các thế lực thù địch đưa một số lượng lớn tài liệu, sách báo, truyền đơn, băng hình, băng nhạc,…có nội dung phản động, đồi trụy vào Việt Nam, từ đó làm giá trị truyền thống bị mai một.
Hai là các thông tin xấu, độc nhằm lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus, xúc phạm danh dự cá nhân … làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại cho cá nhân và xã hội:
Ví dụ: Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng chủ yếu là thông báo trúng thưởng; thông báo nhận quà, tiền từ nước ngoài gửi về, yêu cầu bị hại chuyển tiền gọi là “phí thực hiện thủ tục nhận quà”; giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đe dọa nạn nhân có liên quan đến 1 vụ án lớn nào đó, yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra, hứa hẹn sẽ trả lại đầy đủ sau khi kiểm tra.
Ví dụ: Từ tháng 3-2021, bà Phương Hằng đã sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay và máy quay phim, đăng nhập vào 12 tài khoản mạng xã hội do bà này quản lý, thực hiện nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp trên mạng Internet có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà, trái quy định của pháp luật. Bà Hằng bị bắt tạm giam và phạt 03 năm tù tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Nhận diện những trang mạng thường đăng tải những thông tin có nội dung xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay
– Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa, không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa, cắt ghép cho phù hợp với nội dung nguồn tin.
– Kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, đa số nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Các trang mạng chính thống của cơ quan, tổ chức nhà nước đều có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể, rõ ràng trên trang.
– Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.
III. PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Về thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi dụng các trang mạng lớn trên thế giới như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ, sử dụng và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp để xuyên tạc, chống phá ta. Đồng thời tận dụng tối đa những ý kiến, đánh giá, nhận xét của các cá nhân, tổ chức có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, tạo dựng các trang web, các tài khoản cá nhân trên mạng nói chung, trên Facebook nói riêng để “chia sẻ”, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt chống phá.
Những thủ đoạn phát tán thông tin xấu, độc bao gồm:
– Mỗi đối tượng sử dụng một điện thoại smartphone, máy tính bảng… để quay phim, chụp ảnh, truyền tải video, hình ảnh livestream trực tiếp từ thực địa.
– Giả mạo các hình ảnh, video hoặc sử dụng các thông tin cũ có hiệu ứng kích động cao đối với cộng đồng mạng để xuyên tạc, lôi kéo người dân. Giả mạo lực lượng chức năng (quân đội, công an) trà trộn vào lực lượng tham gia biểu tình hoặc có những hành vi phản cảm để quay phim, chụp ảnh phát tán lên mạng internet, mạng xã hội.
– Tạo hiệu ứng đám đông trên không gian mạng bằng cách huy động một số lượng lớn các tài khoản mạng xã hội (đa số là các tài khoản ảo) gắn các biểu ngữ phản đối Đảng, Nhà nước để tạo ra hiệu ứng đám đông.
– Giả mạo tài khoản, xây dựng hàng loạt các mạng lưới tài khoản, trong đó có một số tài khoản chính thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một số nội dung, lĩnh vực nhất định và sử dụng hàng trăm tài khoản vệ tinh (thực chất là tài khoản ảo, có chung một chủ tài khoản) thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trong các nhóm diễn đàn phản động hoặc các trang mạng xã hội có lượng thành viên lớn.
– Đặc biệt, có nhiều tài khoản được thế lực thù địch mạo danh các nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng đến cộng đồng để phát huy tối đa khả năng lan truyền thông tin gây hoang mang dư luận.
1. PHÒNG CHỐNG CÁC THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN MẠNG XÃ HỘI:
Đối với các cơ quan quản lý:
Một là,Tăng cường hoạt động quản lý đối với các trang mạng xã hội.
Hai là, Xây dựng lực lượng chuyên trách đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ba là,Tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Bốn là,Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là về hạ tầng công nghệ đủ sức đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc trên không gian mạng ngày càng tinh vi, hiện đại.
Đối với cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động:
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, cụ thể như sau:
Một là, Luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước
Hai là, Có ý thức tự giác, phát huy tính kỷ luật của người đảng viên trong quá trình tiếp xúc thông tin; chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp cận Thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018. Đồng thời tích cực tham gia vạch trần, cảnh báo đến người dùng mạng xã hội những biểu hiện xào xáo thông tin, lưu truyền thông tin xấu, độc, thông tin thiếu chính xác…
Ba là, Không nghe, đọc, xem những đài, báo, trang mạng, bài viết, blog, video của những phần tử chống đối, phản động. Không phát tán, chia sẻ thông tin kích động biểu tình hay hình ảnh, video clip về cảnh tụ tập đông người, biểu tình gây rối. Không tin, nghe, làm theo hay ủng hộ lời xúi giục của kẻ xấu có những hành động vi phạm pháp luật (gây mất an ninh trật tự, vi phạm an toàn giao thông, gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp…).
Bốn là, Phát hiện, tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý. Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp; không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật; thực hiện tốt Cương lĩnh, Điều lệ Đảng.
Mạng xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam”. Do đó, chúng ta cần phải nhìn nhận đúng đắn, qua đó kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, góp phần vào công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Khi tham gia mạng xã hội, mỗi người dân cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ thông tin, ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, người dân cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét… không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực.
Tác giả: Lê Phương